24/06/2023 - 11:26

Nâng cấp ứng dụng phục vụ người dân 

HOÀNG YẾN     

 

TP Cần Thơ không ngừng nâng cấp, cải tiến, phát triển và thực hiện hợp nhất Cổng Dịch vụ công (DVC) TP Cần Thơ với Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Thành phố cũng đã triển khai thí điểm Trung tâm điều hành thông minh TP Cần Thơ, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, số hóa các thủ tục, từng bước thay đổi nhận thức để người dân hình thành thói quen sử dụng các nền tảng số.

Đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh huyện Phong Điền. Ảnh: CTV 

 

Theo UBND thành phố, Cổng DVC TP Cần Thơ và Hệ thống thông tin một cửa điện tử được nâng cấp, hợp nhất thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC (tại địa chỉ dichvucong.cantho.gov.vn), đồng bộ cho tất cả các cơ quan quản lý hành chính nhà nước từ thành phố đến cấp huyện, cấp xã theo Nghị định số 107/2021/NÐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Hệ thống thông tin này đã nâng cấp các chức năng hỗ trợ người dân như: tích hợp dịch vụ bưu chính công ích, tích hợp thanh toán trực tuyến, hỗ trợ người dân điền biểu mẫu, tờ khai điện tử bằng công nghệ e-from, hỗ trợ chữ ký số cá nhân, doanh nghiệp, tạo thuận tiện hơn trong quá trình nộp hồ sơ.

Năm 2023, tất cả DVC trực tuyến của thành phố đủ điều kiện triển khai DVC trực tuyến toàn trình và hơn 1.366 DVC trực tuyến đã được tích hợp với Cổng DVC quốc gia. Tất cả DVC trực tuyến đều có biểu mẫu tự động được điền sẵn thông tin. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng hồ sơ TTHC là 42% và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình là 45%. Cổng thông tin điện tử thành phố (cantho.gov.vn) đáp ứng đầy đủ yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định, đã thực hiện chuyển đổi sang công nghệ Ipv6 để tăng tính bảo mật và hỗ trợ người dùng tốt hơn khi truy cập trên nền tảng di động. Tổng đài Cổng DVC thành phố tại địa chỉ http://1022.cantho.gov.vn có 7 kênh tương tác với người dân và doanh nghiệp. Triển khai ứng dụng số di động Can Tho Smart tích hợp dịch vụ số, được nhiều người dân hưởng ứng.

Ông Hồ Minh Duy ngụ phường Hưng Phú, quận Cái Răng, cho biết: “Tôi đã cài ứng dụng số di động Can Tho Smart vào điện thoại cá nhân. Các thông tin về thành phố, những vấn đề về TTHC, phản ánh kiến nghị, tra cứu giấy phép đều được tính hợp đầy đủ vào 1 ứng dụng điện thoại, rất tiện lợi khi sử dụng”. Ông Nguyễn Thanh Sang ngụ phường Tân An, quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Vừa qua, khi cần trích lục các giấy tờ về nguồn gốc đất đã mua bán qua nhiều năm, nhưng khi đến Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, tôi đã đem không đủ các giấy tờ cần thiết. Tại đây, cán bộ phụ trách hướng dẫn tận tình và cho tôi biết có thể chọn giữa nộp hồ sơ trực tiếp và trực tuyến. Việc nộp hồ sơ trực tuyến không quá khó khăn, chỉ với vài thao tác và tôi không cần đi tới đi lui nhiều lần để thực hiện hồ sơ”. 

Xây dựng, phát triển đô thị thông minh, thành phố đã triển khai thí điểm Trung tâm điều hành thông minh TP Cần Thơ, phục vụ sự chỉ đạo điều hành của UBND thành phố trên 8 lĩnh vực (điều hành chỉ tiêu báo cáo, thống kê kinh tế - xã hội; hiệu quả hoạt động của chính quyền; an ninh trật tự và an toàn giao thông; điều hành du lịch; tương tác phục vụ phản hồi của người dân; thông tin trên môi trường mạng; cảnh báo chất lượng môi trường; an toàn thông tin mạng) theo Quyết định phê duyệt Ðề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030. Ðồng thời triển khai Cổng thông tin Du lịch và ứng dụng di động Du lịch thông minh; chuẩn bị đầu tư xây dựng hệ thống quản lý giao thông thông minh (ITS), dự án Y tế thông minh (triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử).

Một số quận, huyện cũng đã triển khai Trung tâm điều hành thông minh. Huyện Phong Ðiền đã phối hợp với VNPT Cần Thơ xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (Intelligent Operation Center - IOC) của huyện và đã đưa vào vận hành thử nghiệm trong tháng 6-2023, dự kiến sẽ chuyển giao hoàn toàn trong tháng 7-2023. IOC Phong Ðiền đặt tại trụ sở UBND huyện, được xây dựng trên nền tảng triển khai vận hành của thành phố. Ðến nay, Trung tâm này đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và thống nhất xây dựng 9 lĩnh vực: giám sát điều hành kinh tế - xã hội; giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền; giám sát hệ thống tiếp nhận và phân tích ý kiến của người dân; giám sát điều hành an ninh trật tự và an toàn giao thông; giám sát điều hành lĩnh vực y tế; giám sát điều hành lĩnh vực giáo dục; giám sát điều hành lĩnh vực du lịch; giám sát điều hành chiếu sáng thông minh và giám sát điều hành truyền thanh thông minh.

Theo ông Trần Hoàng Lâm, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Phong Ðiền, với việc tích hợp thông tin, số liệu của nhiều lĩnh vực hoạt động được thể hiện trực quan, sinh động, IOC Phong Ðiền được kỳ vọng giúp lãnh đạo huyện có cái nhìn tổng quan, toàn diện về mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội theo thời gian thực hiện. Từ đó, đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành công việc đột xuất cũng như thường ngày xảy ra trên địa bàn. Thời gian trước, ở nhiều lĩnh vực thực hiện công việc báo cáo với lãnh đạo từng vấn đề, nhưng nay khi vận hành IOC, các phòng, ban chuyên môn sẽ cập nhật liên tục hoạt động lĩnh vực phụ trách, lãnh đạo thông qua đó có những chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời. Thông qua hệ thống IOC, sẽ giúp tăng tính tương tác giữa người dân với chính quyền, góp phần tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền.

Chia sẻ bài viết