25/05/2019 - 12:32

Nâng cao chất lượng xét xử án dân sự, hành chính 

Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố vừa làm việc với Tòa án nhân dân (TAND) TP Cần Thơ về việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát về công tác giải quyết, xét xử các loại án dân sự, hành chính. Qua đó, đoàn giám sát đã kiến nghị nhiều giải pháp nhằm cải thiện công tác xét xử các loại án dân sự, hành chính trong thời gian tới.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại góp phần giảm lượng án thụ lý của tòa án. Trong ảnh: Một buổi hòa giải tại Trung tâm hòa giải, đối thoại. Ảnh: CTV

► Chất lượng xét xử án dân sự, hành chính chưa đạt yêu cầu

Theo báo cáo của TAND thành phố, công tác xét xử, giải quyết về án dân sự, hành chính của toàn thành phố năm 2018 không đạt chỉ tiêu đề ra; cụ thể, án dân sự chỉ đạt 63,89%, án hành chính đạt 71,29%. Những tháng đầu năm 2019 tỷ lệ giải quyết án cũng còn rất thấp, số vụ án chưa giải quyết còn lớn, có nhiều vụ án kéo dài sắp quá hạn luật định, chưa kể số vụ án quá hạn đã tạm đình chỉ; trong đó, có vụ án tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự xã hội. Bên cạnh đó, chất lượng xét xử các vụ án dân sự, hành chính cũng chưa đảm bảo. Tỷ lệ án bị hủy, sửa năm 2018 do nguyên nhân chủ quan còn cao: TAND Cấp cao sửa 3 bản án hành chính của TAND thành phố; TAND thành phố hủy 10 án dân sự, sửa án 10 vụ dân sự…. 

Ông Thái Quang Hải, Phó Chánh án TAND thành phố, cho biết: Nguyên nhân khách quan của những hạn chế, thiếu sót là do công việc ngày càng nhiều, phức tạp nhưng biên chế bị cắt giảm, cơ cấu vị trí việc làm mất cân đối. Mặt khác, dù tòa án có cố gắng nhưng đương sự trì hoãn, né tránh, không hợp tác thì cũng không giải quyết được. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, nhất là trong việc giải quyết các án hành chính chưa được tốt, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ của Tòa án. Tỷ lệ giải quyết án dân sự, hành chính còn thấp và còn có án bị hủy, sửa cũng một phần do ý thức trách nhiệm, thiếu cẩn trọng của một vài công chức; bên cạnh đó, một số công chức chưa chịu khó, sáng tạo trong công việc. Sự quản lý, điều hành của người đứng đầu một số đơn vị chưa sâu sát, thiếu kiểm tra, đôn đốc và thiếu chủ động trong công tác phối hợp… Ngoài ra, kết quả của việc thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính còn khiêm tốn.

“Án dân sự, hành chính phức tạp, nhiều nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Có khi tòa triệu tập, hết đương sự này vắng mặt đến đương sự khác vắng mặt, nên vụ việc dân sự, hành chính thường kéo dài, gây khó khăn, mất thời gian cho tòa án khi xét xử. Nhiều vụ án dân sự liên quan đến đất đai như: thừa kế, cho ở nhờ, đất không giấy tờ, đất cấp cho hộ, nguồn gốc đất từ nhiều thế hệ… cũng gây khó khăn cho việc xét xử, thu thập chứng cứ”- bà Trần Thị Tám, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Cần Thơ dẫn chứng thêm.

► Ðẩy nhanh tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng xét xử

Trước những khó khăn, hạn chế nêu trên, ông Nguyễn Thanh Thiên, Chánh án TAND TP Cần Thơ, cho biết, TAND thành phố sẽ sắp xếp lại thẩm quyền các Tòa chuyên trách, tổ chức tập huấn các văn bản pháp luật mới. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp để tháo gỡ vướng mắc đối với những vụ án phức tạp, kéo dài còn lại; trong đó, tập trung giải quyết các án hành chính. Ngành tòa án sẽ thực hiện tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các chức danh tư pháp, Hội thẩm nhân dân; khắc phục triệt để những vi phạm về tố tụng, về cách viết bản án. Trung tâm hòa giải, đối thoại tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại vì làm tốt công tác này sẽ giúp giảm lượng án thụ lý của tòa án, nhất là đối với án hành chính và dân sự...

“Việc thực hiện quy chế phối hợp giữa UBND, TAND và Viện kiểm sát nhân dân thời gian qua chưa được sơ, tổng kết nên những khó khăn chưa được tháo gỡ kịp thời, nhiều nguyên nhân hạn chế chưa được xác định rõ. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành và các địa phương đặc biệt là UBND các quận, huyện chưa thật sự tốt, dẫn đến công tác xét xử, giải quyết án còn chậm. Đối với những giải pháp nhằm đẩy nhanh công tác xét xử các vụ án dân sự, hành chính hạn chế án tồn đọng mà ngành đưa ra là cần thiết, nhưng phải chú trọng đảm bảo chất lượng xét xử”, ông Nguyễn Thành Đông, Phó Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, đề xuất.

Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Văn Vinh, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế của HĐND thành phố, đề nghị ngành tòa án cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, lý luận chính trị; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra nội bộ ngành, minh bạch công khai các hoạt động của Tòa án. Đối với một số quy định pháp luật còn vướng mắc, cần có biện pháp khắc phục cụ thể hoặc kiến nghị xem xét. Ngoài ra, TAND 2 cấp cần có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ giải quyết những án tồn động, kéo dài; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ để công tác xét xử được thuận lợi, nhanh chóng; không để xảy ra các vụ án quá thời hạn xét xử do lỗi chủ quan của ngành tòa án…

Hoàng Yến

Chia sẻ bài viết