09/05/2010 - 21:24

Nghề muối còn bấp bênh

Chưa bao giờ người làm muối ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại lo lắng về giá và thị trường tiêu thụ muối như hiện nay. Mấy năm gần đây, cứ vào vụ giá muối sụt giảm, tiêu thụ chậm, diêm dân gặp cảnh tư thương ép giá. Trong đó, mặc dù diện tích sản xuất muối không rộng lớn như các tỉnh ĐBSCL, nhưng diêm dân tỉnh Trà Vinh có chung bức xúc về giá và thị trường tiêu thụ. Vào những ngày này, đến các xã Dân Thành, Đông Hải, Trường Long Hòa - huyện Duyên Hải, diêm dân đang lo vì giá muối xuống thấp, chỉ bằng 50% mức giá của cùng thời điểm năm ngoái.

* Cứu lấy vùng muối...!

Phó Chủ tịch UBND xã Dân Thành - Võ Văn Dội nói: “Vụ muối năm nay ai cũng hăm hở đầu tư bắt tay sửa sang từng sở muối; họ thuê mướn cơ giới và nhân công đắp bờ, phân khuôn, giậm nền và bạt khuôn, cán khuôn; hạt mưa cuối mùa vừa dứt là vùng muối xôn xao vào vụ. Nhiều vuông tôm, ao tôm công nghiệp cũng được ban xuống làm muối. Vụ này, xã được Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN& PTNT Trà Vinh) đầu tư 6 mô hình sản xuất muối sạch. Mỗi hộ được đầu tư 500m2 bạt trải khuôn muối ăn, trị giá 25 triệu đồng. Thế nhưng chưa có vụ muối nào ở đây làm cho người dân dở khóc dở cười như vụ muối này. Ai làm muối ruộng thuộc thì phá huề, ruộng muối mới chắc bị lỗ nặng!”. Thì ra, giá muối đang là nỗi lo của hàng trăm diêm dân cả vùng chuyên canh muối của tỉnh. Hiện nay muối sạch chỉ có giá 23.000 đồng/giạ (1 giạ muối = 30kg), còn muối thường 19.000 đồng/giạ, riêng muối đen chỉ có 16.000 đồng/giạ, với giá bán từ 16.000 - 23.000 đồng/giạ (từ 533 - 766 đồng/kg), chỉ bằng 50% giá của năm ngoái.

Diêm dân xã Dân Thành thu hoạch muối. 

Anh Dương Văn Tràng ở ấp Mù U, xã Dân Thành mới trở lại làm muối vụ này. Năm nay anh làm đến hai sở muối: Một sở ruộng thuộc 6.000m2 được chia làm 10 khuôn và một sở 7.000m2 mới phá từ ao nuôi tôm công nghiệp. Từ đầu vụ đến nay, anh Tràng đã tốn tiền mướn nhân công làm muối trên 30 triệu đồng, tiền mướn xe cuốc ban ao trên 20 triệu đồng. Anh nhẩm tính, từ đây đến cuối vụ, chi phí ít nhất cũng khoảng 70 triệu đồng. Nếu hai sở muối thu hoạch được tối đa 2.000 giạ và với giá muối như hiện nay, anh bị lỗ ít nhất trên 30 triệu đồng. Đứng trên ruộng muối, anh Tràng bức xúc: “Tôi làm muối qua hai đời. Chưa có lần nào bị giá muối làm cho thót tim như lần này. Dù được hỗ trợ đầu tư trải bạt để làm muối sạch nhưng với giá muối như vầy, tụi tôi thua trắng tay”.

Vùng muối chuyên của tỉnh - huyện Duyên Hải, năm nay hăm hở vào vụ là do giá muối rất hấp dẫn của vụ năm 2008 - 2009. Cả vụ qua, giá muối luôn đứng ở mức 40.000 đồng, 50.000 đồng, có lúc vượt qua 60.000 đồng/giạ. Chính giá muối này đã làm cho nhiều người nôn nao chờ đợi bắt tay vào vụ 2009 - 2010. Nhiều hộ trước đây phá đất muối nuôi tôm nay đổ xô “gồng mình” lấp ao tôm đầu tư quay lại nghề làm muối. Tâm trạng hăm hở của họ ở đầu vụ phấn khởi bao nhiêu thì bây giờ lại trĩu nặng và lo lắng bấy nhiêu. Trong đó, chỉ tính riêng xã Dân Thành: theo số liệu thống kê của UBND xã, vụ muối năm 2009 - 2010, xã có đến 216 ha đất làm muối; trong số này có trên 50 ha đất muối mới phá từ ao nuôi tôm...

* Bỏ muối, bỏ tôm, sản xuất... gì?

Ông Nguyễn Văn Theo ở ấp Mù U, một lão làng nghề muối làm bài toán: “Tôi tính kỹ rồi, một giạ muối làm ra tốn khoảng 15.000 - 16.000 đồng đối với ruộng thuộc, còn ruộng mới phá chi phí đội lên rất nhiều mà chất lượng muối lại kém hơn. Người làm muối dãi nắng dầm sương đến cuối mùa chẳng tích lũy được đồng nào”. Tôi hỏi ông: “Giá muối cứ lên xuống hoài, sao ông không bỏ nghề muối?”. Ông lắc đầu ngay: “Tôi không bỏ được. Ở đây bỏ nghề muối rồi làm nghề gì? Với lại, tôi làm muối đã qua hai đời, đang nuôi đời thứ ba. Tôi quen lắm không khí sở muối, vị mặn mòi của nước và cứ hết mùa mưa là lại ra ruộng với các thao tác đã quá quen thuộc”. Ông Theo có một sở muối 12 công đất. Ông chia làm 16 khuôn có 5 khuôn ăn. Vụ muối năm 2008 - 2009 ông hốt được 1.500 giạ bán được 60 - 70 triệu đồng. Còn vụ này, ông đã hốt được 1.500 giạ. Từ đây đến cuối mùa, ông chắc mẩm hốt thêm hơn 500 giạ nữa. Ông đã chứa gần đầy một bồ muối khá rộng và che tạm một mái chuẩn bị làm bồ muối thứ hai.

Làm muối phải qua nhiều công đoạn và lệ thuộc vào thời tiết nóng của mùa nắng. Trước đây, làm muối chỉ cần cái sa quạt lấy nước từ mương dẫn nước lên ruộng muối, sau đó, dùng sa quạt chuyển nước dần vào đến khuôn ăn. Còn bây giờ, người làm muối phải trang bị máy nổ, mô tơ và cả sa quạt; khâu dọn ruộng, đắp bờ, giậm ruộng đã có sự hỗ trợ của cơ giới; công sức họ bỏ ra ít hơn nhưng chi phí lại tăng nhiều hơn so với lao động thủ công. Chính vì vậy, giá muối chi phối lớn hơn đến đồng lời của họ. Ông Theo nói chắc nịch: “Giá như vầy tôi vô bồ ví hết”. Ông là người có cơ ngơi vững chắc nên dựa muối chờ giá, còn hộ tiền vay bạc hỏi buộc lòng phải bán ngay để trang trải chi phí.

Ông Lâm Văn Mật - ở ấp Láng Cháo, xã Dân Thành, cho biết: “Gia đình tôi canh tác 7.800m2 chuyên muối, sau khi kết thúc vụ muối, ruộng chỉ bỏ không hoặc thả nuôi một ít cá rô phi để ăn. Nhưng vài năm trở lại đây, sau khi làm muối xong đến đầu mùa mưa bắt đầu thả nuôi tôm sú sau 3,5 - 4 tháng thấy cũng có hiệu quả khá. Sau vụ muối năm rồi tôi thả nuôi 25.000 con tôm sú, thu hoạch được 150 kg, giá bán bình quân 85.000 đồng/kg, trừ chi phí lời được trên 5 triệu đồng (tương đương khoảng 6 tấn muối). Điều đáng lo là năm nay giá muối giảm thấp, tôm nuôi mới đầu vụ bị chết nhiều không hiệu quả, không biết “bỏ muối, bỏ tôm rồi làm nghề gì...”? Mong sao giá muối tăng trở lại, diêm dân chúng tôi mới có được cơ hội bám nghề muối để ổn định cuộc sống và thoát nghèo.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 394 hộ (1.182 lao động) ở các xã Dân Thành, Đông Hải và Trường Long Hòa (Duyên Hải) tham gia sản xuất với diện tích 303,2 ha. Đến cuối tháng 3-2010 đã nay thu hoạch hơn 1.000 tấn muối. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới vào những ngày cuối tháng 1-2010 làm thất thu muối trên diện tích 116 ha, ước thiệt hại trên 1,15 tỉ đồng. Dự kiến, vụ sản xuất muối năm 2010, sản lượng thu hoạch hơn 15.000 tấn muối thương phẩm, tăng hơn 3.000 tấn so năm 2009.

Tuy nhiên, trước tình hình muối rớt giá, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ dài hơi cho diêm dân bám nghề; có thông tin về thị trường, có kế hoạch bao tiêu sản phẩm để đảm bảo giá muối hợp lý cho diêm dân là điều đáng lưu tâm.

Bài, ảnh: Q.D

Chia sẻ bài viết