24/08/2018 - 21:23

Nâng tầm y tế Cần Thơ  

Ngành y tế TP Cần Thơ đã tích cực hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các viện, trường ở Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp... góp phần nâng cao năng lực cán bộ y tế, cải thiện chất lượng khám chữa bệnh.

Nhiều dự án lớn

Ngành y tế Cần Thơ hiện có 1 dự án ODA của Hungary, 9 dự án NGO (phi chính phủ) bao gồm các lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản… Từ đầu năm 2018 đến nay, Cần Thơ đón 38 lượt đoàn nước ngoài từ Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Tổ chức Y tế Thế  giới, Nhật Bản, Pháp, Malaysia, Ấn Độ đến làm việc với các cơ sở y tế.

Chuyên gia Tổ chức Action Children khám cho trẻ bị dị tật tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.

Thời gian qua, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế như Action Children (Thụy Sĩ) – can thiệp trẻ co cứng cơ do bại não, sàng lọc và phẫu thuật dị tật vận động; tổ chức MEET, Đại học Washington – Hoa Kỳ tập huấn về chẩn đoán và xử trí sớm bệnh lý rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em; phối hợp tổ chức IPSAC – Hoa Kỳ khám và phẫu thuật các dị tật bẩm sinh...

Mỗi đợt đến thăm bệnh viện, các tổ chức đã mang đến nhiều chuyên gia y tế hàng đầu có kinh nghiệm lâu năm ở các quốc gia có nền y học phát triển như Hoa Kỳ, Pháp… cũng như các bác sĩ đến từ các bệnh viện đầu ngành nhi khoa khu vực phía Nam như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2... Bên cạnh việc hỗ trợ các chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, các tổ chức quốc tế còn tài trợ một số chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ em dưới 15 tuổi có hoàn cảnh khó khăn. 

Bác sĩ Phạm Văn Đông,  Phó Trưởng khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ cho biết, qua làm việc với các tổ chức quốc tế, cán bộ y tế được cập nhật kiến thức mới, trao đổi kinh nghiệm trong tư vấn và điều trị bệnh nhân. Chẳng hạn, lớp tập huấn tự kỷ đã mở ra cơ hội cho kế hoạch hợp tác quốc tế lâu dài và phát triển lĩnh vực này tại bệnh viện. Đồng thời cũng là tiền đề để bệnh viện sớm triển khai Phòng khám Tâm lý – Rối loạn hành vi trẻ em trong thời gian tới.

Nhiều năm nay, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ là đơn vị tiếp nhận nhiều dự án hợp tác quốc tế. Trung tâm đang triển khai 3 dự án với tổng vốn trên 1,4 tỉ đồng: Hỗ trợ kỹ thuật hướng tới chương trình phòng, chống HIV/AIDS bền vững tại TP Cần Thơ; Hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt tại TP Cần Thơ; Thí điểm tự xét nghiệm HIV và giang mai tại cộng đồng trong nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) và phụ nữ mại dâm.

Ngoài ra, năm 2018, dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS hỗ trợ Cần Thơ trên 2,9 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ ngày 5-4 đến ngày 31-12 tại 5 quận, huyện: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Vĩnh Thạnh, Ô Môn.  Bà Phạm Thị Cầm Giang, Trưởng Khoa Quản lý điều trị, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Cần Thơ, cho biết, trong 6 tháng đầu năm, dự án triển khai các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, duy trì hoạt động can thiệp nhóm nghiện chích ma túy, gái mại dâm và MSM; duy trì hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tuy dự án triển khai muộn nhưng địa phương đã chủ động sử dụng nguồn kinh phí địa phương nhằm duy trì các hoạt động trong khi chờ dự án khởi động như chi phí duy trì hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế (từ tháng 1 đến tháng 4), phụ cấp nhân viên tiếp cận cộng đồng nhóm nghiện chích ma túy, gái mại dâm, chi phí công lấy mẫu và xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai. Trong 6 tháng cuối năm, dự án hỗ trợ kinh phí hủy bơm kim tiêm đã qua sử dụng; tập huấn can thiệp giảm tác hại và tư vấn xét nghiệm HIV; xét nghiệm HIV lưu động và không chuyên; triển khai xét nghiệm tải lượng vi rút và CD4; tập huấn chăm sóc điều trị HIV/AIDS; triển khai giám sát trọng điểm và lập bản đồ điểm nóng... đặc biệt, mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV.

Đại diện Tổ chức Orbis, Bệnh viện Mắt- Răng Hàm Mặt Cần Thơ thăm hỏi các bệnh nhi đang điều trị ở Khoa Mắt trẻ em. Khoa được thành lập dưới sự hỗ trợ của dự án “Ánh sáng cho trẻ em và người lớn tuổi khu vực ĐBSCL”.

Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Cần Thơ, hiện nay, 94,8% người nhiễm HIV ở Cần Thơ có bảo hiểm y tế, do người nhiễm tự mua hoặc do ngân sách địa phương mua (theo Nghị quyết 13/2016/NQ- HĐND, ngân sách thành phố hỗ trợ  người nhiễm HIV có hộ khẩu ở Cần Thơ mua thẻ bảo hiểm y tế). Còn 139 trường hợp chưa có bảo hiểm y tế do không có hộ khẩu. Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS sẽ hỗ trợ để đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế. Ngoài chương trình HIV, Quỹ cũng đang triển khai ở Cần Thơ dự án phòng, chống lao với kinh phí  4,4 tỉ đồng.

Theo bác sĩ Cao Minh Chu, Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, Bệnh viện Tai mũi họng tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật cấy ốc tai điện tử. Bệnh viện Nhi đồng khám sàng lọc ROP (bệnh võng mạc trẻ sinh non), được hướng dẫn cách điều trị cho các cháu mắc tổn thương não... Bệnh viện Ung bướu cập nhật kiến thức mới về hỗ trợ tâm lý và chăm sóc cho bệnh nhân ung thư cuối đời, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm điều trị ung thư, giải phẫu bệnh lý. Bệnh viện Mắt – Răng hàm mặt nâng cao năng lực điều trị bệnh lý mắt trẻ em và người lớn, khám và cấp kính cho học sinh bị tật khúc xạ, thành lập Khoa Mắt trẻ em... Đặc biệt, trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, các dự án của các tổ chức quốc tế đã góp phần giảm số mắc mới, số chuyển sang AIDS và tử vong do AIDS... Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ chuẩn bị các thủ tục và nguồn lực thành lập Phòng khám Quốc tế, có sự tham gia của Nhật Bản và định hướng thành lập Khoa khám bệnh Quốc tế.

Tháo gỡ khó khăn, tăng cường hội nhập

Theo bác sĩ Cao Minh Chu, trình độ ngoại ngữ của đa số nhân viên y tế chưa đáp ứng được nhu cầu giao tiếp nên hạn chế trong việc trao đổi với các chuyên gia nước ngoài. Các dự án ký kết chậm gây khó khăn cho việc triển khai và duy trì hoạt động, nhất là hoạt động ở tuyến cơ sở. Riêng với dự án phòng, chống HIV/AIDS, theo bà Phạm Thị Cầm Giang, kinh phí theo kế hoạch rất lớn, tuy nhiên thực tế địa phương chỉ sử dụng khoảng 60% vì định mức chi thấp và số lượng chưa phù hợp; chỉ tiêu về hoạt động tư vấn xét nghiệm quá cao, chưa phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương... Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ Trần Mạnh Hồng cho biết, kinh phí quỹ toàn cầu phòng, chống lao đến 29-5 mới về đến địa phương. Ngoài ra, một số mục chi không thể sử dụng hết kinh phí, đề nghị trung ương xem xét chuyển sang hỗ trợ điều trị các hoạt động cấp thiếu như tư vấn, điều trị chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân siêu kháng thuốc và tiền siêu kháng thuốc.

Trong buổi làm việc của Vụ Quan hệ quốc tế, Bộ Y tế với Sở Y tế Cần Thơ ngày 21-8-2018, Sở Y tế đề nghị Vụ Hợp tác quốc tế quan tâm cử cán bộ ngành y tế Cần Thơ đi học các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn ở nước ngoài; đồng thời mở các lớp tập huấn nghiệp vụ hợp tác quốc tế nhằm nâng cao kỹ năng đối ngoại cho cán bộ y tế. Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Trần Thị Giáng Hương cho rằng, công tác hợp tác quốc tế ở Cần Thơ không chỉ huy động được nguồn tài chính, mà qua đó thiết thực nâng cao năng lực cán bộ y tế, tiếp nhận kỹ thuật mới và lan tỏa ra các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Hiện nay, tình nguyện viên Nhật Bản đang làm tình nguyện tại nhiều cơ sở y tế trên cả nước, nếu Cần Thơ có nhu cầu thì Vụ sẵn sàng làm cầu nối. Vụ Hợp tác quốc tế sẽ giới thiệu các đối tác mới cho ngành y tế thành phố.

Sắp tới, Bộ Y tế mong muốn phối hợp Cần Thơ tổ chức tập huấn công tác hợp tác quốc tế cho các cơ sở y tế trong cả nước; xem xét gởi cán bộ y tế đi đào tạo ở nước ngoài. Với Dự án xây dựng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ (vốn vay ODA Hungary), đây là dự án lãnh đạo Đảng, Chính phủ rất quan tâm, Sở Y tế nỗ lực khắc phục khó khăn. Trong quá trình thực hiện, báo cáo kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Về dự án xây dựng Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ 300 giường mà Cần Thơ đang đề xuất (đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Bộ Y tế tiếp tục làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Đại sứ quán Nhật Bản đẩy mạnh dự án.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết