14/09/2017 - 10:15

Nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại tố cáo ở cơ sở 

Qua 2 năm thực hiện, chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ với Thanh tra, Sở Tư pháp, Hội Luật gia và Đoàn Luật sư thành phố về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) ở cơ sở đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, việc phối hợp trong thời gian tới cần chặt chẽ hơn.

    Đoàn giám sát hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở giám sát tại UBND phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều.

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, thời gian qua, các đơn vị đã phối hợp phổ biến và giáo dục pháp luật về KNTC cho gần 500 cán bộ mặt trận quận, huyện. Đồng thời tham gia đoàn giám sát thành phố kiểm tra các đơn vị quận, huyện về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, các đơn vị đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Trợ giúp pháp lý, về KNTC được 1.817 cuộc, thu hút hơn 64.000 lượt người tham dự; cấp phát miễn phí hàng ngàn tờ gấp pháp luật cho người dân tìm hiểu. Đoàn Luật sư thành phố đã tham gia Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật, đóng góp ý kiến đối với các dự thảo văn bản pháp luật cũng như những chính sách của địa phương, thực hiện dân chủ các nội dung phản biện theo yêu cầu của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố.

Ông Lê Nguyễn Sinh Nhật, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ, cho biết: Quá trình giám sát cho thấy việc triển khai thực hiện chương trình phối hợp về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết KNTC ở cơ sở tại một số quận, huyện còn chậm. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức trong việc đầu tư cơ sở vật chất cho trụ sở tiếp công dân và chưa bố trí cán bộ có phẩm chất, trình độ, năng lực tiếp công dân; lãnh đạo một vài địa phương chưa trực tiếp tiếp công dân như quy định. Bên cạnh đó, việc giải quyết đơn thư KNTC của công dân còn chậm, còn một số vụ việc giải quyết chưa thỏa đáng. Mặt khác, một số người dân có đơn KNTC không đúng sự thật, làm mất uy tín cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước nhưng không bị xử lý. 

Để công tác phối hợp giám sát được thực hiện tốt, theo đại diện Thanh tra thành phố, đề nghị nên giám sát ngẫu nhiên, để tạo sự khách quan trong công tác giám sát. Các địa phương cần giám sát đến cùng việc thực hiện các quyết định giải quyết KNTC có hiệu lực pháp luật, không để vụ việc kéo dài. Đối với công tác hòa giải cơ sở, bà Phan Quỳnh Dao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, đề nghị cần tiếp tục nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Các đơn vị phối hợp cần giám sát hiệu lực, hiệu quả, kết quả của công tác giải quyết KNTC trong thực tế cuộc sống, có như vậy kết quả giám sát sẽ hiệu quả hơn.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Minh Trị, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố, cho rằng cần lựa chọn những vụ việc mang tính gút mắc từ hai phía để giám sát, giải thích thêm cho người dân về các quy định pháp luật, giải tỏa nhu cầu bức xúc của người dân. Đối với các vụ tranh chấp liên quan đến đất đai, khi hòa giải ở cơ sở, đại diện mặt trận có tham gia, nhưng biên bản thường hay thiếu chữ ký của đại diện mặt trận làm cho toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc phải hủy. Tuy đó chỉ là hình thức về tố tụng nhưng đóng vai trò quan trọng trong công tác hòa giải.

Thời gian tới, để công tác phối hợp giám sát đạt kết quả cao hơn, ông Lê Nguyễn Sinh Nhật đề nghị các cơ quan phối hợp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; thực hiện nghiêm các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, nắm chắc tình hình KNTC, tham mưu giải quyết dứt điểm các vụ việc thuộc thẩm quyền; triển khai tập huấn cho các quận, huyện và trao đổi kinh nghiệm trong việc mời luật sư tham gia tiếp dân, tư vấn luật pháp cho nhân dân.

P.NGUYỄN

Chia sẻ bài viết