21/09/2021 - 21:02

Nâng cao “sức đề kháng” khi tham gia mạng xã hội 

Với ưu thế tốc độ lan truyền thông tin nhanh, diện thông tin rộng, mạng xã hội dần trở thành nhu cầu trong đời sống của con người, nhất là trong những ngày giãn cách xã hội, người dân phải ở nhà, chủ yếu làm việc qua mạng. Lợi dụng tình hình này, nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội để đăng tải, phát tán các bài viết, video clip, hình ảnh đi kèm những bình luận thiếu thiện chí, sai sự thật, thậm chí kích động, gây mất đoàn kết trong bối cảnh cả nước đang gồng mình chống dịch COVID-19.

Trong gần 3 tháng qua, kể từ khi đợt dịch COVID-19 tái bùng phát lần thứ 4, lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Công an thành phố đã phát hiện và xử lý hơn 160 trường hợp lợi dụng mạng xã hội cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức liên quan đến tình hình, diễn biến dịch bệnh cũng như công tác phòng, chống dịch của thành phố. Hệ quả đã làm nhiễu loạn thông tin, gây tâm lý hoang mang trong dư luận, khiến người dân lẫn lộn giữa thông tin đúng và thất thiệt, tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn trong cộng đồng dân cư.

Rất nhiều cá nhân vẫn chưa ý thức được hành vi của mình dẫn đến vi phạm các quy định của pháp luật
đã bị cơ quan chức năng mời lên làm việc.

Mới đây, Công an huyện Cờ Ðỏ đã tống đạt quyết định xử phạt hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với N.T.Q (sinh năm 1996) và quyết định xử phạt hành chính số tiền 7,5 triệu đồng đối với T.V.Y (sinh năm 1971, cùng ngụ xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ) về hành vi lợi dụng mạng xã hội cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. Các đối tượng trên đã đăng tải, chia sẻ những thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch tại địa phương và còn sử dụng những từ ngữ kém văn hóa xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch.

Khi các đối tượng đăng tải, chia sẻ các bài viết, video có nội dung sai sự thật trên mạng xã hội bị cơ quan chức năng mời đến làm việc, lúc đó mới khai nhận vì muốn thể hiện bản thân nên chia sẻ theo phong trào mà không xác thực và không nghĩ tới hậu quả. Một số khác thì cho rằng do lo lắng thái quá, thấy thông tin thì cứ đăng mà không cần biết thông tin đúng hay sai. Bên cạnh đó thì cũng có những trường hợp đăng tải thông tin “giật gân” vì muốn câu view, thu hút lượt like, tăng tương tác cho các tài khoản mua bán hàng online... Một số ít các trường hợp khác do trình độ, nhận thức còn hạn chế, cho rằng mạng xã hội là nơi tự do thể hiện cảm xúc cá nhân, dẫn đến việc có những lời nói, bình luận tiêu cực, vô tình vi phạm các quy định pháp luật.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay thì thông tin sai sự thật càng có tính chất nguy hiểm đối với xã hội. Nghị định số 15/2020/NÐ-CP của Chính phủ quy định các trường hợp có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. Riêng các hành vi lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây hoang mang dư luận ở mức độ nặng còn có thể bị xử lý hình sự.

Nhằm chung tay cùng thành phố ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, mong rằng bản thân mỗi người dân cần hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, nhất là các thông tin được chia sẻ trên các trang mạng xã hội; không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Ðồng thời, thông báo ngay đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng tải, chia sẻ các thông tin bịa đặt, sai sự thật để cùng với các cơ quan thực thi pháp luật kịp thời ngăn chặn các thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội, gây hoang mang lo sợ cho người dân.

Bài, ảnh: Lâm Anh

Chia sẻ bài viết