04/04/2013 - 21:02

Nâng tầm sản phẩm bằng thương hiệu

Xây dựng thương hiệu giúp doanh nghiệp nâng tầm sản phẩm cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Nước ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế, bên cạnh cơ hội mở rộng giao thương là những thách thức mang tính toàn cầu. Với sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc tạo lập giá trị khác biệt, khẳng định vị trí của sản phẩm được xem là vấn đề sống còn của doanh nghiệp (DN). Lẽ đó, TP Cần Thơ đang thực hiện nhiều giải pháp chung sức cùng DN xây dựng thương hiệu, nâng tầm sản phẩm để đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế…

Thiếu tầm…

Theo đánh giá của các chuyên gia, Cần Thơ với vị thế thuận lợi, Cần Thơ là trung tâm công nghiệp chế biến hàng hóa và xuất khẩu của vùng ĐBSCL. Các DN của thành phố có kinh nghiệm về thu mua, tồn trữ, chế biến và xuất khẩu dạng bán thành phẩm. Tuy nhiên, thành phố chưa có kinh nghiệm sản xuất sản phẩm tiêu dùng hoàn chỉnh, xây dựng thương hiệu và phân phối thành phẩm trên quy mô quốc gia và quốc tế. Đây là thách thức cho DN trong việc nâng tầm sản phẩm từ sản phẩm hàng hóa lên sản phẩm thương hiệu quốc tế. TP Cần Thơ hoàn toàn có đủ điều kiện và cơ hội để phát triển mạnh công nghiệp chế biến, sản xuất hoàn chỉnh, nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu và quảng bá quốc tế.

Chuyên gia Thương hiệu Võ Văn Quang, cho rằng: Thương hiệu là một thế lực mới chinh phục con người và làm thay đổi tư duy kinh tế. Thương hiệu giúp hoàn chỉnh và nâng tầm sản phẩm mới, phát triển một cách liên tục và bền vững. Xây dựng thương hiệu là vấn đề không còn mới mẻ đối với các DN. Song, không phải DN nào cũng nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc xây dựng thương hiệu. Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, tính đến ngày 24-10-2012, TP Cần Thơ có 2.087 nhãn hiệu của 593 cá nhân, DN được bảo hộ nhãn hiệu. Trong năm 2012, có 236 văn bằng bảo hộ được cấp và 279 đơn được chấp nhận. So với năm 2011, số đơn được chấp nhận chỉ đạt 83,7% và số văn bằng được cấp chỉ đạt 97,9%.

Mặc dù có tiềm lực phát triển, nhưng trong số DN đang hoạt động trên địa bàn Cần Thơ có đến 97% là DN vừa và nhỏ. Do vậy, các DN chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, chưa có kế hoạch phân bổ kinh phí cho xây dựng thương hiệu, mà đa tập trung mở rộng quy mô, tăng năng suất… Một phần do sự hạn chế về trình độ quản trị, năng lực tài chính nên xây dựng thương hiệu đối với DN đầy trở ngại. Các chuyên gia thương hiệu đưa ra lời khuyên đối với DN Cần Thơ là để xây dựng thương hiệu, DN cần phải tập trung vào chiến lược: Lấy marketing (tiếp thị) làm mũi nhọn chuyên môn, xác lập các mô hình thương hiệu và thị trường. Đồng thời, thành phố định hướng công nghệ và xác lập chất lượng, nhanh chóng trang bị kiến thức về chiến lược thương hiệu, các mô hình thương hiệu, mô hình phân phối; nâng cao hàm lượng chế biến, kinh tế tri thức, giá trị mềm, sáng tạo… Vấn đề này đòi hỏi công tác hoạch định lộ trình phải rõ ràng, cụ thể và có sự trợ giúp từ nhiều phía.

Định vị chiến lược

Mới đây, tại hội thảo Giải pháp xây dựng thương hiệu địa phương và các mô hình thương hiệu cho doanh nghiệp Cần Thơ do Sở Công thương phối hợp cùng Hiệp hội DN TP Cần Thơ và Trung tâm Xúc tiến đầu tư- thương mại- du lịch thành phố tổ chức, đại biểu tham dự hội thảo đã nêu bật nhiều vấn đề quan trọng về chiến lược xây dựng thương hiệu cho DN. Trên cơ sở này, việc xây dựng Dự án thương hiệu cho DN Cần Thơ bước đầu đưa ra những định hướng, như: xây dựng định vị chiến lược ngành trọng tâm; định hướng thị trường mở rộng; xây dựng định hướng thương hiệu dòng sản phẩm và vai trò chiến lược của hiệp hội ngành trong việc hợp sức phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm; xúc tiến thể nghiệm mô hình “thương hiệu tập thể” và “chứng nhận” cho một số ngành chủ lực, như: cá ba sa chế biến, sản phẩm chế biến từ gạo, sản phẩm trái cây và chế biến… và một số sản phẩm của cộng đồng, làng nghề để nâng cấp trở thành thương hiệu nổi tiếng. Ngoài ra, hình thành một trung tâm marketing và sáng tạo mà Hiệp hội DN TP Cần Thơ là nòng cốt, phối hợp với các chuyên gia và truyền thông để trao đổi, thu nhận và chia sẻ ý tưởng các mô hình sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới…

Theo Chuyên gia Thương hiệu Võ Văn Quang, xây dựng chiến lược thương hiệu đi đôi với việc hoàn thiện chuỗi giá trị sẽ tạo ra hiệu quả đồng bộ từ khâu sản xuất đến các công đoạn chế biến, tiêu thụ. Định hướng ý tưởng sản phẩm và ý tưởng thương hiệu hình thành theo quy trình hoạch định marketing lấy thương hiệu làm yếu tố trung tâm, hướng đến những ý tưởng phù hợp cho cộng đồng DN vừa và nhỏ. Tư duy mới này giúp địa phương từng bước xác lập và sở hữu những thương hiệu sản phẩm có hàm lượng chất xám và giá trị cao có thể cạnh tranh với thương hiệu nước ngoài chủ yếu nhờ vào giá trị thật và bản sắc, trong cùng một lĩnh vực hay nhóm sản phẩm.

TP Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung trong chiến lược phát triển thương hiệu cần chú trọng đến xu hướng giá trị thiên nhiên hiện phổ biến khắp thế giới, nhất là các thị trường phát triển, mà ĐBSCL có tiềm năng rất lớn về sản phẩm chế biến có nguồn gốc thiên nhiên. Bên cạnh đó, sự tôn vinh truyền thống và bản sắc là một trong những lợi thế cạnh tranh mới cần khai thác một cách chuyên nghiệp. Bản sắc khi kết tinh vào thương hiệu và sản phẩm sẽ tạo ra sức mạnh chinh phục khách hàng một cách vững chắc. Tương ứng với xu hướng đó, một số mô hình thương hiệu được chuyên gia đề xuất áp dụng cho Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL là mô hình thương hiệu chứng nhận địa phương và hiệp hội. Thương hiệu chứng nhận có thể do địa phương (tỉnh, thành) xác lập kết hợp với sở hữu tập thể có điều kiện. Tức là thành viên DN và tư nhân sản xuất một dòng sản phẩm địa phương thỏa mãn tiêu chuẩn chứng nhận sẽ được gắn nhãn hiệu tập thể của địa phương. Với mô hình thương hiệu chứng nhận, địa phương sẽ đầu tư quảng bá và sở hữu, còn “thương hiệu sản phẩm” sẽ do DN tự xây dựng và sở hữu. Hay mô hình Thế Chân Vạc kết hợp sản phẩm địa phương với du lịch và xuất khẩu tại chỗ. Kết hợp những tour du lịch tham quan thắng cảnh, văn hóa địa phương và điểm nhấn là ẩm thực, mua sắm các sản phẩm hàng hóa. Khách du lịch thông qua những trải nghiệm này nếu thích thú thì đây là “kênh” tuyền tin rất quan trọng. Từ đó, địa phương xúc tiến đầu tư, ưu tiên mời gọi những dự án mang lại lợi ích hỗ trợ cho mở rộng sản xuất sản phẩm địa phương, thúc đẩy du lịch, khai thác thị trường và tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định.

     Bài, ảnh: T.Trinh

Chia sẻ bài viết