Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Cần Thơ, nhận định: “Đây là năm TP Cần Thơ có tỷ lệ vốn huy động tại chỗ trên tổng dư nợ đạt mức cao nhất từ trước tới nay, đạt 58,29%. Tốc độ tăng trưởng các chỉ tiêu huy động và dư nợ trên địa bàn ở mức cao, nhưng không thể hiện sự tăng trưởng “nóng”. Các ngân hàng trên địa bàn còn đáp ứng nhu cầu vốn cho cả khu vực ĐBSCL nên mức tăng này không đáng ngại.
MỘT NĂM THẮNG LỢI
|
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ. Ảnh: ANH KHOA |
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, năm 2007 lợi nhuận của ngành ngân hàng trên địa bàn ước đạt khoảng 417 tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2006. Trong đó, nhiều ngân hàng có lợi nhuận tăng cao như: Ngân hàng Việt Á, Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội, Ngân hàng Xuất nhập khẩu, Ngân hàng Phương Nam... Đạt được kết quả này là nhờ các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng trưởng cao và nhiều ngân hàng, đặc biệt là khối ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đã năng động triển khai nhiều sản phẩm, khai thác tốt nhu cầu của các đối tượng khách hàng tiềm năng.
Năm 2007, tổng vốn huy động trên toàn địa bàn ước đạt 10.200 tỉ đồng, tăng 63,64% so với năm 2006. Tổng dư nợ trên địa bàn ước đạt 17.500 tỉ đồng, tăng 58,63%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm từ 2,79% năm 2006 xuống còn 1,36%. Trong năm qua, khối ngân hàng TMCP có bước tăng trưởng mạnh mẽ với chỉ tiêu vốn huy động tăng 110,95%; dư nợ cho vay tăng 97,07%. Trong đó, đặc biệt là các Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội có bước phát triển vượt bậc cả về mạng lưới hoạt động, đa dạng hóa dịch vụ, lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng Việt Á nổi bật với hoạt động liên kết với các công ty địa ốc triển khai dịch vụ cho vay mua sắm bất động sản. Ngân hàng Xuất nhập khẩu có dịch vụ kinh doanh vàng kỳ hạn và quyền chọn vàng”.
Ngân hàng Việt Á chi nhánh Cần Thơ cũng có bước tăng trưởng vượt bậc. Đến ngày 15-12-2007, tổng tài sản của chi nhánh đạt 578 tỉ đồng, cao gấp 2,42 lần; huy động vốn đạt 213 tỉ đồng, cao gấp 1,5 lần; dư nợ 551 tỉ đồng, cao gấp 2,5 lần so với năm 2006. Đặc biệt, lợi nhuận của chi nhánh đã tăng từ 2,4 tỉ đồng năm 2006 lên 12,4 tỉ đồng trong năm 2007. Ông Lê Văn Tám, Giám đốc Ngân hàng Việt Á chi nhánh Cần Thơ, cho biết: “Dư nợ cho vay của chi nhánh tăng mạnh tập trung chủ yếu vào các khoản cho vay nhà đất và ô tô. Chi nhánh đã ký hợp đồng cho vay mua nhà trả góp với Công ty 586 và đang đàm phán ký kết hợp đồng cho vay mua nhà trả góp ở các dự án Tây Nguyên Plaza, Hồng Phát...”.
Đến ngày 30-11-2007, Ngân hàng Xuất Nhập khẩu chi nhánh Cần Thơ đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2007. Trong đó, vốn huy động đạt gần 1.000 tỉ đồng, vượt 66% so với kế hoạch; dư nợ đạt 874 tỉ đồng, vượt kế hoạch gần 10%; lợi nhuận đạt hơn 18 tỉ đồng, vượt kế hoạch 33%. Từ quý III-2007, dịch vụ giao dịch vàng kỳ hạn của chi nhánh đã thu hút khá đông khách hàng tham gia, góp phần hoàn thành vượt mức kế hoạch năm trước thời hạn.
TĂNG TỐC CẠNH TRANH
Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, nhận định: “Số lượng các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tăng nhanh trong 3 năm qua, nhờ đó, nhu cầu vốn cho phát triển của TP Cần Thơ ngày càng được đáp ứng tốt hơn. Nếu như năm 2004, TP Cần Thơ chỉ có 19 tổ chức tín dụng, thì đến năm 2005 đã tăng lên 24 tổ chức tín dụng, năm 2006 là 28 và năm 2007 lên đến 35 tổ chức tín dụng. Năm 2007, các ngân hàng trên địa bàn đã mở rộng mạng lưới, phát triển mạnh dịch vụ thẻ và tài khoản, các dịch vụ phi tín dụng; ngày càng có nhiều sản phẩm mới được triển khai, khai thác sâu nhu cầu của cá nhân và doanh nghiệp. Hầu hết các ngân hàng đều có các sản phẩm huy động kỳ hạn hàng tuần, hàng tháng; cho vay tiêu dùng với hạn mức cao, cho vay mua nhà thời hạn lên đến 15-20 năm... với nhiều tiện ích hơn cho khách hàng. Với đà tăng trưởng này, năm 2008 sẽ là năm cạnh tranh quyết liệt hơn giữa các ngân hàng trên địa bàn khi mà các chỉ tiêu kế hoạch đều được giao cao hơn các năm trước. Đặc biệt là sự tăng tốc cạnh tranh giữa khối ngân hàng thương mại quốc doanh và thương mại cổ phần”.
Trong năm 2007, dù Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh TP Cần Thơ (Vietcombank Cần Thơ) chuyển tách chi nhánh Trà Nóc và Sóc Trăng lên chi nhánh cấp 1 trực thuộc Trung ương, nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng. Tổng nguồn vốn của chi nhánh đạt 2.177 tỉ đồng, tăng 26%, vốn huy động đạt 850 tỉ đồng, tăng 20%, dư nợ cho vay đạt 1.850 tỉ đồng, tăng 19% so với năm 2006. Về lợi nhuận, dự kiến đến cuối năm đạt 65 tỉ đồng, tương đương năm 2006. Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, Vietcombank Cần Thơ vẫn là đơn vị dẫn đầu trong khối ngân hàng thương mại quốc doanh trên địa bàn. Bà Huỳnh Kim Phượng, Giám đốc Vietcombank Cần Thơ cho biết: “Các ngân hàng thương mại cổ phần đang có cuộc bứt phá mạnh mẽ do có chính sách khách hàng, cơ chế lãi suất, tỷ giá linh hoạt và cạnh tranh hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh. Hy vọng sang năm 2008, khi đã trở thành ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Ngoại thương sẽ có chính sách cởi mở hơn để có thể tăng tốc cạnh tranh và giữ vững thị phần”.
Ông Lê Văn Tám, Giám đốc Ngân hàng Việt Á chi nhánh Cần Thơ, nói: “Năm 2008, chi nhánh được giao chỉ tiêu kế hoạch vốn huy động 390 tỉ đồng, dư nợ 1.000 tỉ đồng, lợi nhuận 19 tỉ đồng. Do đó, chúng tôi phải đẩy mạnh cho vay sản xuất kinh doanh nhiều hơn, tập trung hướng vào khách hàng doanh nghiệp. Nguyên nhân do cơ cấu cho vay theo quy định của hội sở chỉ 40% nợ trung và dài hạn. Theo tôi, cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng trong nước chỉ thật sự quyết liệt từ năm 2009, khi các ngân hàng thương mại quốc doanh đã cổ phần hóa xong. Năm 2008, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tuy đã cổ phần hóa xong, nhưng vẫn phải mất khoảng 1 năm để tái cơ cấu”.
Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, trong từng thời điểm cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng vẫn rất quyết liệt. Chẳng hạn như ở thời điểm hiện tại, vẫn có nhiều ngân hàng thừa vốn nhưng hàng loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền đồng; nhiều chương trình khuyến mãi huy động tiết kiệm dự thưởng với giải thưởng lên đến hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng vẫn liên tiếp được tung ra. Áp lực cạnh tranh giữ thị phần buộc các ngân hàng phải mở rộng lĩnh vực hoạt động, đa dạng hóa dịch vụ. Đây cũng là tác động tích cực đối với sự phát triển của ngành ngân hàng trong nước.
XUYẾN CHI