Nhà thơ Lữ Hồng vừa ra mắt tập thơ “Ô cửa vẫn sáng đèn” (NXB Hội Nhà văn, tháng 6-2024). Cô là nhà thơ trẻ ở Gia Lai đã định danh bằng tập thơ “Một mai thức dậy” (NXB Hội Nhà văn, 2017) và tập tản văn “Đợi sương mù giữa phố” (NXB Quân đội nhân dân, 2020).
Tập thơ Ô cửa vẫn sáng đèn gồm 50 bài thơ tình mà không chỉ gói trọn trong một chữ tình, trong đó còn có vô vàn tâm tư, muôn trùng hy vọng. Không khó để bắt gặp chất trữ tình nói chung và tình yêu đôi lứa nói riêng trong thơ một ai đó, nhưng để chất trữ tình riêng tư ấy thi vị hóa đời mình, dàn trải cả 50 bài thơ thì âu cũng rất khó. Tuy vậy, Lữ Hồng đã làm điều đó cùng “Ô cửa vẫn sáng đèn” bằng cách cô đốt lên và cầm lấy tình cảm của chính mình, để đi sâu vào tâm tư, soi lại những ngõ ngách, và… ngồi lại đôi lúc rồi đi.
Thơ Lữ Hồng, với sự tràn đầy sự dịu dàng nữ tính, nơi cô bắt đầu hành trình tìm chính mình. Nhà thơ Lữ Hồng đã đi sâu vào bản ngã, sau khi cô định nghĩa lại những gì đang tồn tại trong tâm khảm của mình, giờ là lúc cô đặt lại tên cho những hồ hởi vui và nằng nặng buồn của đoạn thời gian tuổi trẻ từng trải qua “Hơn ba mươi năm tôi chẳng dám khổ đau/ cứ cười như chim rừng đã ăn vừa quả ngọt” (“Tự khúc”). Ở ngưỡng tuổi 30, cô từng chút nắn nót lại ân tình “Em sẽ tiễn anh như thơ tiễn mùa thu/ như thể mình chưa có ngày nào vì nhau mà thở/ ngày vén tóc thương anh là ngày nổi gió/ trời có xanh đâu mà bắt cỏ phải mềm” (“Em sẽ tiễn anh đi như thơ tiễn mùa thu”).
Sự tận cùng là điều Lữ Hồng tìm kiếm, như bao nhà thơ khác, không chấp nhận sự nửa vời cho bất cứ điều gì. Vì vậy cô đã đi tìm về ý nghĩa sống của bản thân, cô tách mình ra để chuyện trò, chất vấn. Cô tìm về đoạn vui buồn đôi mươi trên nụ cười áo trắng, chưa kịp nhặt niềm vui đã gặp cành phượng chớm buồn: “Xa nhau cao nguyên nửa chiều bỗng nhạt/ Về đi anh dẫu một lần như khách (“Hãy tìm nhau giữa mùa xuân”). Và với thơ cũng vậy. “Ô cửa vẫn sáng đèn” là sự nối tiếp của thi pháp trữ tình mà Lữ Hồng đã thể hiện qua các tập thơ cô đã xuất bản. Thơ Lữ Hồng không thiếu câu sáng và có những câu thơ đọc lên buộc ta phải chiêm nghiệm, dù tác giả không cố tình triết lý: “Nửa đêm muốn đặt lên bia mộ bạn mình một lý cà phê / uống bù những lần lỗi hẹn (“Tháng Chạp mùa đông”), hay “Bây giờ ta còn ta / như một căn nhà không cần treo số (“Đêm”)...
Chính những vần thơ này đã bật lên giọng thơ riêng của Lữ Hồng. Với hồn thơ vừa đắng đằm vừa chát ngọt đan xen, cứ dịu dàng và hờ hững, nửa buông lơi lại nửa âm thầm tin ở tương lai, “Ô cửa vẫn sáng đèn” hướng đến những điều tươi đẹp...
Kỳ Sơn