24/01/2014 - 14:50

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Văn Nhi
TÌM VÀ CHỜ NHỮNG KHOẢNH KHẮC

* Đặng Huỳnh Mai

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Văn Nhi.
Ảnh do nhân vật cung cấp

Với một nghệ sĩ nhiếp ảnh, giá trị của một tác phẩm được quyết định chỉ trong tích tắc bấm máy. Thế nhưng, để có được những khoảnh khắc quý giá là cả một hành trình dài: đi, tìm và chờ đợi…

Vác ba lô lỉnh kỉnh đồ nghề, nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Văn Nhi tiến sâu vào cánh rừng chà là đầy u tịch của vườn chim Bạc Liêu. Cánh tay đầy những vết cứa của gai chà là, ứa máu nhưng dường như anh không để ý đến điều đó. Chốc chốc anh lại hối thúc: "Ráng chút nữa! Giờ này, bồ nông chân xám sắp về!". Đến đầm nước, nơi đàn bồ nông chân xám thường bay về uống nước, bắt cá mỗi buổi chiều tà, anh Nhi "phục kích" trên một ngọn cổ thụ, chờ đợi. Thời gian như ngưng lại, đặc quánh trong yên lặng, thậm chí kiến, muỗi bu cắn, anh Nhi cũng đành cắn răng "chịu trận" vì sợ làm động, chim không về. Mặt trời dần khuất bóng, vẫn chưa thấy đàn bồ nông… Trời sập tối, đàn bồ nông vẫn mất dạng. Anh Nhi lủi thủi thu dọn máy ảnh, chân máy… rồi về. Anh cười phân trần: "Chuyện bình thường thôi! Có lần tôi đi cả tuần mà vẫn chưa có tác phẩm ưng ý".

Giới chơi ảnh nghệ thuật ở Bạc Liêu thường nhắc đến Dương Văn Nhi với tính kiên trì đeo bám, chờ cho được khoảnh khắc xuất thần để bấm máy. "Tranh tài" đạt giải A- Giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc quốc gia năm 2013 và Huy chương vàng Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực ĐBSCL 2013- là kết quả từ một khoảnh khắc như thế. "Tranh tài" thể hiện cuộc đua cân tài cân sức của hai đội ghe Ngo ở những mét cuối cùng. Dương Văn Nhi đã dành cả ngày để quan sát cách thi đấu, tâm trạng của từng đội. Và anh quyết định bấm máy khi hai đội cùng nhấn những mái dầm cuối cùng. Với thể loại ảnh trắng đen, anh đã lột tả hình ảnh những tay bơi với gương mặt đầy quyết tâm, bọt nước văng tung tóe, người thổi còi ra hiệu tăng tốc như một nhạc trưởng trên sông nước…

Tác phẩm "Quà của biển".

Dương Văn Nhi khá trầm tính nhưng khi nói về nhiếp ảnh là anh trở nên sôi nổi hẳn. "Tôi sinh ra và lớn lên ở Đồng Tháp. Cha tôi làm nghề ảnh nên từ nhỏ, tôi đã yêu thích nhiếp ảnh. Khi 14, 15 tuổi tôi đã chụp hình rành rồi"- anh Nhi kể. Tuy vậy, Dương Văn Nhi chưa hề nghĩ mình sẽ trở thành một nghệ sĩ nhiếp ảnh nghệ thuật. Mãi đến năm 1997, khi đã về Bạc Liêu sống hơn chục năm, được bạn bè động viên mãi, anh mới quyết định theo nghiệp cầm máy. Lần đầu tiên gởi tác phẩm dự thi, "Công trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau" của anh đạt giải Ba giải Ảnh nghệ thuật báo chí 3 tỉnh Sóc Trăng- Cà Mau- Bạc Liêu năm 1997. Cũng trong năm này, anh trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bạc Liêu. Từ đó, Dương Văn Nhi dấn thân vào nhiếp ảnh nghệ thuật- nghề chơi "hao tiền tốn công". Cái tên Dương Văn Nhi lần lượt xuất hiện ở những giải thưởng, những cuộc triển lãm trong nước, quốc tế… Và năm 2006, Dương Văn Nhi trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA).

Cầm xấp bằng khen, chứng nhận dày cộm trên tay, anh Nhi giãi bày: "Cũng phải đánh đổi không ít, nhưng lỡ đam mê rồi!". Gia cảnh không phải là khá giả, 8 năm trước "bà hỏa" thiêu rụi căn nhà của anh không còn một thứ gì, nhưng không thể làm thui chột đam mê của anh. Rồi có lần trên đường đi chụp ảnh, bị ngã xe hư ống kính trị giá gần chục triệu, anh tiếc đến "mất ăn mất ngủ" mấy ngày. Sau những lần như thế, anh Nhi lại sắm sửa lại đồ nghề, lại đeo đuổi theo những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống đời thường: những cảnh đẹp của đất nước, quê hương, nông dân trên đồng ruộng, người lao động chân tay... Điều đáng quý ở nghệ sĩ Dương Văn Nhi là anh dành nhiều thời gian để hướng dẫn các tay máy trẻ. Hiệu ảnh Anh Nhi trong nội ô TP Bạc Liêu của anh là địa chỉ quen thuộc để anh em nhiếp ảnh trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Thủ thuật xử lý, cách thể hiện tác phẩm sao cho ấn tượng… anh đều "rút ruột" chia sẻ.

Đồng hành cùng Dương Văn Nhi trong những chuyến rong ruổi chụp ảnh nghệ thuật là vợ anh, chị Lâm Thị Mỹ Hoàng. Hơn 15 năm qua, chị cùng anh lội ruộng, vượt sông, chinh phục những cung đường. Chị thuyết phục nông dân, người lao động chân tay- những "người mẫu" đặc biệt- đồng ý cho anh chụp ảnh. Bí quyết của chị rất đơn giản: trong túi xách lúc nào cũng thủ sẵn chục chiếc áo bà ba. Đến nơi, chị cũng choàng áo bà ba vào, lao động cùng bà con, tạo sự thân tình, tự nhiên để chồng thỏa sức bấm máy. Chị Mỹ Hoàng chia sẻ chân tình: "Trong túi không có tiền chớ nghe anh Nhi nói khoái cái máy này, ống kính kia là cỡ nào tui cũng ráng lo". Vợ chồng anh Nhi hiện sở hữu hơn 150 máy ảnh cổ, xưa- một gia tài mà anh chị sưu tầm hơn 5 năm qua. Mơ ước của chị Hoàng cũng chỉ là sau này có điều kiện, cất nhà sẽ dành riêng căn phòng để anh Nhi trưng bày các tác phẩm, bằng khen và bộ sưu tập máy ảnh đó.

* * *

Chiều cuối năm se lạnh hơi gió chướng thổi từ cửa biển Bạc Liêu, anh Nhi lau ống kính, sửa soạn đồ nghề để chụp ảnh bà con chuẩn bị ăn Tết. "Có lăn xả với cuộc sống, chờ đợi những khoảnh khắc đẹp mới thấy cuộc đời thú vị biết chừng nào"- người nghệ sĩ vừa bước qua tuổi 50 nói với tôi. Và anh nâng máy lên, chờ đợi…

 

Chia sẻ bài viết