08/02/2023 - 08:19

Nâng tầm Lễ hội Tống phong 

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Những ngày giữa tháng Giêng âm lịch vừa qua, rất nhiều nơi trên địa bàn TP Cần Thơ tổ chức Lễ hội Tống phong, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Với những giá trị văn hóa, tín ngưỡng dân gian đặc sắc, việc nâng tầm để Lễ hội Tống phong được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia rất cần được quan tâm.

Ðoàn hộ tống bè thủy lục diễu hành trên sông Cần Thơ trước khi ra sông Hậu hạ thủy.

Lễ hội Tống phong có lịch sử lâu đời, hiện còn được lưu giữ ở nhiều địa phương như phường Thốt Nốt (quận Thốt Nốt), xã Nhơn Ái, xã Nhơn Nghĩa, thị trấn Phong Ðiền (huyện Phong Ðiền), phường An Cư, phường An Bình (quận Ninh Kiều), phường Hưng Phú (quận Cái Răng)... Trong đó, tiêu biểu và quy mô nhất phải kể đến Lễ hội Tống phong ở Miếu Bà Xóm Chài, phường Hưng Phú (miếu đối diện khu vực Bến Ninh Kiều).

Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Ngày đầu tiên, cánh đàn ông trong xóm cùng nhau đóng bè thủy lục bằng thân chuối, tre, dán giấy. Việc đóng bè có những nghi thức cúng kính, khấn vái riêng rất đặc sắc. Suốt các ngày diễn ra lễ hội, có nhiều hoạt động như múa bóng rỗi cúng Bà Chúa Xứ, cúng Thần hoàng... Ðiểm nổi bật của lễ hội là chiều 14 tháng Giêng, bè thủy lục được di chuyển ra tàu lớn, diễu hành trên một khúc sông Cần Thơ rồi dong thẳng ra sông Hậu để hạ thủy. Ông Trần Văn Lộc, Trưởng Ban Tế tự Miếu Bà Xóm Chài, lý giải: “Bè thủy lục được tống càng xa càng tốt, ngụ ý tống bỏ những điều xui rủi, dịch bệnh... và nguyện cầu những điều tốt lành, hanh thông trong năm mới”.

Ông Lộc cho biết thêm: Bao đời qua, lễ hội là niềm tự hào của bà con địa phương, năm sau tổ chức lại lớn hơn năm trước, đông người dự hơn năm trước. Mới mùng 9 Tết là bà con đã cùng nhau đốn chuối, đốn tre... chuẩn bị đóng bè thủy lục, không khí rất đông vui. Trên chiếc bè thủy lục, Ban Tế tự Bổn Miếu dâng đầu heo, cá, gà... cùng gạo, muối để làm vật cúng. Bà con địa phương cũng mang gạo, muối đến gửi vào bè với ước nguyện gia đình mạnh khỏe, bệnh tật tiêu trừ. Ðặc biệt, cứ vào chiều 14 tháng Giêng, đi dọc Xóm Chài, du khách sẽ rất ngạc nhiên khi nhà nào cũng dọn bàn cúng ra trước cửa nhà, rồi gom rác, đồ không còn sử dụng rắc muối vào để đốt. Bà Nguyễn Thị Năm, 70 tuổi, cho biết: “Cổ tích hồi nào tới giờ là vậy. Mình dọn dẹp nhà cửa, rác thải để đốt đi như là đốt bỏ mầm bệnh, điều xui rủi”. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, việc làm này còn biểu thị cho ý thức vệ sinh môi trường, giữ gìn ngôi nhà, chỗ ở thêm sạch sẽ, để phòng ngừa dịch bệnh. Ðó cũng là ý nghĩa nhân văn của Lễ hội Tống phong.

Mỗi kỳ lễ hội đều có hơn 100 ghe, tàu hộ tống bè thủy lục để tống ra sông lớn, với sự tham gia của hàng ngàn người. Mọi người hò reo, múa lân, nhảy múa, “té nước” vào nhau với mong muốn tẩy rửa chuyện không may, chào đón điều mát lành. “Có người từ Châu Ðốc, Tây Ninh cũng về dự lễ hội. Bà con tin tưởng và nhớ ngày kỹ lắm, rất đông vui”, ông Lộc nhấn mạnh.

Lễ hội Tống phong ở Miếu Bà Xóm Chài nói riêng, ở TP Cần Thơ nói chung, qua hàng trăm năm đã hình thành nên những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo, trong cung cách cúng kính, thực hành nghi lễ, diễn xướng dân gian... Lễ hội ngày càng có sức lan tỏa, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Dĩ nhiên, trong quá trình diễn ra, lễ hội ngày càng được “gạn đục khơi trong” khi loại bỏ những yếu tố mê tín dị đoan, thủ tục rườm rà, tốn kém, nâng chất dần thực hành nghi lễ theo đúng cổ lệ của người Nam Bộ. Cái rốt cùng chính là tinh thần nhân văn của lễ hội: cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà an bình, người người no ấm, mạnh khỏe, dịch bệnh tiêu trừ. Việc thực hành nghi lễ ở mức độ cộng đồng cũng cho thấy sức sống, vai trò cố kết cộng đồng của lễ hội này.

Ðược biết, cách đây khoảng 10 năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ có thực hiện Dự án Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Lễ Tống phong của người Việt ở TP Cần Thơ. Tuy nhiên đến nay, dự án này vẫn chưa tỏ rõ tác dụng đối với việc tổ chức Lễ Tống phong ở Cần Thơ nói chung, nhất là ở Miếu Bà Xóm Chài. Thiết nghĩ ngành Văn hóa thành phố cần quan tâm thực hiện hồ sơ khoa học đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội Tống phong ở Cần Thơ vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Với những giá trị của lễ hội, danh hiệu này là hoàn toàn xứng đáng, tạo động lực để bảo tồn và phát huy lễ hội. Ðặc biệt, đó cũng là tiền đề để tạo nên một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn, thu hút du khách tìm về Cần Thơ mỗi dịp đầu Xuân.

Chia sẻ bài viết