13/11/2010 - 08:19

KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XII

Nâng cao nhận thức toàn xã hội đối với công tác lưu trữ

* Trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự và dự thảo Luật hợp tác xã (sửa đổi)

Sáng 12-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Lưu trữ.

Đa số ý kiến bày tỏ sự tán thành với việc cần thiết có Luật Lưu trữ. Đại biểu Lê Doãn Hợp (Hưng Yên) nhấn mạnh công tác lưu trữ vô cùng quan trọng, “những gì bình dị hôm nay là vô giá ngày mai” nên cần có tầm nhìn đúng và đào tạo đội ngũ làm công tác lưu trữ cho tốt. Các ý kiến đánh giá việc ban hành Luật Lưu trữ sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh lưu trữ quốc gia hiện hành; điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong hoạt động lưu trữ; bổ sung quy định phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với tập quán và thông lệ quốc tế.

Thảo luận về nội dung lưu trữ điện tử, đa số ý kiến của các đại biểu tán thành với nội dung này vì đánh giá trong điều kiện phát triển khoa học, công nghệ hiện nay, việc bổ sung phương thức quản lý tài liệu lưu trữ điện tử là phù hợp với xu hướng phát triển và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phân tích do tài liệu lưu trữ điện tử có tính chất, đặc điểm khác với tài liệu lưu trữ thông thường, nên trong Luật cũng cần có quy định về chế độ thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, tổ chức, đồng thời vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ nguồn tài liệu.

Xung quanh nội dung về người làm công tác lưu trữ (Điều 42) quy định “Người làm công tác lưu trữ ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội phải bảo đảm các tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch công chức, viên chức lưu trữ; được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ lưu trữ và kiến thức cần thiết khác đối với chức danh và được hưởng chế độ phụ cấp nghề nghiệp theo quy định của pháp luật”, đa số ý kiến đại biểu đều chưa thỏa mãn với quy định này. Các ý kiến cho rằng quy định tại Điều 42 của dự thảo Luật chỉ nêu chung chung về tiêu chuẩn nghiệp vụ và việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ lưu trữ ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, trong khi hoạt động lưu trữ đang được tiến hành cả ở các cơ quan, tổ chức khác, kể cả khu vực ngoài nhà nước. Đây là vấn đề cần được tổng kết, đánh giá và có chính sách phù hợp để nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác lưu trữ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Đại biểu Quốc Khánh đề xuất dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn, nghiệp vụ và chế độ cho người làm công tác lưu trữ.

Một số nội dung khác của dự thảo luật cũng được các đại biểu cho ý kiến đóng góp.

* Chiều 12-11, đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra 2 dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự; Luật hợp tác xã (sửa đổi) .

Tờ trình về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự nêu rõ, những năm qua, Bộ luật tố tụng dân sự đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức và đã góp phần bảo đảm trình tự và thủ tục tố tụng dân sự dân chủ, công khai, đơn giản, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tố tụng dân sự. Bộ luật tố tụng dân sự đã góp phần bảo đảm cho việc giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành cho thấy một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Có những quy định mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác; có quy định chưa phù hợp (hoặc không còn phù hợp), chưa đầy đủ, thiếu rõ ràng và còn có những cách hiểu khác nhau. Trong Bộ luật còn có những quy định chưa đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; chưa đáp ứng được các yêu cầu cam kết quốc tế đa phương và song phương.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự bổ sung và bãi bỏ 61 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 43 điều; bổ sung 12 điều; bãi bỏ 6 điều. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung tập trung vào 7 nhóm vấn đề, gồm: sửa đổi, bổ sung đối với các điều khoản liên quan đến những quy định chung như về những nguyên tắc cơ bản; thẩm quyền của Tòa án; người tham gia tố tụng dân sự và những người tham gia tố tụng khác; chứng minh và chứng cứ; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và thời hạn tố tụng. Sửa đổi, bổ sung về thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm như về vấn đề thụ lý vụ án; hòa giải và chuẩn bị xét xử; phiên tòa sơ thẩm. Sửa đổi, bổ sung về thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm như đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; phiên tòa phúc thẩm; thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm; Sửa đổi, bổ sung về thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật như nội dung văn bản đề nghị giám đốc thẩm; thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; bổ sung về cơ chế xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có sai lầm nghiêm trọng. Sửa đổi, bổ sung thủ tục giải quyết việc dân sự về phạm vi áp dụng; quyết định việc thay đổi người tiến hành tố tụng khi giải quyết việc dân sự; phiên họp giải quyết việc dân sự. Bãi bỏ các quy định về thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án. Sửa đổi, bổ sung đối với các điều khoản liên quan đến kỹ thuật văn bản và thay đổi từ ngữ phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan...

Tờ trình dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi) nêu rõ: Sau 6 năm thực hiện, Luật hợp tác xã năm 2003 đã đạt được một số kết quả, tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức kinh tế tập thể phát triển so với khung pháp luật thời kỳ trước đây. Luật đã góp phần thúc đẩy việc tổ chức lại và khuyến khích thành lập mới hợp tác xã, tiếp tục đơn giản hóa và minh bạch hóa thủ tục thành lập và đăng ký kinh doanh hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Tạo điều kiện cho hợp tác xã được hình thành dựa trên sở hữu của xã viên và sở hữu tập thể, thúc đẩy xã viên hợp tác xã, bao gồm cả thể nhân và pháp nhân, cùng góp vốn, góp sức, cùng có lợi ...

Tuy nhiên, Luật hợp tác xã còn có một số bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác xã một cách vững chắc hơn. Đó là Luật chưa thể hiện rõ bản chất tổ chức hợp tác xã, sự khác biệt về bản chất giữa tổ chức hợp tác xã với doanh nghiệp và với tổ chức xã hội - từ thiện; chưa quan tâm thích đáng nội hàm “hợp tác” của tổ chức hợp tác xã; chưa làm thật rõ lợi ích và vai trò người chủ của xã viên khi tham gia hợp tác xã, mục tiêu của hợp tác xã và mối quan hệ giữa nghĩa vụ, trách nhiệm, lợi ích của xã viên và hợp tác xã. Luật hợp tác xã năm 2003 chưa làm rõ tính chất phục vụ xã viên của tổ chức hợp tác xã; quy định về quản lý nhà nước đối với hợp tác xã còn thiếu, hoặc chưa đủ rõ, cụ thể, hoặc không còn thích hợp, còn hạn chế về chế tài xử lý vi phạm pháp luật; Luật chưa có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã phù hợp với bản chất của hợp tác xã và phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế, do vậy chưa góp phần thúc đẩy phát triển hợp tác xã một cách bền vững.

Dự thảo Luật hợp tác xã (sửa đổi) bao gồm 09 Chương, 85 Điều; giảm 01 chương so với Luật hợp tác xã năm 2003 (bỏ Chương về khen thưởng và xử lý vi phạm); tăng thêm 34 điều so với Luật hợp tác xã năm 2003, chủ yếu làm rõ hơn bản chất, tổ chức quản lý của hợp tác xã; quyền, nghĩa vụ của hợp tác xã, thành viên hợp tác xã; tiếp thu những quy định pháp luật mang tính cơ bản, ổn định lâu dài được quy định tại Nghị định 177/ 2004/NĐ-CP ngày 12-10-2004 và Nghị định 87/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 nhằm bảo đảm tính toàn diện của Luật, đồng thời nhằm hạn chế tối đa việc ban hành văn bản dưới Luật; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động.

QUỲNH HOA - BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết