09/04/2022 - 05:23

NATO chĩa mũi dùi vào Trung Quốc 

Ngoài việc tăng cường năng lực vũ trang cho Ukraine và một số đối tác khác tại châu Âu nhằm đối phó với Nga, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ cho các nước châu Á - Thái Bình Dương trong nỗ lực ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong (giữa) lần đầu tham dự cuộc họp của NATO. Ảnh: Yonhap

Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong (giữa) lần đầu tham dự cuộc họp của NATO. Ảnh: Yonhap

Cuộc họp cấp ngoại  trưởng của NATO diễn ra ngày 6 và 7-4 tại Brussels có sự tham gia của những người đồng cấp Ukraine, Gruzia, Phần Lan và Thụy Điển, cùng đại diện Liên minh châu Âu (EU), các đối tác của NATO ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Đáng chú ý khi đây là lần đầu tiên  hội nghị ngoại trưởng NATO có sự tham gia của đại diện ngoại giao cấp cao Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại hội nghị, ngoại trưởng các nước thành viên NATO nhất trí tăng cường hợp tác với các đối tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong các lĩnh vực như không gian mạng, công nghệ mới, chống thông tin sai lệch, an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu, đồng thời thống nhất tăng cường hỗ trợ thiết thực cho Gruzia, Bosnia và Herzegovina. Các ngoại trưởng NATO cũng nhất trí rằng “khái niệm chiến lược” của khối quân sự này sẽ được hoàn thiện tại hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha vào tháng 6 tới, trong đó có việc đối phó mối đe dọa từ Trung Quốc.

Trung Quốc là một thách thức nghiêm trọng

Phát biểu trước báo giới sau hội nghị, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh việc Trung Quốc từ chối lên án hành động quân sự của Nga tại Ukraine là một thách thức nghiêm trọng đối với toàn bộ liên minh Bắc Đại Dương gồm 30 nước thành viên. Vì thế, ông Stoltenberg cho biết NATO sẽ công bố “khái niệm chiến lược” mới tại hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 6 tới, trong đó lần đầu tiên phải đánh giá ảnh hưởng ngày càng tăng và chính sách cưỡng ép của Trung Quốc tác động đến an ninh của NATO. Mỹ và các đồng minh quan ngại rằng thông qua ủng hộ hành động quân sự của Nga tại Ukraine, Trung Quốc có thể đe dọa gây bất ổn an ninh tại Thái Bình Dương, nhất là đối với vấn đề Đài Loan và các khu vực tranh chấp khác.

Theo Đài Fox News, trong khi từ chối lên án cuộc chiến của Nga tại Ukraine, Trung Quốc lại phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh, cho rằng NATO nên lắng nghe mối quan ngại an ninh của Tổng thống Vladimir Putin. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng cho rằng Mỹ và phương Tây đã châm ngòi cho cuộc xung đột khi cung cấp vũ khí cho Ukraine và từ chối đóng cửa NATO cho các nước mới.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 6-4 nhắc lại sự chỉ trích nhằm vào các lệnh cấm vận quốc tế đối với Nga: “Lịch sử và thực tế đã chứng minh rằng các biện pháp trừng phạt không mang lại hòa bình và an ninh, mà chỉ đem đến nhiều sự mất mát, làm tăng thêm sự khó khăn vốn có của nền kinh tế thế giới và tác động đến hệ thống kinh tế toàn cầu hiện hữu”. Ông Triệu thậm chí cáo buộc chính Mỹ tạo ra tình thế ở Ukraine để “thu lợi từ hỗn loạn và kiếm được nhiều tiền”.

Phiên bản châu Á- Thái Bình Dương của NATO

Trong khi đó, việc Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng lúc được mời tham dự cuộc họp ngoại trưởng của NATO cũng khiến Trung Quốc hoài nghi. Thời báo Hoàn cầu ngày 8-4 dẫn lời nhà nghiên cứu Li Kaisheng, Phó Giám đốc Viện quan hệ quốc tế thuộc Học viện khoa học xã hội Thượng Hải cho rằng “bằng cách mời 4 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, NATO và Mỹ muốn thu hút thêm các quốc gia để thành lập một mặt trận thống nhất chống lại Nga về cuộc xung đột ở Ukraine và động thái như vậy cũng sẽ giúp NATO mở rộng toàn cầu, đặc biệt là sang châu Á, như Mỹ đã luôn tìm cách xây dựng một khuôn khổ hiệu quả hơn để kiềm chế Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Ông Li Kaisheng cũng khẳng định sự mở rộng của NATO là nguồn gốc gây ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hiện nay, nhưng khối này chưa bao giờ soi xét vấn đề mà tiếp tục thúc đẩy “mở cửa”.  

Về phần mình, ông Triệu Lập Kiên còn nói rằng NATO là sản phẩm của Chiến tranh lạnh và lẽ ra đã trở thành lịch sử từ lâu. Ông Triệu đặc biệt chỉ trích liên minh an ninh Úc - Anh - Mỹ (AUKUS) sau khi 3 nước này thông báo hợp tác phát triển vũ khí siêu vượt âm.  “Khai thác cuộc khủng hoảng ở Ukraine và lấy cớ duy trì an ninh và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ và Anh đã tuyên bố cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc và giờ đây 3 nước hợp tác phát triển công nghệ quân sự tiên tiến như vũ khí siêu vượt âm”, ông Triệu nhấn mạnh và đánh giá mục tiêu cuối cùng của 3 nước này là tạo ra một phiên bản NATO của châu Á - Thái Bình Dương nhằm phục vụ lợi ích và sự bá quyền của Mỹ tại khu vực.

ĐỨC TRUNG (Theo Global Times, Fox News)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
NATOTrung Quốc