06/08/2020 - 09:17

Ngành Nông nghiệp vượt khó 

Dù đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai và diễn biến bất lợi về giá cả đầu ra sản phẩm, nhưng ngành Nông nghiệp Cần Thơ vẫn đang duy trì được đà tăng trưởng và có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Qua 6 tháng năm 2020, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của thành phố đạt hơn 5.998 tỉ đồng, tăng 1,76% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng GRDP 6 tháng đầu năm đạt 2,4% so với năm 2019.

Thu hoạch dưa lưới trồng trên nền đất lúa tại một hộ dân ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Khắc phục khó khăn

Những tháng đầu năm 2020, sản xuất nông nghiệp tại TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ÐBSCL đối mặt với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BÐKH), hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra sớm, sâu, rộng và kéo dài. Ðặc biệt, dịch COVID-19 đã làm gián đoạn nhiều chuỗi cung ứng thực phẩm, sức tiêu thụ nhiều loại hàng hóa bị giảm mạnh ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu, ảnh hưởng đến giá cả đầu ra nhiều loại nông sản bị giảm mạnh như: cá tra, trái cây, một số loại rau củ…

Nhiều loại dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi cũng tiếp tục diễn biến phức tạp, gây tác động tiêu cực đến nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ðiển hình là dịch tả heo châu Phi có nguy cơ tái phát cao, lại chưa có thuốc đặc trị và vắc-xin phòng bệnh nên nhiều địa phương còn gặp khó và chậm trong tái đàn heo, khiến nguồn cung chưa đáp ứng được cầu, giá thịt heo chưa được kéo giảm kịp thời.

Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của thành phố và quyết tâm nỗ lực vượt qua các khó của toàn ngành Nông nghiệp thành phố, hoạt động sản xuất nông nghiệp tiếp tục được duy trì và phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh và thích ứng BÐKH. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, toàn ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thành phố, đẩy mạnh thực hiện dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững TP Cần Thơ, sản xuất theo VietGAP và các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng và an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Mở rộng mô hình "cánh đồng lớn" trong sản xuất lúa trên mỗi vụ lúa đạt hơn 20.000ha. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày theo hướng gia tăng năng suất, chất lượng, hình thành các vùng sản xuất rau màu an toàn. Phát triển vùng sản xuất cây ăn trái có giá trị cao và mang tính đặc trưng của vùng, xây dựng mô hình kết hợp vườn cây ăn trái với du lịch sinh thái. Phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm và nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường…

Từ đầu năm đến nay, diện tích và sản lượng sản xuất nhiều loại cây trồng, vật nuôi có đầu ra sản phẩm tốt đã tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước do được nông dân quan tâm chuyển đổi cơ cấu sản xuất nhằm tận dụng các cơ hội về đầu ra và điều kiện sản xuất có lợi để có thể nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích. Hiện thành phố có tổng diện tích vườn cây ăn trái là 20.811ha, vượt 2,82% kế hoạch, trong đó, có 180ha sản xuất đạt theo tiêu chuẩn VietGAP. Tổng diện tích gieo trồng rau, màu, đậu các loại và cây công nghiệp ngắn ngày được 14.993ha, cao hơn 2.915ha so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn heo trên 102.390 con, đạt gần 80% kế hoạch; đàn bò 4.754 con, vượt 0,08% kế hoạch; đàn gia cầm hơn 1,855 triệu con, đạt 96,37% kế hoạch…

Thành phố đã sản xuất thắng lợi vụ lúa đông xuân với diện tích xuống giống được 79.264ha, bằng 97,52% so cùng kỳ, nhưng sản lượng đạt 572.633 tấn, vượt 2,59% kế hoạch, tăng 1,24% so cùng kỳ nhờ lúa trúng mùa. Thành phố cũng thu hoạch dứt điểm 75.015ha lúa vụ hè thu, với năng suất ước đạt 61,13 tạ/ha, cao hơn 1,34 tạ/ha so với vụ hè thu năm trước. Riêng lúa thu đông 2020 đã xuống giống được 66.587ha, đạt 104% so với kế hoạch, lúa đang chủ yếu ở giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ, sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu.

Thực hiện giải pháp đồng bộ

Từ nay đến cuối năm, ngành NN&PTNT thành phố xác định tiếp tục quan tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tiếp tục tháp gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, góp phần ổn định và nâng cao đời sống người dân, cũng như hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch năm. Tập trung chỉ đạo sản xuất thắng lợi các loại cây trồng vật nuôi và chủ động phòng chống các loại dịch bệnh, góp phần đảm bảo cung cầu hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ,  cho rằng: "Ngành Nông nghiệp đang có các tiền đề và điều kiện thuận lợi để thực hiện đạt chỉ tiêu ngành, góp phần thực hiện đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố. Các đơn vị chức năng thuộc sở và các địa phương cần tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp một cách hiệu quả. Ðồng thời, thực hiện nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả các luật, nghị định, nghị quyết và chương trình, kế hoạch của Trung ương và thành phố về các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ðẩy mạnh thực hiện các công trình đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp. Quan tâm xây dựng, củng cố, phát triển kinh tế hợp tác, đặc biệt là các hợp tác xã để phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung, đạt các tiêu chuẩn chất lượng và khắc phục tình trạng sản xuất manh mún nhỏ lẻ….".

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2020 của ngành NN&PTNT thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng yêu cầu toàn ngành cần tiếp tục phát huy, nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch năm. Chú ý thực hiện tốt tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản nông, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ðẩy mạnh sản xuất thủy sản, thúc đẩy tái đàn heo, hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện công tác phòng chống bệnh gia súc, gia cầm, giám sát tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm và xử lý, dập dịch kịp thời. Tiếp tục xây dựng nông thôn mới, thực hiện nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, thực hiện đề án "Mỗi xã một sản phẩm". Tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ kinh doanh vật tư nông nghiệp để bảo vệ tốt người tiêu dùng và chủ động theo dõi, ứng phó triều cường, mưa lũ, thiên tai. Rà soát, thúc đẩy triển khai nhanh các công trình và dự án đầu tư trong nông nghiệp để đảm bảo tiến độ và sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả…

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết