05/07/2019 - 09:27

Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp 

Theo các nhà tuyển dụng, nhiều bạn trẻ hiện nay chưa chú trọng rèn luyện kỹ năng mềm, trau dồi ngoại ngữ nên gặp trở ngại trong quá trình lập nghiệp, khởi nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu vốn ngày càng khắt khe trên thị trường lao động. Để nâng cao khả năng cạnh tranh cho sinh viên khi tìm việc, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn - Hội TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên.

Các bạn trẻ TP Cần Thơ giao lưu với sinh viên Mỹ, tìm hiểu về dự án Up Green Life của Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Cần Thơ. 

Mất cơ hội...

Trần T. (quê ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) - sinh viên năm cuối ngành Dược, một trường đại học ở Cần Thơ, chia sẻ: “Cuối tháng 6, một hãng hàng không có tuyển tiếp viên hàng không ở Cần Thơ. Đó cũng là ước mơ của em nhưng cuối cùng em đã bỏ lỡ kỳ phỏng vấn vì kỹ năng giao tiếp tiếng Anh của em còn hạn chế, không đủ điều kiện tham dự”. Với vẻ ngoài cao ráo cộng với gương mặt sáng và một số tài lẻ, như: văn nghệ, biểu diễn thời trang và từng đạt giải cao trong hội thi sinh viên thanh lịch của trường, thì chuyện trở thành tiếp viên hàng không là điều không khó. Nhưng ngặt nỗi, gần 5 năm qua, cậu chỉ chú tâm học chuyên môn, việc học ngoại ngữ chỉ để “đối phó” các kỳ thi, đảm bảo đủ điều kiện tốt nghiệp. Chia sẻ về lý do học ngành Dược, T. bộc bạch: “Cha mẹ em làm ngành Y, định hướng em chọn ngành Dược để học. Thời học phổ thông, em cũng không xác định tương lai sẽ làm nghề gì?”. Có thể thấy, vì chưa được định hướng nghề nghiệp rõ ràng, dẫn đến chọn sai ngành học, khiến T. không có động lực để phấn đấu học tập, nhất là ngoại ngữ. Với suy nghĩ như vậy cậu không đủ tự tin tham gia phỏng vấn xin việc ở những công ty lớn.

Một điểm hạn chế của một số bạn trẻ hiện nay là ngại khó trong công việc, ít chịu đi công tác xa, trong khi kinh nghiệm chưa có nhiều và kỹ năng còn hạn chế. Trần Thị Ng. (quê ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Cần Thơ) năm 2017, nhưng vẫn chưa có việc làm như ý muốn. Ng. kể: “Lần đầu, tôi cũng có hơn nửa năm làm nhân viên kinh doanh, nhưng vì phải chạy doanh số, lại phải đi công tác xa nên tôi xin nghỉ việc”. Sau đó, cô tham gia nhiều đợt phỏng vấn xin việc nhưng đều không trúng tuyển bởi cô muốn xin vào vị trí quản lý, trong khi kinh nghiệm thực tế lẫn kỹ năng mềm còn hạn chế.

Cùng với khoảng thời gian trên, một số bạn bè của Ng. đã thăng tiến, được giữ vị trí quản lý bán hàng với thu nhập ổn định. Từ đó, Ng. nhận ra bản thân đã bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp. Hiện, Ng. cùng với bạn bè hùn vốn bán cà phê sạch trên mạng và cô phụ trách quảng cáo và tiếp thị sản phẩm qua mạng xã hội. Dù mới khởi nghiệp hơn nửa năm, nhưng cô tin rằng đây là trải nghiệm bổ ích để rèn luyện kỹ năng, sớm trở thành nhà quản lý chuyên nghiệp, đúng như ước mơ của cô.

Để bạn trẻ thêm “điểm cộng”

Theo anh Phạm Chí Tín, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Vạn Tín Organics (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), qua làm việc với nhiều bạn trẻ, có thể thấy một số sinh viên thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc, chỉ nghĩ đến thu nhập cá nhân mà không quan tâm đến mình làm được gì cho doanh nghiệp để mình đạt được thu nhập xứng đáng. Điểm hạn chế của một số bạn mới đi làm là quá đề cao năng lực bản thân, ít chịu học hỏi người khác và đôi lúc dễ nản lòng khi gặp khó khăn. Theo Tín, các bạn sinh viên mới ra trường hiện nay hầu hết không có kinh nghiệm và kỹ năng. Đối với doanh nghiệp, họ luôn cần nhân sự có hiệu quả làm việc tốt, vì thế, để thích ứng với công việc tương lai, các bạn sinh viên cần trang bị cho mình 3 tinh thần (thái độ) cần thiết, như: Tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; tinh thần sẵn sàng học hỏi; tinh thần tích cực lạc quan khi gặp khó khăn. Hơn nữa, cần chú trọng việc học kỹ năng mềm thông qua việc tham gia hoạt động ngoại khóa, làm việc bán thời gian để có kiến thức thực tế, rèn kỹ năng mềm…

Để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên, các cấp bộ Đoàn - Hội TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên. Nổi bật là các chương trình: “Rèn tác phong kỹ năng công nghiệp”, “Ngày hội việc làm”; giao lưu với doanh nhân; kết nối cho học sinh, sinh viên thực tập ở các doanh nghiệp. Qua đó, giúp các bạn trẻ hiểu rõ nhu cầu lao động của doanh nghiệp, đồng thời định hướng cho bạn trẻ phấn đấu học tập, rèn luyện. Võ Thị Cẩm Ngọc, sinh viên ngành Quản lý công nghiệp, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, chia sẻ: “Em thường tham gia các buổi tọa đàm về khởi nghiệp, ngày hội việc làm do Đoàn trường, Thành đoàn Cần Thơ tổ chức. Qua đó, giúp em hiểu rõ hơn yêu cầu của nhà tuyển dụng, kỹ năng khởi nghiệp cần học ngay từ khi còn là sinh viên, đồng thời nắm bắt thêm thông tin về những thị trường lao động trong và ngoài nước”. Cẩm Ngọc dự định sau khi tốt nghiệp, trước mắt em sẽ xin việc tại một công ty đa quốc gia để thử thách bản thân, đồng thời học hỏi phương pháp làm việc của mô hình công ty đa quốc gia để có thêm trải nghiệm, kỹ năng tự chủ kinh doanh về sau.

Theo các doanh nghiệp, để có thêm “điểm cộng” khi tìm việc, sinh viên khi còn học ở giảng đường, cần xác định được năng lực, sở trường của bản thân. Hãy trả lời những câu hỏi, như: Mình yêu thích làm việc gì? Chuyên ngành mình đang học có thể vận dụng để đầu tư vào lĩnh vực gì? Mình có đủ tự tin để khởi nghiệp từ ngành nghề đang học hay không? Đó là những thắc mắc của sinh viên cần tự tìm câu trả lời để chuẩn bị tâm thế nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng trong quá trình khởi nghiệp.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết