25/04/2013 - 15:19

NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH ĐBSCL

Nghịch lý thiếu - thừa

Các cơ sở làng nghề cần được đào tạo nghiệp vụ phục vụ khách tham quan. Trong ảnh: Du khách đang học và làm thử nhang tại cơ sở sản xuất nhang ở Chợ Mới
(An Giang). Ảnh: THÚY DIỄM.

ĐBSCL có thế mạnh hàng đầu về nông nghiệp, có nền văn hóa đặc sắc Nam Bộ và sinh thái sông nước, miệt vườn nhiệt đới có sức hấp dẫn lớn để phát triển du lịch. Tuy nhiên, ngành du lịch vùng ĐBSCL vẫn chưa phát triển được như mong muốn. Nguyên nhân chính là do nguồn nhân lực du lịch còn nhiều bất cập, yếu kém. Vấn đề này được đào sâu tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch vùng ĐBSCL” do Cơ quan đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại TP HCM chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn vừa tổ chức tại An Giang.

* Thiếu đội ngũ lành nghề

Ông Lê Văn Hùng, Quyền Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại phía Nam, khẳng định nguồn nhân lực du lịch của vùng ĐBSCL còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Tính đến hết năm 2012 toàn vùng chỉ mới có khoảng 23.509 lao động, đáp ứng được khoảng 18% so với nhu cầu 128.100 lao động phục vụ cho ngành trong năm 2015. Không chỉ thiếu, chất lượng lao động ngành du lịch vùng ĐBSCL chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng. Trong tổng số lao động trên, số người có trình độ từ đại học trở lên chiếm chưa tới 10%. Trong số đó rất ít người được đào tạo đúng chuyên ngành du lịch; chủ yếu từ các ngành khác như ngoại ngữ, khoa học xã hội và nhân văn. Hiện chỉ có gần một nửa số lao động ngành du lịch ở vùng sông nước Cửu Long được đào tạo về nghiệp vụ du lịch. Thế nhưng, phần lớn chỉ qua các khóa học “cấp tốc” ngắn (một tháng), dài nhất cũng chỉ đến một năm nên kỹ năng nghề nói chung còn thấp.

Cụ thể, kết quả khảo sát Ban Quản lý dự án “Trung tâm thông tin du lịch cộng đồng” ở Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên (An Giang) cho thấy nhân sự của đơn vị chỉ có 6 người. Trong đó, 4 người có trình độ trung học phổ thông, 1 người có trình độ Trung cấp du lịch và 1 người đang theo học liên thông lên đại học. Hầu hết các nhân sự trong ban quản lý chưa qua các lớp đào tạo về nghiệp vụ, chủ yếu là tự học hỏi và đúc kết các kinh nghiệm. Chính vì vậy, các kỹ năng quản lý và phục vụ khách du lịch của các thành viên còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó, trình độ ngoại ngữ thấp nên họ cũng gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp và hướng dẫn các du khách nước ngoài.

Hiện ĐBSCL có 24 trong tổng số 284 cơ sở đào tạo du lịch trên cả nước, trong đó có 9 trường đại học, 7 trường cao đẳng và 8 trường trung cấp. Sóc Trăng là tỉnh duy nhất ở ĐBSCL không có cơ sở đào tạo du lịch. Nhờ mở rộng liên kết đào tạo với các trường đại học ở TP HCM và một số trung tâm khác nên số cơ sở và quy mô đào tạo về du lịch ở ĐBSCL đã tăng lên. Các trung tâm đào tạo nhân lực quan trọng ở ĐBSCL là Đại học Cần Thơ, Cao đẳng Cần Thơ, Trung cấp nghề du lịch Cần Thơ, Đại học An Giang, Đại học Cửu Long, Đại học Đồng Tháp, Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, Kiên Giang… Tuy nhiên, các cơ sở chủ yếu đào tạo chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch. Trong khi đó, cơ cấu lao động ngành du lịch lại cần có sự phân bố hợp lý về trình độ (đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp), loại công việc (quản lý, giám sát, lao động trực tiếp) và chuyên ngành – lĩnh vực (lữ hành, khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ khác)...

* Thừa nhân lực không chuyên

Nhân lực ngành du lịch vùng ĐBSCL đang trong tình trạng nghịch lý thiếu mà thừa. Ông Nguyễn Kim Trọng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung cấp Du lịch Cần Thơ, cho biết: “ĐBSCL có đến 85,67% lực lượng lao động trực tiếp và gián tiếp của ngành du lịch chưa qua đào tạo. Hơn nữa, lực lượng phục vụ du lịch đa phần là sinh viên các ngành khác xin vào làm việc nên tình trạng bán chuyên nghiệp về kiến thức chuyên ngành là điều không tránh khỏi”. Nghịch lý này – theo ông Nguyễn Văn Lưu, Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – là do: Những doanh nghiệp, cơ sở du lịch nhỏ ở một số địa phương ĐBSCL muốn tiết kiệm chi phí nhân công nên chủ yếu thuê lao động phổ thông chưa qua đào tạo vì số lao động này chấp nhận mức tiền công thấp.

Có nhiều ý kiến cho rằng các trường, cơ sở đào tạo rất nhiều lao động cho du lịch nhưng không sử dụng được bao nhiêu. Về vấn đế này, bà Nguyễn Thị Nga, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Đồng Tháp, cho rằng: “Nguyên nhân cơ bản nhất là giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa gắn kết và hiểu nhau về nhu cầu. Chính vì thế khi sinh viên ra trường mặc dù tốt nghiệp loại giỏi nhưng không xin được việc làm vì thiếu kỹ năng mềm để ứng dụng thực tiễn”. Nếu kết nối được các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp thì sau khi ra trường, số học sinh này có thể làm được việc ngay. Điều quan trọng là trong quá trình học sinh thực tập, doanh nghiệp có cơ hội tuyển chọn lao động đạt với yêu cầu của mình mà không phải tốn chi phí cũng như thời gian đào tạo lại.  

Đáng lo hơn là do chạy theo lợi nhuận trước mắt, nhiều doanh nghiệp du lịch rất ít quan tâm đến việc đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực của doanh nghiệp mình. Thậm chí, ngay cả khi rất cần nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp mình, họ cũng không hề quan tâm đến việc đặt hàng, hoặc hợp tác khi cơ sở đào tạo lấy ý kiến để hoạch định chỉ tiêu, ngành đào tạo. Không chỉ thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng tốt trong lĩnh vực du lịch, tình trạng “nhảy việc” của không ít nhân viên quản lý lành nghề, tình trạng “chèo kéo” nhân viên không lành mạnh giữa các doanh nghiệp du lịch cũng là một thực trạng khiến bài toán nhân lực cho ngành du lịch vùng này càng trở nên nan giải. Với nhân lực ngành du lịch, ngoại ngữ là một trong những yêu cầu quan trọng, nhưng hiện nay việc dạy và học ngoại ngữ với người làm du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Đó cũng là nguyên nhân mà nhiều doanh nghiệp từ chối người đến xin việc.

Đào tạo theo nhu cầu của xã hội là một giải pháp đã được đặt ra từ lâu nhưng với lĩnh vực du lịch còn thực hiện rất chậm. Phần vì các trường chưa năng động, phần vì các doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động nói chung còn mang tâm lý thờ ơ bởi trong tình thế người nhiều việc khó, đơn vị sử dụng lao động cứ việc ngồi chờ sinh viên tốt nghiệp mang hồ sơ đến, ai được thì nhận, tham gia đào tạo mất thời gian, tiền của.

Nguồn nhân lực – yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững du lịch vùng ĐBSCL sẽ còn tiếp tục hụt hẫng nếu việc đào tạo chưa bám sát, đáp ứng nhu cầu. Và trong bối cảnh hiện nay, để tạo nên cầu nối giữa cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng lao động, rất cần những cơ chế, chính sách mang tính vĩ mô của Nhà nước.

Duyên Khánh

 

Chia sẻ bài viết