09/08/2019 - 19:03

Ngoại giao judo!

Góp phần vào nỗ lực ngoại giao của Mỹ và các đồng minh nhằm đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương thông qua các chương trình thể thao, cơ quan hỗ trợ phát triển Nhật Bản đang mở lớp dạy judo miễn phí cho các vận động viên Samoa - quốc đảo nhỏ bé trên Thái Bình Dương - nhằm giúp họ đủ tiêu chuẩn tham gia Thế vận hội 2020 tại Tokyo.

Theo Reuters, động thái trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tỏ ra “quan tâm” đối với các quốc đảo có diện tích nhỏ nhưng lại nằm trên khu vực giàu tài nguyên biển và sở hữu các cơ sở hạ tầng chiến lược như sân bay và bến cảng ở Thái Bình Dương. Điều này thể hiện một cách rõ rệt khi Bộ trưởng Thể thao Samoa Loau Keneti Sio mới đây cho biết Trung Quốc đã gửi lời mời một “đạo quân hùng hậu” vận động viên thể thao trẻ Samoa, từ điền kinh, cầu lông đến bóng chuyền, sang Trung Quốc huấn luyện vào cuối năm nay. Trung Quốc cũng từng đón các vận động viên Samoa sang huấn luyện trước khi diễn ra Thế vận hội Thái Bình Dương được tổ chức ở Samoa hồi tháng rồi, đồng thời còn giúp đào tạo đầu bếp và vũ công cho lễ khai mạc và bế mạc. Bắc Kinh cũng thực thi chiến lược quyền lực mềm ở những nơi khác trên Thái Bình Dương, chẳng hạn như đón các vận động viên bóng bàn trong khu vực sang Trung Quốc tham gia huấn luyện với các huấn luyện viên “đẳng cấp thế giới”.

Đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản dùng judo để cải thiện quan hệ ngoại giao giữa nước này với các quốc gia khác. Tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông năm 2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã “nửa đùa nửa thật” khi đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mông Cổ Khaltmaa Battulga thử tranh tài với vận động viên judo từng nhận huy chương vàng Olympic của Nhật Bản Yasuhiro Yamashita.

Nếu như cả Tổng thống Putin lẫn Battulga đều có đai đen judo thì Thủ tướng Abe cũng là người hâm mộ cuồng nhiệt môn thể thao này. Đáng nói hơn, ông Battulga còn điều hành Liên đoàn Judo Mông Cổ trong nhiều năm trước khi trở thành tổng thống. Song, khi được hỏi liệu lời đề nghị của nhà lãnh đạo xứ Mặt trời mọc về cuộc tranh tài giữa bộ ba Putin, Battulga và Yamashita là có thật hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tiết lộ rằng đó là một trò đùa nhưng nó lại ngầm cho thấy “sự phát triển tích cực” trong mối quan hệ giữa ba nước. Từ đó, judo đã trở thành phương tiện ngoại giao quan trọng đối với các nước trong việc giải quyết các vấn đề lãnh thổ.

Ngoại giao judo của Nhật cũng tương tự sáng kiến của Úc và New Zealand, vốn sử dụng bóng bầu dục để tăng cường quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương. Nó cũng được so sánh với “ngoại giao bóng bàn” giữa Mỹ và Trung Quốc hồi những năm 1970, hay “ngoại giao đấu vật” giữa Mỹ và Iran những năm 1990.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Ngoại giao judo!