04/06/2020 - 06:15

Nâng tầm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” 

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP Cần Thơ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) TP Cần Thơ, cho biết: Năm 2020 Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện trong các cấp, các ngành, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; nâng cao tỷ lệ người tiêu dùng và doanh nghiệp biết đến Cuộc vận động; góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt Nam; tích cực thực hiện các giải pháp của Chính phủ để giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh; góp phần thực hiện có kết quả các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố...

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền

Siêu thị là kênh phân phối hiệu quả hàng Việt. Trong ảnh: Hoạt động mua bán tại Siêu thị MM Mega Market Hưng Lợi.

Thực hiện Cuộc vận động năm 2020, Ban Chỉ đạo tập trung tuyên truyền về chủ trương của Đảng, quán triệt và tổ chức thực hiện Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy, Kế hoạch của UBND TP Cần Thơ  về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh những sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, tuyên truyền tới các doanh nghiệp chủ động tìm hiểu thông tin về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, thông tin về ưu đãi thuế. Giới thiệu các cách làm hay, gương điển hình trong thực hiện Cuộc vận động; giới thiệu về sản phẩm thế mạnh của địa phương…

Chương trình sẽ tiếp tục triển khai các nội dung tuyên truyền và hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp, hoạt động các sở, ban, ngành, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy có liên quan đến Cuộc vận động trên các phương tiện thông tin, báo chí của thành phố và các quận, huyện. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng chuyên trang về Cuộc vận động thông qua các cơ quan truyền thông. Tăng cường hoạt động tuyên truyền trực quan bằng việc xây dựng kế hoạch tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn, chương trình văn nghệ, sáng tác tranh cổ động... Vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố tăng cường quảng cáo thương hiệu, sản phẩm hàng hóa Việt Nam trên địa bàn thành phố. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền Cuộc vận động trong đoàn viên, hội viên và nhân dân. Xây dựng kênh truyền thông về Cuộc vận động trên website, bản tin của cơ quan, đơn vị với nội dung tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, thành phố trong tổ chức thực hiện Cuộc vận động. Giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt Nam tiêu biểu. Biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình hay trong sản xuất và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt Nam, các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trong cộng đồng người Việt Nam quê hương Cần Thơ đang sinh sống ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhấn mạnh, cần thực hiện tốt hơn nữa việc giám sát tiêu thụ hàng hóa, nông sản của Việt Nam đang kinh doanh tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống nhằm tránh tình trạng lợi dụng uy tín hàng Việt Nam như dán mác hàng Việt Nam trên hàng hóa có xuất xứ nước ngoài để tiêu thụ.

Đa dạng hoạt động trong tình hình mới

Năm 2020, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là do tác động của dịch COVID-19. Cùng với đó, việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVFTA và IPA) được ký kết và dự kiến có hiệu lực từ tháng 7-2020 khiến Việt Nam đứng trước cuộc cạnh tranh kinh tế gay gắt. Nhiều thách thức mới, hàng hóa nước ngoài nhập vào nhiều hơn dẫn đến cạnh tranh với hàng trong nước, trong khi quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ, sức cạnh tranh không cao. Đó thực sự là một thách thức lớn đối với việc thực hiện Cuộc vận động.

Theo kế hoạch thực hiện Cuộc vận động năm 2020 của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động TP Cần Thơ, sẽ thực hiện công tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tôn vinh sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn thành phố: Tổ chức các chương trình nhận diện hàng Việt Nam, bảo vệ hàng Việt Nam trên phạm vi toàn thành phố với tên gọi “Tự hào hàng Việt”; tổ chức thí điểm các điểm bán hàng Việt Nam chất lượng cao tại một số chợ truyền thống; tổ chức thường niên các phiên chợ hàng Việt về vùng ngoại thành, khu dân cư, khu công nghiệp; tổ chức các kỳ hội chợ triển lãm “Tự hào hàng Việt Nam và các sản phẩm truyền thống”...  Đồng thời tăng cường các hoạt động kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng Việt Nam tại thị trường trong nước nhằm giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ người tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với dịch COVID-19 và sau khi dịch bệnh kết thúc. Đẩy mạnh phối hợp phát triển các kênh phân phối và tăng cường quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nông, lâm, thủy sản; thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, quy mô hàng hóa; xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Để Cuộc vận động ngày càng hiệu quả, theo các chuyên gia, cần chú trọng đẩy mạnh thương mại điện tử, kể cả thương mại điện tử qua biên giới để tạo điều kiện cho hàng Việt Nam tiêu thụ thuận lợi. Bên cạnh đó, cần phải chú trọng tới công tác truyền thông từ doanh nghiệp, đảm bảo tính ngắn gọn, hiệu quả và thông điệp mang tính gần gũi. Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, cạnh tranh cao, yêu cầu bức thiết đối với các doanh nghiệp hiện nay là phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, nâng tầm thương hiệu, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa. Thực tế, thị trường nội địa hiện nay lượng tiêu thụ hàng hóa rất lớn, niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt ngày càng tăng cao. Chính vì vậy, để thúc đẩy người Việt dùng hàng Việt nhiều hơn, cần có nhiều chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất để hàng hóa có sức cạnh tranh cao trên thị trường, giá cả phù hợp với người tiêu dùng.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, cùng với việc đề ra nhiệm vụ, giải pháp, Ban Chỉ đạo đã đề nghị Chính phủ tăng cường chế tài xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam...

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết