12/02/2008 - 21:47

Nghệ nhân Thạch Tư - vừa làm vừa học

Là một thắng cảnh nổi tiếng ở Trà Vinh, chùa Hang (tên chính thức là Kampong Chây) thu hút khá nhiều du khách những khi họ đến tỉnh này. Nằm cách trung tâm thị xã Trà Vinh khoảng 5km, chùa có tên gọi như vậy bởi cổng chùa được xây dựng giống như một cái hang. Từ năm 2002, chùa Hang còn nổi tiếng nhờ những tác phẩm do các nhà sư điêu khắc trên các gốc cổ thụ. Và, tại nơi này còn có một nghệ nhân nổi tiếng đa tài, Thạch Tư.

Nhà của nghệ nhân Thạch Tư nằm phía sau khuôn viên chùa Hang. Đó cũng là cơ sở Tiểu công nghệ Thiện Ý do ông làm chủ. Cơ sở có 8 - 9 công nhân, trong đó có 4 công nhân tay nghề khá. Chúng tôi đến cơ sở Thiện Ý trong lúc các công nhân đang tất bật với công việc mình làm. Theo phác thảo của ông Thạch Tư, những tranh lá buông, tranh tre cho tới tranh dừa... ra đời. Ở giữa nhà xưởng là chiếc trống to đùng đang nằm trên bệ, đang chờ bàn tay hoàn thiện của ông Thạch Tư trong khâu tạo hoa văn. Chiếc trống dài 2m, mặt 0,8m, bề hoành trên 4m, được ghép bởi 20 miếng gỗ sao dày 5 phân, chiếc trống nặng trên 20kg này được làm trong 2 tháng. Làm lâu như vậy vì uốn ván mất rất nhiều công phu, lơ mơ coi như hỏng! Dù chưa hoàn thành nhưng chiếc trống cũng gây ấn tượng đẹp trong lòng chúng tôi.

Ông Thạch Tư sinh năm 1947 tại tỉnh Trà Vinh. Học hết tiểu học, năm 14 tuổi, ông rời quê lên Sài Gòn học ở Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định. Tiếng là học hành tại ngôi trường mỹ thuật danh giá của miền Nam này, nhưng thực ra ông chỉ “học ké” theo một người quen, và chỉ học chưa đầy 1 năm! Năm 15 tuổi, ông trở về chùa Hang theo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Sau 5 năm tu hành, ông hoàn tục, làm thợ hồ, đặc biệt tạc tượng Phật. Đó là bức tượng đặt ở chùa Samrong Ek (phường 8, thị xã Trà Vinh).

Thạch Tư có “hoa tay” như vậy là nhờ trong ông có dòng máu “con nhà nòi”. Cha ông là một người chuyên làm điêu khắc, chạm hoa văn cho các chùa Khmer, truyền nghề lại cho ông. Ngoài ra, Thạch Tư còn học vẽ từ một ông thầy người Hoa rất nhiều năm. Đó là ông Nguyễn Ngọc Chánh, tên thường gọi là Năm Chuối, ở xã Đại An (Trà Kha, Trà Vinh). Được thầy truyền hầu như gần hết sở trường sở đắc của mình, đặc biệt là vẽ chân dung, truyền thần, nên Thạch Tư quý thầy như cha ruột của ông. Chính vì vậy mà khi thầy Chánh già yếu, bệnh tật, Thạch Tư rước về nhà chăm sóc hết lòng. Khi thầy qua đời, theo di chúc, ông thiêu thầy rồi lấy xương thả trên biển.

Nghệ nhân Thạch Tư bên chiếc trống đang làm dang dở của mình.

Khoảng năm 1971 - 1972, sau khi hoàn thành tượng Phật lớn cho chùa Hang, ông đến Sóc Trăng kiếm sống. Cũng giống như Trà Vinh, Sóc Trăng là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc Khmer, và tất nhiên có rất nhiều chùa chiền theo tông phái Tiểu thừa. Sống nơi đất khách quê người, Thạch Tư vừa học thêm ở một số nghệ nhân địa phương vừa hoàn thành tác phẩm cho một số chùa. Năm 1986, ông đoạt giải nhì của Hội thi truyền thống Tiểu công nghiệp - Thủ công nghiệp toàn quốc với bức tranh sơn dầu “Sự tích trầu cau”. Năm sau (1987), ông được giấy khen của tỉnh Hậu Giang (cũ) cho bức tranh (ghép nếp và gạo) “Nhà Truyền thống Sóc Trăng”. Năm 2007, cơ sở Thiện Ý của ông Thạch Tư được Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn khu vực phía Nam lần thứ 1 tặng huy chương vàng và chứng nhận danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn tranh ghép lá “Chân dung Hồ Chí Minh”.

Thành tích tuy khiêm tốn, nhưng tác phẩm có được trong đời sống của ông Thạch Tư khá dầy. Đặc biệt, ở Trà Vinh nói riêng và hầu như cả ĐBSCL, có lẽ chỉ có ông Thạch Tư là một trong số vài người hiếm hoi biết làm tranh từ lá buông, lá thốt nốt, tre, lá dừa, đáng chú ý là ông còn viết chữ trên lá buông. Cây buông giống cây cọ, cây kè, có thân lá dài trên 3m. Ở nước ta, cây buông được trồng tại chùa Svayton (thị trấn Tri Tôn, An Giang), tại chùa Samrong Ek và chùa Xoài Xiêm (Trà Cú, Trà Vinh), có nguồn gốc từ Campuchia do một vài sư mang về. Để có chữ trên lá buông, người ta dùng ngòi viết bằng kim loại mài thật nhọn. Viết xong, dùng muội đèn dầu lửa pha với dầu thoa lên rồi đem phơi, khi khô dùng dầu lửa chùi sẽ thấy chữ hiện ra. Đơn giản là vậy nhưng việc viết chữ trên lá buông rất công phu, tỉ mẩn, sơ ý một chút là coi như tấm lá buông đó hỏng hoàn toàn.

Bên cạnh đó, ông Thạch Tư còn vẽ ảnh trên gỗ và trên lá thốt nốt. Đó là những tác phẩm nói về Phật tích hoặc phong cảnh thâm u, trầm mặc của chùa Hang. Tất cả, từ chữ viết trên lá buông, tranh vẽ trên gỗ, tranh vẽ trên lá thốt nốt đều khiến du khách ngẩn ngơ đến phải bỏ tiền ra mua về “làm của”. Đâu chỉ có vậy, ông còn làm ra nhiều tác phẩm khác nữa.

Tài hoa là vậy nhưng Thạch Tư là một người tâm huyết với thế hệ trẻ. Ông đã truyền nghề cho 45 người, trong đó có khoảng 20 người thành đạt, bủa đi làm ăn. Ông còn liên kết với Trung tâm Khuyến công Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Trà Vinh mở lớp truyền dạy “Kỹ thuật sản xuất tranh ghép lá” cho nhiều học viên địa phương. “Thế hệ trước đã hết lòng truyền đạt nghề cho tui thì nay làm sao tui có thể giấu nghề trước thế hệ đàn em, đàn con?”, ông Thạch Tư tâm sự, rồi nở nụ cười mãn nguyện.

Bài, ảnh: PHƯƠNG KIỀU

Chia sẻ bài viết