04/03/2019 - 09:02

Nghề tô điểm hạnh phúc 

Hoa tay, tỉ mỉ từng chút một, sao cho mọi thứ đều phải đẹp, đúng quy cách và thật chắc chắn. Nghề xây mâm quả, kết hoa cổng cưới còn kén người làm vì họ được xem là sứ giả giúp các cặp đôi xây duyên tiền định, mặc nhiên họ phải có cuộc sống thật hạnh phúc, con cái đủ đầy.

Chị Thoa xây mâm quả cho khách.

Mùa này đã giãn đám, chứ trong Tết, từ tháng 9 đến tháng Chạp, tôi phục vụ đám cưới, hỏi mệt nghỉ. Có nhiều lúc, trong nhà xếp đầy mâm quả chuẩn bị sẵn cho gần chục đám cưới, hỏi, chờ khách đến lấy”- chị Nguyễn Thị Thoa, chủ dịch vụ cưới 3 Nhơn cho biết. Khởi nghiệp 17 năm nay với nghề cung cấp dịch vụ cưới, hỏi, vợ chồng chị Thoa vừa có nguồn thu nhập tốt, vừa có thêm lý do để hết lòng vun vén, giữ hạnh phúc gia đình luôn bền chặt.

Chị Thoa kể, duyên đến với nghề bắt đầu từ chính đám cưới của vợ chồng chị. Trước khi cưới nhau, chị là một thợ may khéo tay. Vốn tính tỉ mỉ, để chuẩn bị chu đáo cho hôn lễ, anh chị tìm đặt các dịch vụ liên quan từ sớm nhưng bị nhiều nơi từ chối với lý do lượng khách quá nhiều, không phục vụ xuể. Vậy là, sau cưới, chị bàn luôn với ông xã và cha mẹ hai bên về ý tưởng kinh doanh dịch vụ phục vụ tiệc cưới, hỏi. Ban đầu, vợ chồng chị chỉ đầu tư dịch vụ cho thuê bàn, ghế, nhà tiệc, cổng hoa giả. Sau đó, chị Thoa cất công tới TP Hồ Chí Minh “tầm sư” học nghề kết trái cây rồng phụng; làm, kết cổng hoa cưới chuyên nghiệp. Chăm chút từng bông hoa, lá trầu, trái cau, chị Thoa nói, ngoài thiết kế, trang trí cổng hoa thì xây mâm trầu cau, trái cây đám cưới là nghề “ruột” của chị. Khách đến đặt xây mâm quả, đa phần đều yêu cầu chính tay chị làm với mong muốn cô dâu - chú rể cũng có hôn nhân hạnh phúc, làm ăn thuận lợi, con cái nếp tẻ đủ đầy như vợ chồng chị.

Xây mâm quả, thấy dễ chứ không phải dễ, cần tuân thủ nhiều quy tắc: trà rượu phải chẵn đôi, tất cả trái cây, hoa tươi phải đảm bảo giữ được độ tươi mới đến qua lễ cưới, hỏi; số lượng mâm quả theo văn hóa từng vùng miền cũng khác. Đặc biệt, mâm trái cây, trầu cau phải được xây vừa đẹp, vừa chắc chắn, vững chãi mang thông điệp chúc phúc cho các cặp đôi có cuộc hôn nhân luôn bền vững; trong đó buồng cau phải xum xuê, trái đều đẹp, xanh mướt nhằm cầu chúc cô dâu- chú rể luôn hạnh phúc, con cháu đề huề. Chị Thoa cho biết: “Gần đây, trầu, cau càng khó kiếm. Nhiều khi trong số cả chục buồng cau, tôi lựa được chừng 1- 2 buồng vừa ý”. Nhằm tạo thêm việc làm cho người thân và đảm bảo vệ sinh an toàn các loại thực phẩm dùng xây mâm quả, chị Thoa nhờ chị em ruột phụ giúp làm bánh phu thê, hấp xôi nước cốt dừa mỗi khi khách đặt.

Nghề dạy nghề, qua góp ý, yêu cầu của khách hàng, chị Thoa chủ động học hỏi, sưu tầm thêm để mẫu mã thiết kế mâm quả, cổng hoa ngày càng đa dạng. Trầu têm cánh phượng; mâm xôi, trái cây, trầu cau, được xây kết hợp với hoa tươi; cổng hoa thiết kế hình rồng phụng làm từ chất liệu mút xốp màu, kết hạt pha lê, hoa giả hoặc nhiều khách còn có xu hướng thay thế hoa giả bằng hoa tươi, thiết kế theo phong cách riêng...

Hết lòng với nghề, việc kinh doanh thuận lợi, quy mô cửa tiệm của vợ chồng chị Thoa ngày càng mở rộng, đang tạo việc làm cho 8 lao động với tiền công hằng tháng từ 4-5 triệu đồng/người. Ngoài ra, mùa cưới, vợ chồng chị còn thuê thêm sinh viên lao động thời vụ.

Tuy cung cấp dịch vụ cưới, hỏi chỉ là nghề kiếm thêm, nhưng cô Nguyễn Thị Phượng, 51 tuổi, ở phường An Thới, quận Bình Thủy cũng có tiếng khéo tay xây mâm quả cho các đôi uyên ương thêm hạnh phúc. Qua bàn tay của cô, những mâm bánh, trái cây, trầu cau thành những tác phẩm nghệ thuật sống động với hàng chục mẫu mã đa dạng: mâm trái cây rồng, phụng; mâm bánh phu thê hình đôi trái tim hạnh phúc; tháp trầu cau tươi xanh, với những lá trầu, trái cau luôn kề cận, quyện vào nhau, tượng trưng cho sự gắn kết. Cô cho biết, có người bạn chuyên làm nghề cung cấp dịch vụ cưới, hỏi ở tỉnh Đồng Nai, cô xin học nghề rồi bắt đầu nhận xây mâm quả cưới, hỏi chừng 2 năm nay. Cô chọn nghề này làm nghề tay trái, kiếm thêm thu nhập vì phù hợp với điều kiện sức khỏe ngày một lớn tuổi. Cô nhận làm mỗi mâm quả, tùy loại nguyên liệu với giá dao động trung bình từ 400.000 đồng- 600.000 đồng, giao tận nơi.

Cô Phượng cho biết: “Làm nghề này cần có hoa tay, sáng tạo và tỉ mỉ. Đặc biệt là cần đặt tấm lòng vào công việc, hết lòng chúc phúc đôi tân hôn. Có vậy thì mỗi tác phẩm mình làm ra mới thật sự có hồn và bản thân mình cũng vừa ý, yên tâm khi giao cho khách. Còn một khía cạnh quan trọng khác, người xây mâm quả có gia đình hòa thuận, hạnh phúc, con cái sum vầy thì mâm quả sính lễ mới thêm điềm lành cho đôi vợ chồng mới cưới”.

Không chỉ chăm chút cho dịch vụ khách yêu cầu, cô Phượng, chị Thoa còn truyền tải niềm vui, hạnh phúc và sự an lành trong hôn nhân vào từng tác phẩm của mình. Họ xứng đáng được coi là những sứ giả góp phần tô điểm niềm hạnh phúc tròn đầy cho các cặp đôi.

Bài, ảnh: Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết