Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG
Chị Nguyễn Thới Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Những năm qua, nghề làm móc câu tại địa phương khá phát triển, thu hút nhiều lao động. Đồng thời, đến với nghề, người lao động (NLĐ) được rèn luyện tác phong kỷ luật, làm việc có kế hoạch để được ký kết hợp đồng lâu dài, tạo việc làm, thu nhập ổn định”.
Thành viên THT đang làm sản phẩm móc câu, tăng thu nhập.
Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Kiều Loan, Chủ cơ sở làm móc câu ở ấp Thạnh Hòa, khi chị và con gái vừa giao xong đơn hàng thành phẩm, đồng thời, kiểm tra số nguyên liệu đơn hàng mới nhận để phân phối cho NLĐ. Theo chị Loan, cơ sở chú trọng uy tín, vì vậy, nguồn lao động thạo nghề rất quan trọng, trong đó, đảm bảo tiến độ và chất lượng sản phẩm là điều kiện tiên quyết để ký kết hợp đồng lâu dài, giúp chị em có việc làm ổn định. Chị Loan cho biết: “Nghề này phù hợp với các chị tỉ mỉ, chịu khó “tích thiểu thành đa”. Lúc mới làm nghề, thao tác rất chậm, nhưng sau thời gian ngắn, chị em sẽ quen tay và năng suất tăng dần”.
Thời gian trước, vì không muốn quẩn quanh việc đồng áng, làm mướn, chị Loan mạnh dạn đến TP Hồ Chí Minh tìm việc làm, mong có cơ hội đổi đời. Chị Loan làm công nhân, nhân viên nhà hàng… dành dụm tiền gởi về phụ giúp gia đình. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát kéo dài, chị Loan về và quyết định trụ lại ở quê. Chị Loan theo học và làm nhiều nghề đan dây nhựa, lục bình… để có thu nhập, trang trải cuộc sống. Một lần, tình cờ được người quen hướng dẫn học nghề làm móc câu, chị Loan “truyền lửa” cho các chị trong ấp, với mong muốn ổn định nguồn lao động để ký hợp đồng lâu dài với doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh. “Hiện tôi đang quản lý 4 cơ sở làm móc câu, thu hút khoảng 280 NLĐ ở TP Cần Thơ, Kiên Giang và Bến Tre. Thu nhập bình quân từ 2-6 triệu đồng/người/tháng. Tôi thu nhận NLĐ thường xuyên nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo sản lượng cơ bản mỗi ngày” - Chị Loan cho biết.
Năm 2021, Hội LHPN xã Thạnh Phú phối hợp cơ sở làm móc câu của chị Loan, thành lập Tổ hợp tác (THT) làm móc câu ở ấp Thạnh Hòa, với 8 thành viên. Đến nay, THT thu nhận được 39 thành viên. Các thành viên nhận nguyên liệu về để cả nhà cùng làm khi rảnh rỗi. Trong gian nhà thoáng mát, chị Nguyễn Thị Khỏe, ở ấp Thạnh Hòa, thành viên THT, tỉ mỉ gia công số móc câu vừa nhận. Chị Khỏe kể, chồng chị làm phụ hồ, tiền công nhật khoảng 300.000 đồng. Chị Khỏe ở nhà lo việc nội trợ, chăm sóc con, thỉnh thoảng thì làm mướn nên phải vén khéo mới đủ chi tiêu. Vì vậy, chị Khỏe tích cực học nghề và tham gia THT làm móc câu để tăng thu nhập. Chị Khỏe phấn khởi nói: “Mong muốn có việc làm, thu nhập ổn định để chăm lo gia đình nên tôi quyết tâm theo nghề. Lúc đầu, mỗi ngày, tôi làm vài chục rồi đến vài trăm móc câu, giờ quen tay, bình quân khoảng 1.200 móc câu”. Chị Du Thị Diễm Hằng, cũng là thành viên THT, kể: “Hằng ngày, tôi vừa bán nước giải khát vừa làm móc câu. Lúc mới học nghề thấy khó lắm, lo không kịp giao hàng, nhưng tôi cố gắng học theo các chị trong tổ nên làm được nhiều sản phẩm. Công việc này giúp tôi sử dụng hợp lý quỹ thời gian, còn có tiền xoay xở chi tiêu trong gia đình”. Mỗi ngày, chị Hằng làm từ 1.000-1.200 móc câu, thu nhập từ 100.000-120.000 đồng.
Chị Nguyễn Thới Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã, chia sẻ: “Tại địa phương, ngoài một số hội viên có đất canh tác, còn lại có ít hoặc không có tư liệu sản xuất, quanh năm làm mướn kiếm sống, thu nhập không thường xuyên, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Hội LHPN xã chủ động kết nối, tìm việc làm phù hợp, tăng thu nhập cho chị em”. Bên cạnh quản lý trên 27 tỉ đồng giúp 766 chị vay để mở rộng sản xuất, mua bán nhỏ, Hội tạo điều kiện duy trì và nhân rộng mô hình THT làm móc câu, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi. Hiện Hội LHPN xã duy trì hoạt động 3 THT chăn nuôi heo, trồng màu, đan dây nhựa, thu hút trên 100 lao động, thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, góp phần hoàn thành công tác giải quyết việc làm hằng năm cho lao động trên địa bàn.