Cảnh quan văn hóa không chỉ là diện mạo mà còn là nội hàm trong xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới. Thời gian qua, TP Cần Thơ và các quận, huyện rất quan tâm đến việc nâng chất cảnh quan văn hóa, kiến tạo nét đẹp từ đô thị đến nông thôn, hướng đến thành phố đô thị miền sông nước thân thiện, đáng sống.
“Đường cờ Tổ quốc” từ xã Trường Xuân A đến xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai.
Cuối tháng 5 vừa qua, “Ðường cờ Tổ quốc” với chiều dài 5,2km, từ đầu xã Trường Xuân B đến hết xã Trường Xuân A, huyện Thới Lai, được khánh thành đã làm nức lòng người dân địa phương. 5.000 lá cờ Tổ quốc tung bay dọc tuyến đường chính của 2 xã nông thôn mới nâng cao, xen với hàng hoa phượng rực rỡ mùa hè làm bừng tươi sức sống ở địa phương.
Chương trình “Tự hào cờ Tổ quốc” do Báo Người Lao động thực hiện, riêng tại TP Cần Thơ, chương trình đã trao 20.300 lá cờ. Trước đó, “Ðường cờ Tổ quốc” ở đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn thuộc địa bàn huyện Phong Ðiền) và ở đường nối từ cầu Vàm Xáng đến quốc lộ 61C, được khánh thành không chỉ tạo thêm nét đẹp cho địa phương mà còn dâng cao niềm tự hào Tổ quốc qua hình ảnh Quốc kỳ tung bay trên quê hương.
Như lời chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, trong ngày “Ðường cờ Tổ quốc” được khánh thành, rằng: Ðây là công trình có ý nghĩa đối với huyện cũng như hai xã Trường Xuân A và Trường Xuân B. “Ðường cờ Tổ quốc” không chỉ tạo cảnh quan sạch, đẹp cho địa phương mà còn giáo dục lòng yêu nước trong nhân dân. Từ đó, mọi người có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và đổi mới.
Câu chuyện về “Ðường cờ Tổ quốc” là điển hình cho thấy việc nâng chất cảnh quan văn hóa ở TP Cần Thơ thời gian gần đây được quan tâm đầu tư, dù thành phố đang trong quá trình đô thị hóa rất nhanh. Những bờ kè dọc các kinh, rạch ngày càng khang trang, nước đen ô nhiễm cũng dần trở nên xanh trong hơn. Bờ kè sông Cần Thơ, rạch Cái Sơn, sông Ô Môn, sông Thốt Nốt hay hồ Búng Xáng… minh chứng cho sự đổi thay ấy, góp phần làm mới bộ mặt đô thị của thành phố.
Cùng với đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, việc nâng cao ý thức của người dân trong đồng hành chỉnh trang diện mạo đô thị cũng được quan tâm, phong trào xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị đi vào chiều sâu. Ðơn cử là các phong trào như “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, “Nói không với rác thải nhựa”, “5 không, 3 sạch”; hay các mô hình “Phường sạch rác”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp”…
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, đến nay, toàn thành phố có tất cả 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tất cả 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tất cả 47 phường, thị trấn đều đạt danh hiệu Văn minh đô thị và hiện có 31/47 đơn vị đăng ký xây dựng Ðô thị văn minh. Việc giữ vững và nâng chất các danh hiệu văn hóa luôn được địa phương quan tâm, trong đó, nâng chất cảnh quan văn hóa được xem như “làm cho chiếc áo luôn mới”, “sửa sang mặt tiền”, “trang điểm” cho diện mạo địa phương.
Bà Nguyễn Thùy Linh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Thốt Nốt, cho biết: Quận Thốt Nốt đang tập trung đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông nhằm kết hợp phát triển du lịch, nhất là ở cù lao Tân Lộc. UBND quận đã phối hợp sở, ngành thành phố và nhà đầu tư tiến hành khảo sát, lựa chọn bãi đỗ xe tập trung và định hướng phương tiện vận tải công cộng, cũng như xây dựng, sửa chữa lộ giao thông nông thôn các tuyến trọng điểm. Quận đã nâng cấp, mở rộng trục đường chính của phường Tân Lộc từ khu vực Long Châu đến khu vực Tân Mỹ 2.
Trục chính phường Tân Lộc đoạn từ bến phà Thốt Nốt đến trung tâm phường cũng đã hoàn chỉnh với quy mô đường cấp V đồng bằng, chiều dài 6.400 mét. Các đoạn đường khác trên cù lao như đoạn nối từ trung tâm phường đến khu vực Tân Mỹ 2, đoạn từ bến đò Tắc Cây Bàng đến cầu Chùa và một số hạng mục phụ trợ như chiếu sáng, biển báo an toàn giao thông… cũng được thi công, với tổng vốn đầu tư hơn 91,2 tỉ đồng. Sau khi các công trình này hoàn thành, diện mạo quận Thốt Nốt nói chung, cù lao Tân Lộc nói riêng, sẽ rất khởi sắc, kích thích du lịch địa phương phát triển.
Còn ở quận Ninh Kiều, bên cạnh nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng cơ bản, địa phương rất chú trọng vấn đề chỉnh trang cảnh quan đô thị, nhất là việc quản lý quảng cáo, rao vặt. Ngoài tuyên truyền bằng nhiều hình thức, quận còn kết hợp triển khai 960 đợt ra quân xử lý với sự tham gia của gần 7.200 lượt đoàn viên, thanh niên và người dân. Qua đó đã tháo gỡ 9.100 tờ quảng cáo dán cột điện, cây xanh, nơi công cộng cùng hàng trăm băng rôn, pa-nô, biển hiệu sai quy định.
Trong đợt Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố phối hợp cùng địa phương kiểm tra trên địa bàn quận Ninh Kiều, nhiều hộ kinh doanh bày tỏ đồng tình khi cho rằng việc quảng cáo đi vào nền nếp sẽ giúp diện mạo đô thị khang trang hơn.
Ông Huỳnh Trí Thưởng, người dân quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Nhiều người đã từng là nạn nhân của các hình thức quảng cáo, rao vặt sai quy định, chúng được dán khắp cổng rào, vách tường, cây xanh… nên việc quận ra quân chấn chỉnh, chúng tôi rất đồng tình”.
Ông Lê Minh Phụng, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phong Ðiền, cho biết: Hiện nay, toàn huyện có tất cả 6 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thị trấn Phong Ðiền đạt chuẩn Văn minh đô thị.
Bên cạnh củng cố và nâng chất các danh hiệu văn hóa, huyện chú trọng hoàn thiện các tiêu chí để thị trấn Phong Ðiền đạt chuẩn Ðô thị văn minh, đồng thời huyện Phong Ðiền cũng hướng tới đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Ðể đạt được những mục tiêu này, việc chỉnh trang diện mạo địa phương theo hướng xanh, sạch, đẹp, an toàn, mang đậm đặc trưng sinh thái miệt vườn, được địa phương thực hiện bằng nhiều mô hình, cách làm hiệu quả.
* * *
Xây dựng, nâng chất cảnh quan văn hóa, chỉnh trang diện mạo thành phố được xem là công việc có khởi đầu nhưng không có điểm dừng, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, với sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Ðược như vậy, TP Cần Thơ sẽ trở nên sạch đẹp, văn minh và đáng sống hơn.
Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH