"Nét xưa" là chủ đề trưng bày chuyên đề do Bảo tàng TP Cần Thơ thực hiện, đang phục vụ du khách đến tháng 4-2020. Những chiếc quả, bộ bình trà, nọc cấy, gàu dai… nhuốm màu thời gian, những bức hình xưa cũ không chỉ là hiện vật mà còn là ký ức, hoài niệm của biết bao người. Ở triển lãm này, người lớn tuổi tìm lại tuổi thơ, người trẻ thấy được quá khứ và ai cũng như thêm trân quý di sản quê hương.
Một vài nông cụ người miền Tây xưa.
"Trước đây do cấy lúa mùa, một vụ, thân lúa cao nên người dân sử dụng nọc cấy để cấy lúa. Tùy theo mực nước mà độ dài nọc cấy khác nhau, khoảng từ 2 tấc đến 6 tấc. Ở những vùng có nhiều đỉa, trên đầu nọc cấy, nông dân còn khoét lỗ tra vôi để khi đi cấy bị đỉa đeo vào chân tay thì bôi vào cho đỉa rớt xuống" - Thảo Nguyên, thuyết minh viên Bảo tàng TP Cần Thơ, vừa chỉ tay vào chiếc nọc cấy vừa diễn giải cho nhóm bạn trẻ đến từ một trường cao đẳng của TP Cần Thơ được rõ. Nhiều bạn thích thú và ngạc nhiên khi lần đầu "chạm mặt" chiếc nọc cấy tưởng chỉ trong "huyền thoại". Bởi ở độ tuổi các em, khó mà gặp chiếc nọc cấy, phần do tập quán canh tác lúa bây giờ đã không còn sử dụng, phần do các em sống ở thành thị.
Rồi khi nói về chiếc gàu dai, lại một lần nữa các bạn trẻ bất ngờ với dụng cụ tát nước thú vị này. Đây là công cụ chống hạn hiệu quả vào hàng bậc nhất trong số các công cụ thủ công ngày trước: "Ruộng thấp đóng một gàu dai/ Ruộng cao thì phải đóng hai gàu sòng". Hay với dụng cụ đánh bắt cá tôm, với một vùng đất thiên nhiên trù phú như ĐBSCL thì thật tình là có "trăm phương ngàn cách". Sâu sông nước chảy thì có đặt chà rồi dỡ chà, đặt vó rồi cất vó, hay chài, lưới… Mương cùng nước cạn thì có nơm, xà di, xịa, lưới kéo…
Một không gian trưng bày khác cũng đầy thú vị là trang phục của người miền Tây thuở xưa. Lâu lắm rồi mới lại được thấy bộ bà ba túi cổ tròn, trôn lá hẹ, tay nối… đúng chất xưa đi với chiếc khăn rằn quấn cổ. Và rồi những dụng cụ của nghề may như cây kéo, rổ may, bộ thước đo… cho thấy sự khéo léo, kỹ lưỡng của người miền Tây trong từng đường kim mối chỉ. Ví như bộ sưu tập thước may, hầu hết đã "lên nước" do sử dụng thời gian dài. Có nhiều cây được chạm cẩn tuyệt đẹp, thể hiện sự trân trọng, yêu nghề kính nghiệp của người thợ may ngày trước.
Bàn ủi lá sen và bàn ủi con gà.
Gần tới Tết rồi, nhìn chiếc bàn ủi lá sen và bàn ủi con gà được trưng bày lại nôn Tết quá đỗi. Nhớ hồi trước, đêm 30 Tết, má và các chị ngồi bên nồi bánh tét rực lửa, ấm ấp. Các chị tìm miểng dừa (gáo của trái dừa khô) cho vào để đốt cháy thành than rồi bỏ vào bàn ủi con gà ủi quần áo phẳng phiu cho cả nhà đi chơi Tết. Chiếc bàn ủi con gà bằng đồng thau đen bóng, rồi cả cọng dây chì kéo đầu con gà khi nó không còn chắc chốt như mới mua về, là cả một miền ký ức. Thật ra, trước thời bàn ủi con gà đã có bàn ủi lá sen. Tên gọi này xuất phát từ hình dáng bàn ủi giống lá sen chụm lại. Chiếc bàn ủi lá sen mà Bảo tàng TP Cần Thơ trưng bày có tay cầm được trang trí hình hổ phù là linh vật trường sinh bất tử do uống được nước thần - biểu trưng cho sự may mắn, bền vững, no đủ. Sau này, chiếc bàn ủi lá sen bị bàn ủi con gà "cạnh tranh" và "triệt tiêu" bởi lẽ, bàn ủi lá sen có nhược điểm là do không có nắp đậy khiến bay bụi lửa trong quá trình ủi nên dễ làm cháy quần áo.
Một góc nhỏ khác của trưng bày chuyên đề này khiến người xem háo hức chờ Tết không kém là bàn thờ gia tiên ngày Tết cùng bộ sưu tập các khuôn bánh. Nhớ làm sao những cái Tết quê cả ngày quây quần bên chiếc lò nhỏ coi má nướng bánh bông lan, chị Hai gõ bánh in còn chị Ba thì nhúng bánh nhúng. Tất cả những khuôn bánh đó có đủ tại trưng bày này. Nhiều loại khuôn bánh được giới thiệu có hình dáng cầu kỳ, điệu nghệ, cho thấy sự tinh xảo của người xưa. Những khuôn bánh đó còn chứa cả một câu chuyện văn hóa. Ví như một khuôn bánh kẹp có hai mặt lại đúc chìm hai chữ "Cần Thơ" và "Hà Tiên" để khi bánh làm ra sẽ nổi rõ hai dòng chữ này ở hai mặt bánh. Qua chiếc bánh quê, tên quê hương, xứ sở mình được gởi gắm bằng sự trân quý. Hay là khuôn bánh có in hình con cá. Cá theo âm Hán Việt đọc là "ngư", mà ngư thì lại cận âm với "dư"- từ chỉ sự dư giả, rủng rỉnh, thích hợp làm bánh để đãi khách lại nhà chơi Tết.
Bộ bàn ghế xưa. Ảnh: DUY KHÔI
Nếp nhà người miền Tây ngày Tết, dù giàu hay nghèo thì bàn thờ gia tiên cũng phải trang hoàng nghiêm cẩn, cũng có chút bánh kẹo đãi khách. Bảo tàng TP Cần Thơ chọn giới thiệu ngay trung tâm của không gian trưng bày bộ bàn ghế cẩn xà cừ cực kỳ tinh xảo, được chạm lộng khéo léo đến từng chi tiết, nổi rõ các hình ảnh là đề tài quen thuộc trong kiến trúc Nam bộ xưa như chim, hoa, đàn… Và sẽ thiếu trong mái nhà Nam bộ thuở trước nếu không có khay trầu, bình vôi, ống nhổ, ống ngoáy… Tại trưng bày này, khách tham quan sẽ nhìn thấy rất nhiều bình vôi với nhiều chất liệu, hình dáng và kích cỡ khác nhau. Có những bình vôi nhỏ gọn tới mức người dùng có thể bỏ trong túi mang đi được, lớn hơn thì bỏ trong khay trầu, còn có những cái to đùng được gọi là "Ông bình vôi" với sức chứa lên đến hàng ký vôi.
Cù lao đồng rất quen và rất quý.
Thân thương làm sao khi đến với "Nét xưa", một chiếc ấm nước bằng đồng hình trái bí, một cù lao đồng, rồi đôi đũa bạc, bộ khay trà xưa… được Bảo tàng thành phố cất công sưu tầm trong thời gian dài. Những hiện vật đó tuy lạ mà quen. Nhiều người đến tham quan đều reo vui với bạn bè rằng: "Cái cù lao này nhà ngoại tui có nè!", "Hồi đó bà nội tui có bộ đồ ăn trầu y chang như vầy", còn có cả những câu ngờ ngờ: "Cái này quen quen, hình như nhà tui có"… Tất cả những điều đó là ký ức, là niềm thương. Cái xưa giờ đã là di sản của hoài niệm.
Xem "Nét xưa" ở Bảo tàng TP Cần Thơ mới chợt ngẫm rằng, người miền Tây thuở xưa, ông bà mình thuở trước cũng thật điệu nghệ và kỳ công trong nếp ăn, nếp ở, cách thức sinh hoạt, xử đãi. Nét thanh lịch của người xưa vẫn hiển hiện trong từng câu chuyện, từng hiện vật. Bây giờ, giới trẻ vẫn hay chuộng cái gì xưa xưa, cái gì thuộc về "hồi đó". Nhìn thấy chủ nhân một tài khoản facebook đăng lên bức hình nhà nọ chuẩn bị ăn Tết với vách nhà dán bằng giấy bông, bộ bình trà bỏ trong vỏ dừa rồi dĩa mứt gừng, mứt bí gói trong giấy kiếng đỏ… ai cũng vào "than". Người than nhớ hồi đó, người than nhớ má, nhớ ngoại, nhớ quê hương. Vậy mới hay, ký ức vẫn luôn nuôi nấng và nâng đỡ mỗi bước đời ta đi, hôm nay và tương lai.
Bài, ảnh: Đăng Huỳnh