08/01/2015 - 20:59

Nang ống mật chủ - bệnh lý thường gặp ở trẻ em

Nang ống mật chủ là bệnh bẩm sinh thường gặp ở trẻ nhỏ. Thống kê của các nhà nghiên cứu Nhật Bản, tần suất gặp bệnh này khoảng 1/1.000 trẻ mới sinh ra và thường gặp ở trẻ nữ nhiều hơn trẻ nam (tỷ lệ nữ/nam 4:1).

Nang ống mật chủ là bệnh bẩm sinh do ống mật chủ giãn to. Theo bác sĩ Tạ Vũ Quỳnh, Phó trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ: "Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ nhưng nguyên nhân thuyết phục nhất là do còn tồn tại ống tụy mật chung làm cho dịch tụy trào ngược vào đường mật gây giãn ống mật chủ trong thời kỳ bào thai. Tuổi phát hiện bệnh tùy theo loại bất thường của ống mật chủ và mức độ tắc nghẽn đường mật mà có 2 nhóm phát hiện: Nhóm 1, phát hiện khi trẻ dưới 6 tháng tuổi, biểu hiện ngay sau sinh với mức độ vàng da sớm kéo dài; nhóm 2, phát hiện trẻ trên 6 tháng tuổi (thường sau 2 tuổi) với các triệu chứng đau bụng dưới sườn phải kèm sốt hoặc vàng da ở giai đoạn trễ. Tóm lại, bệnh này thường phát hiện ở trẻ bị đau bụng dưới sườn phải, sốt vàng da". Mẹ em Nguyễn Thị Ngọc Nhi (bị nang ống mật chủ), 12 tuổi, ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, kể: "Lúc Nhi 5 tuổi thường bị đau bụng ở hạ sườn phải. Gia đình đưa Nhi lên BV nhi ở TP Hồ Chí Minh khám, điều trị và hết bệnh. Tuy nhiên, gần đây, Nhi bị đau bụng hạ sườn phải, ói, BV ở huyện Bình Minh chuyển Nhi sang BV Nhi đồng TP Cần Thơ điều trị. Sau khi phẫu thuật, sức khỏe Nhi dần ổn định và được xuất viện. Bác sĩ hẹn định kỳ đưa Nhi đến tái khám".

Các bác sĩ BV Nhi đồng 1 chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nang ống mật chủ cho các bác sĩ BV Nhi đồng Cần Thơ.

Vừa qua, BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh còn chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nang ống mật chủ, gây tắc mật ở trẻ sơ sinh cho các bác sĩ ở BV Nhi đồng TP Cần Thơ. Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh: "Bệnh này cần được phát hiện và điều trị sớm. Mỗi năm, các bác sĩ ở BV Nhi đồng 1 mổ trên 100 ca. Nếu không phát hiện bệnh sớm, có thể đến 9 tuổi mới phát hiện ra bệnh. Nếu không được điều trị, mật ứ đọng trong nang, gan, lâu ngày dẫn đến viêm đường mật nhiều lần và ngược dòng; đồng thời gây nhiễm trùng đường mật, để lâu ảnh hưởng chức năng gan, có thể tiến triển dẫn đến xơ gan, suy gan…Điều trị bệnh này bằng phẫu thuật cắt bỏ đường mật hư. Trẻ không còn đường mật, túi mật và tái tạo đường mật khác bằng cách lấy quai ruột đưa lên thay thế đường mật từ gan xuống ruột. Sau phẫu thuật, trẻ sinh hoạt bình thường. Việc phẫu thuật làm giảm nguy cơ ung thư đường mật (tỷ lệ ung thư đường mật phát triển trên nang ống mật chủ cao gấp 2-3 lần so với đường mật bình thường). Đây là phẫu thuật phức tạp, có thể có nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng hoặc rò miệng nối, hẹp miệng nối, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kỹ năng chuyên sâu. Sắp tới, BV Nhi đồng 1 sẽ chuyển giao phẫu thuật nang ống mật chủ bằng nội soi cho các bác sĩ ở BV Nhi đồng TP Cần Thơ".

Ở trẻ nhỏ, việc gây mê hồi sức phức tạp, phẫu trường nhỏ, tuy nhiên thuận lợi là chức năng gan chưa bị ảnh hưởng, mức độ viêm dính của đường mật và mô xung quanh ít. Theo bác sĩ Tạ Vũ Quỳnh, trước khi phẫu thuật, các bệnh nhi sẽ được điều trị kháng sinh để hết tình trạng nhiễm trùng đường mật, nâng tổng trạng, nâng đỡ chức năng gan, điều chỉnh rối loạn đông máu (nếu có). Sau phẫu thuật, tùy mức độ bệnh và phương pháp phẫu thuật, có thể cho trẻ ăn uống lại sau 3-4 ngày. Khi trẻ đã ổn định có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường. Trẻ thường được xuất viện sau phẫu thuật (ổn định) 1 tuần, tái khám sau xuất viện 1, 3, 6, 12 tháng, theo dõi và điều trị tình trạng nhiễm trùng đường mật, đồng thời tái khám mỗi năm một lần đến khi các cháu 15 tuổi. Ngoài ra, trẻ cần được xổ giun định kỳ 6 tháng/lần. Các điều dưỡng sẽ hướng dẫn chăm sóc tại nhà (chế độ ăn, tạo thói quen giờ giấc ăn), phù hợp vớí bài tiết của mật. Bệnh lý nang ống mật chủ lúc đầu thường có biểu hiện không đặc hiệu. Gia đình cần cảnh giác khi trẻ xuất hiện các cơn đau bụng, nôn, một số ít trường hợp có thể đi kèm biểu hiện tắc mật (vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu…). Khi thấy trẻ đau bụng bất thường, gia đình nên đưa trẻ đi khám, siêu âm bụng để được điều trị sớm, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết