21/11/2020 - 17:51

Ngày Nam Bộ kháng chiến - biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí bảo vệ độc lập, tự do 

Sự kiện Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945-23/9/2020) đã làm nức lòng nhân dân cả nước, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí bảo vệ độc lập, tự do; là dấu son lịch sử thể hiện tinh thần quật cường, hào khí của quân dân Nam Bộ; xứng đáng với danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng. Đây tinh thần bao trùm được nhấn mạnh tại hội thảo khoa học “Nam Bộ kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử” do Bộ Quốc phòng phối hợp Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 21-11.

Ảnh: baotanglichsutphcm.com.vn

Khẳng định giá trị thiêng liêng của độc lập, tự do

Phát biểu tại hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Ðảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh: Hội thảo là hoạt động thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến, là dịp để toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, đặc biệt là của “Nam Bộ thành đồng Tổ quốc”. Ðồng thời, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí bảo vệ nền độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ðồng thời, giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc, toàn diện, đầy đủ hơn về tầm vóc, giá trị lịch sử và hiện thực của 15 tháng kháng chiến ở Nam Bộ, qua đó, đúc rút những kinh nghiệm, bài học lịch sử quý giá để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong giai đoạn hiện nay.

Khẳng định sự kiện Nam Bộ kháng chiến ngày 23-9-1945 là trang sử oanh liệt mở đầu cho công cuộc chống thực dân Pháp quay trở lại nước ta, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nhấn mạnh: Cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Nam Bộ, Nam Trung Bộ đã tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực, phá hủy một khối lượng vật chất, vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch... Những thành quả mà quân và dân ta đã giành được trong hơn một năm đầu kháng chiến có ý nghĩa quan trọng, chẳng những tạo thời gian chiến lược quý báu để các địa phương trong cả nước tổ chức, xây dựng lực lượng chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến, mà còn là cơ sở thực tiễn để Trung ương Ðảng xây dựng đường lối lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ.

Nhấn mạnh ý chí quyết tâm hành động của quân và dân Nam Bộ đứng lên bảo vệ thành quả cách mạng,  PGS.TS Hà Minh Hồng, Trường Ðại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, phân tích: Nam Bộ thể hiện lời thề độc lập bằng hành động tức thời ngay chiều 2-9-1945, khi những kẻ quá khích gây hấn ở Sài Gòn và 21 ngày sau (23-9) đã phát động kháng chiến toàn dân trên toàn Nam Bộ để “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập”. Ðó không chỉ là phản ứng tự nhiên và tất yếu của nền độc lập, là câu trả lời kiên quyết, đanh thép, kịp thời trước hành động chiến tranh của đội quân xâm lược; mà còn khẳng định giá trị thiêng liêng cao quý của nền độc lập, tự do vừa giành được, bộc lộ trong thực tế khả năng, năng lực hành động và sức mạnh của chính quyền cách mạng trong tay nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản.

Theo PGS.TS Hà Minh Hồng, Nam Bộ kháng chiến đã tạo ra tiền lệ mới trong ứng phó với kẻ thù, buộc chúng bộc lộ tất cả âm mưu, thủ đoạn chiến tranh xâm lược hòng lập lại chế độ thuộc địa. Nam Bộ kháng chiến tích lũy kinh nghiệm ban đầu về kháng chiến ở đô thị với thế trận hiểm “trong đánh, ngoài vây” đóng góp cho kháng chiến toàn quốc bùng nổ năm 1946 và kho tàng nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân cách mạng thời đại mới.

Củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”

Tại hội thảo, cùng với khẳng định ý nghĩa lịch sử to lớn, quan trọng, những bài học lịch sử và kinh nghiệm sâu sắc cũng được chỉ rõ. Ðó là các bài học về tinh thần chủ động, sáng tạo của Xứ ủy, UBND và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ; sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương Ðảng, Chính phủ đối với cuộc kháng chiến ở Nam Bộ; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để tiến hành kháng chiến; về công tác huy động sức người, sức của chi viện chiến trường; về chỉ đạo tác chiến, tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc...

Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Cương Quyết, Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, cho rằng: Từ bài học kinh nghiệm “thế trận lòng dân” trong Nam Bộ kháng chiến, trước hết Ðảng, Nhà nước cần phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Ðây là vấn đề quan trọng, hàng đầu, có ý nghĩa thiết thực cả trước mắt và lâu dài, là mục tiêu hàng đầu của cách mạng Việt Nam; tôn trọng, phát huy vai trò, quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các mặt của đời sống xã hội.

Cùng với đó, theo Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Cương Quyết, cần tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, xây dựng Ðảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân. Thường xuyên giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc; phát huy sức mạnh đại đoàn kết kết hợp với sức mạnh thời đại. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, cốt lõi là xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ở từng địa phương và trên cả nước.

Tinh thần chiến đấu quật cường, truyền thống đoàn kết của toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức được khơi dậy và phát huy trong Nam Bộ kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị. Ðó sẽ là động lực to lớn cổ vũ toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân đồng tâm nhất trí, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục thắp sáng ngọn lửa ngày Nam Bộ kháng chiến năm xưa trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước hiện nay.

Hoàng Tuấn (TTXVN)

Chia sẻ bài viết