10/08/2012 - 14:25

Nâng cao thành tích thể thao nhờ công nghệ

Ngoài bộ đồ bơi thủy động lực học và những chiếc xe đạp làm từ sợi carbon siêu nhẹ giúp nó lướt nhanh trên đường đua, Thế vận hội Olympic tiếp tục gây chú ý không chỉ ở các cuộc tranh tài của các vận động viên (VĐV) mà còn ở các thiết bị công nghệ cao hỗ trợ cho họ.

Công nghệ đưa các VĐV tiến tới vinh quang trong tương lai sẽ được cải tiến tốt hơn, giúp họ đạt được thành tích cao nhất – theo Mike Caine, giáo sư ngành công nghệ thể thao và cải tiến thuộc Đại học Loughborough (Anh). Ông cho biết việc đánh giá sức mạnh, hình thái và cơ sinh học của bàn chân VĐV cho phép tạo ra loại đế giày có thể điều chỉnh được, qua đó có thể khắc phục những bất thường về tư thế (đi, đứng, chạy) hoặc các nhược điểm ở phần mô mềm của bàn chân VĐV.

Các đế giày được tạo nên bằng một công nghệ có tên là “in 3D”, được phát minh và cấp bằng sáng chế tại Đại học Loughborough. Giáo sư Caine tin rằng sản phẩm này có thể giúp người dùng đạt được thành tích mới trên đường chạy. Sản phẩm được thiết kế theo đơn đặt hàng của khách sẽ trở thành tiêu chuẩn của các VĐV thể thao hàng đầu và thậm chí được sử dụng rộng rãi trên đường phố. Nghiên cứu trên là một trong nhiều nỗ lực tiên phong của Viện Công nghệ Thể thao thuộc Đại học Loughborough, bộ phận thường hợp tác với các đối tác tư nhân hay chính phủ để tích hợp các công nghệ tiên tiến vào trang thiết bị phục vụ thi đấu và huấn luyện thể thao.

Hiện Giáo sư Canie cùng các cộng sự cũng đang là những người tiên phong nghiên cứu hệ thống giám sát mới dành cho các VĐV bơi lội. Hệ thống này sử dụng con quay hồi chuyển và gia tốc kế gắn trên mình VĐV kết hợp với các camera và thiết bị cảm biến gắn xung quanh hồ bơi để theo dõi vị trí, gia tốc, vận tốc và sức mạnh của VĐV. “Các dữ liệu thu thập được từ những thiết bị hỗ trợ sẽ giải tỏa những hoài nghi (về chất lượng rèn luyện VĐV) của các huấn luyện viên giàu kinh nghiệm. Nếu bạn có thể cung cấp dữ liệu về thời gian và tốc độ có chất lượng, bạn sẽ gia tăng khả năng tiếp thu bài huấn luyện” – Giáo sư Caine khẳng định. Hệ thống giám sát này hoạt động tốt nhất đối với những môn thể thao khác như đua thuyền buồm hay đua xe đạp.

Mặc dù vậy, các nhà tổ chức Olympic đang phải đối mặt với vấn đề khá nhạy cảm khi công nghệ thể thao đang cho thấy sức mạnh quá lớn. Đơn cử là những tranh cãi xung quanh việc VĐV điền kinh người Nam Phi Oscar Pistorius, được mệnh danh là “người đàn ông không chân nhanh nhất thế giới”, đã chuyển từ thi đấu tại Paralympics (dành cho người khuyết tật) sang tranh tài cùng các VĐV bình thường ở Olympic Luân Đôn 2012 đang diễn ra. Để có thể cạnh tranh cùng các VĐV khác, Pistorius đã sử dụng một đôi chân công nghệ đặc biệt. Nhiều ý kiến cho rằng, nhờ vào đôi chân giả làm từ sợi carbon nên Pistorius đã vào đến vòng bán kết Olympic ở nội dung chạy 400m.

“Những VĐV được trang bị tốt sẽ tạo nên những thay đổi đáng kể, phản ánh những tiến bộ của công nghệ trong xã hội rộng lớn. Quan trọng là điều đó phải được thực hiện trong sự phối hợp giữa những nhà sản xuất thiết bị và các VĐV. Theo quan điểm của tôi, điều bạn không muốn thấy là một công nghệ gian lận làm thay đổi bản chất của thể thao, hay nói cách khác là nó khiến thể thao mất đi tính công bằng. Những gì chúng ta mong muốn là nỗ lực của con người, nền tảng quan trọng nhất mà một cuộc tranh tài thể thao luôn hướng đến”- Giáo sư Caine khẳng định.

Dữ liệu từ các thiết bị bé xíu gắn trong bộ đồ bơi của VĐV giúp các huấn luyện viên đánh giá đúng hiệu quả từ những sải bơi của học trò.

Đánh giá sinh trắc học và hình thái học chân của VĐV giúp các nhà khoa học tạo ra loại đế giày khắc phục nhược điểm của bàn chân.

Các nhà khoa học tại Đại học Loughborough đang tạo ra loại giày giúp nâng cao tối đa thành tích của VĐV.

Dù còn nhiều tranh cãi nhưng đôi chân giả bằng sợi carbon của Pistorius cho thấy công nghệ đang song hành cùng các VĐV trong các cuộc tranh tài.

MINH TÂM (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết