11/02/2019 - 08:50

Nâng niu từng mầm Xuân cho đời 

Khoa Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ là một trong những nơi đã thực hiện thành công thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) nhiều năm qua, đồng hành cùng hàng trăm ông bố, bà mẹ trên hành trình tìm kiếm những đứa con thân yêu.

Những mầm xuân - niềm hạnh phúc tuyệt vời cho các cặp vợ chồng mong con. Ảnh: QUỲNH ANH

Những mầm xuân - niềm hạnh phúc tuyệt vời cho các cặp vợ chồng mong con. Ảnh: QUỲNH ANH

Buổi sáng đầu năm mới, cả gia đình nhỏ của chị Nguyễn T.M. (40 tuổi) ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ ngồi chờ ở trước phòng khám khoa Hỗ trợ sinh sản. Chốc chốc bé gái 5 tuổi lại rời khỏi tay mẹ chạy khắp nơi. Người chồng liền chạy theo bước con, còn chị M. nhìn theo chồng, con mặt rạng ngời hạnh phúc, đưa tay xoa xoa bụng, nói: “Nhớ lại cách đây 5 năm, gia đình tôi đã vui mừng đón đứa con đầu tiên chào đời tại đây. Đến năm 2017, tôi quay trở lại khoa với mong muốn có thêm đứa con thứ hai. Bây giờ, thai được 36 tuần tuổi rồi. Đứa bé này cũng là nhờ y, bác sĩ ở đây nữa đó”.

Chị M. tâm sự: “Vì hoàn cảnh, vợ chồng tôi cưới nhau được 5 năm rồi mà chưa có con. Lúc đó, tôi cảm thấy mọi thứ như tuột khỏi tay mình. Tôi đã từng nghĩ đến việc vợ chồng tôi không có cơ hội được làm cha mẹ. Khi biết tin ở Cần Thơ có Trung tâm IVF, tôi rất mừng và đã đến khám. Hai lần điều trị với kết quả tốt đẹp, tôi như được ban thêm một cuộc đời mới, hạnh phúc mới, trọn vẹn hơn”.

Nếu với vợ chồng chị M., để có một mụn con đã phải đánh đổi bằng 5 năm chờ đợi, thì với vợ chồng anh Trần L.H. (39 tuổi) và chị Đặng T.T.V. (29 tuổi) ở huyện Thốt Nốt cũng là ngần ấy năm ròng chạy chữa vô sinh hiếm muộn cũng đầy khổ đau và trắc trở. Bởi đã có nhiều lần cả hai khấp khởi mừng thầm nhưng hạnh phúc chưa kịp chạm tay đã vụt tan biến. Hơn ai hết, anh H. hiểu và động viên vợ cùng cố gắng. Chính tình yêu đó khiến chị V. càng thương chồng và khao khát có một đứa con để anh được hạnh phúc vẹn tròn. Có thể nói, nhờ vào sự bền bỉ, yêu thương và tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ khoa Hỗ trợ sinh sản mà vợ chồng chị V. đã hái được “quả ngọt” trong hành trình gian nan mà rất đỗi thiêng liêng ấy. Vào lúc 9 giờ 25 phút, ngày 20-11-2018, bé gái có cân nặng 4.300 gram đã cất tiếng khóc chào đời.

Còn rất nhiều những câu chuyện khác được kể trong hành trình tìm con lắm chông gai của cặp vợ chồng. Và trên chặng đường ấy luôn có sự đồng hành của các thầy thuốc - những người cũng hạnh phúc không kém khi giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn có cơ hội làm cha, làm mẹ.

Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Phan Vinh – Phó Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, BV Phụ sản TP Cần Thơ, chia sẻ: "Điều trị hiếm muộn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, từ tâm sinh lý, tuổi tác, thời điểm đi khám và điều trị của các cặp vợ chồng. Riêng với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm - “niềm hy vọng cuối cùng” với các ông bố, bà mẹ bị hiếm muộn là công việc hết sức quan trọng mà từ kỹ thuật viên đến các bác sĩ phải lưu tâm. Để có mầm sống tốt, không chỉ cần trứng và tinh trùng phải tốt mà kỹ thuật nuôi cấy phôi cũng phải song hành. Môi trường nuôi phôi gần như tối om, ánh sáng chỉ đủ để làm việc, nhiệt độ luôn phải giữ ổn định, rồi độ ẩm, nồng độ oxy,... phải được theo dõi sát sao. Tất cả phải tạo nên môi trường giống như cơ thể người mẹ. Tính toán kỹ lưỡng, thận trọng là vậy, nhưng không phải kết quả nào cũng được như mong muốn. Vì vậy, các y bác sĩ luôn tự nhắc rằng khi còn có hy vọng, dù là rất nhỏ, nếu gia đình đồng thuận, chúng tôi vẫn sẽ ở bên đồng hành, gắn kết cho đến ngày “khai hoa nở nhụy”...”.

Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Phan Vinh cho biết, trong năm 2018, Khoa Hỗ trợ sinh sản của BV Phụ sản TP Cần Thơ đã giúp cho 43 cặp vợ chồng hiếm muộn mang thai bằng phương pháp TTTON, nâng tổng số bà mẹ mang thai nhờ TTTON lên 179 trường hợp. Kết quả đáng quý này là do khoa hội tụ đủ các yếu tố quan trọng về chất lượng của nhân lực, hệ thống trang thiết bị hiện đại, có khả năng thực hiện các kỹ thuật cao, kể cả những kỹ thuật khó mà trước đây bệnh nhân phải khăn gói lên tận thành phố Hồ Chí Minh thì trong tương lai có thể thực hiện ngay tại BV như sàng lọc di truyền, tiền làm tổ cho phôi, kỹ thuật trưởng thành trứng non, chọc hút tinh trùng từ mào tinh,...

Bác sĩ Nguyễn Hữu Dự - Giám đốc BV Phụ sản TP Cần Thơ, chia sẻ: Khoa Hỗ trợ sinh sản là khoa mũi nhọn thực hiện nhiều kỹ thuật do BV tuyến trung ương triển khai và được đầu tư cơ sở vật chất, trang bị nhiều thiết bị hiện đại. Đây là đơn vị triển khai TTTON đầu tiên của khu vực ĐBSCL, được Đoàn thẩm định Bộ Y tế đánh giá đủ điều kiện về cơ sở, trang thiết bị và trình độ chuyên môn kỹ thuật, tạo tiền đề cho việc triển khai mang thai hộ sắp tới ở Cần Thơ và khu vực ĐBSCL”.

QUỲNH ANH 

Chia sẻ bài viết