21/08/2020 - 21:30

Nâng cao chất lượng điều trị hiếm muộn tại Cần Thơ 

Với khoảng 20.000 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) hàng năm, Việt Nam hiện là quốc gia dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á về chu kỳ điều trị. Ở ĐBSCL, lĩnh vực hỗ trợ sinh sản tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng từng bước phát triển, hàng ngàn em bé ra đời từ TTTON trong 10 năm qua đã đem lại niềm hạnh phúc vô bờ cho các cặp vợ chồng mong con.

Lễ ký kết hợp tác giữa BV Quốc tế Phương Châu với IVF Japan mở ra nhiều kỳ vọng cho người dân trong vùng về sự phát triển lĩnh vực hỗ trợ sinh sản.

►Tạo dựng nền tảng

Trong 10 năm qua, Bác sĩ CKI Dư Huỳnh Hồng Ngọc, Trưởng Ðơn vị hỗ trợ sinh sản - IVF Phương Châu, đã không ít lần gặp những cặp vợ chồng “khát con” nhưng điều kiện kinh tế khó khăn, chi phí điều trị hiếm muộn khá cao, từ trăm triệu đồng trở lên và cũng có người cho rằng đó là bệnh tật nên sinh ra nỗi mặc cảm, tự ti... Ðồng cảm với những nỗi khổ ấy, Bác sĩ Hồng Ngọc chia sẻ: “ Bệnh viện (BV) Quốc tế Phương Châu tập trung vừa phát triển kỹ thuật cao, đầu tư trang thiết bị hiện đại như hệ thống theo dõi phôi liên tục (đầu tiên tại ÐBSCL), vừa cải thiện chất lượng dịch vụ, tiết kiệm tối đa chi phí điều trị. Suốt 10 năm qua, BV không ngừng ứng dụng tiến bộ trong nước và thế giới, giúp người dân trong vùng được tiếp cận kỹ thuật cao với chi phí hợp lý. BV xây dựng mô hình khép kín gồm đầy đủ các chuyên khoa, giúp các cặp hiếm muộn đến BV được giải quyết tất cả vấn đề khó khăn”.

Theo Bác sĩ Hồng Ngọc, đến nay, hơn 3.000 bé ra đời tại IVF Phương Châu. Tính chung tỷ lệ thành công của phương pháp TTTON dao động từ 60%-70%. Riêng kỹ thuật chuyển phôi ngày 5, giúp nâng tỷ lệ thành công TTTON ở mức 70%-80%. Sau 6 tháng triển khai kỹ thuật mới này, hơn 200 trường hợp hiếm muộn đã có đứa con của chính mình. Với kỹ thuật bơm tinh trùng, tỷ lệ thành công khoảng 20-30%, tương đương với các nước châu Âu, Úc về tỷ lệ thực hiện biện pháp này trong điều trị hiếm muộn. Bởi lẽ, IVF Phương Châu xác định phác đồ điều trị cho khách hàng mang tính cá thể hóa, lựa chọn những giải pháp phù hợp từ đơn giản đến phức tạp, đạt kết quả cao nhất mà và chi phí hợp lý nhất.

“IVF Phương Châu và phần còn lại”, đó là chiến lược phát triển thương hiệu của BV Quốc tế Phương Châu, lấy hỗ trợ sinh sản là lĩnh vực mũi nhọn phát triển. Những bộ phận khác như nam khoa, nhi khoa góp phần vào quy trình khép kín, nâng cao chất lượng điều trị từ lúc đi khám hiếm muộn đến mang thai và chăm sóc bé tới trưởng thành. Sắp tới, Phương Châu mở rộng quy mô ở các địa phương, tạo điều kiện cho người hiếm muộn trong vùng được điều trị tại chỗ” - Bác sĩ Hồng Ngọc cho biết.

BV Phụ sản TP Cần Thơ vừa kỷ niệm 10 năm thành tựu IVF Cần Thơ. Một thập kỷ qua, sự đồng hành của các cán bộ y tế Khoa Hỗ trợ sinh sản và các cặp vợ chồng hiếm muộn đã cho trái ngọt là có 770 em bé chào đời. Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Phan Vinh, Phụ trách Khoa Hỗ trợ sinh sản chia sẻ, BV chú trọng cả về hiệu quả điều trị và tư vấn, hỗ trợ tâm lý khách hàng, là chìa khóa thu hút khách hàng chọn BV làm địa chỉ điều trị. Ưu thế của các đơn vị hỗ trợ sinh sản tại Cần Thơ so với tuyến trên là lượng bệnh ít hơn nên cán bộ y tế có thời gian theo dõi sát sao, chăm chút cho từng trường hợp. Ðó cũng chính là bí quyết cạnh tranh thương hiệu giữa đơn vị y tế công lập và tư nhân, từ đó, tạo dựng nền tảng cho những mục tiêu xa hơn, về những trung tâm IVF quy mô cấp vùng.

►Trung tâm IVF vùng ĐBSCL chuyên nghiệp, chuyên sâu

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Phan Vinh nhận định, hiện nay, khoảng cách trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản giữa Cần Thơ và tuyến trên đã thu hẹp. Trước đây, khách hàng chủ yếu ở Cần Thơ, nay gia tăng người dân các tỉnh đến Cần Thơ điều trị thay vì lên tuyến trên. Theo Bác sĩ Nguyễn Phan Vinh, đó là nhờ BV tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên, từng bước nâng cao năng lực. Các BV điều trị hiếm muộn ở Cần Thơ luôn xác định lấy bệnh nhân làm trung tâm, đặt ra mục tiêu đạt kết quả điều trị cao, chăm sóc tận tình, giúp khách hàng an tâm, vững tin trong hành trình tìm con. Ngoài ra, các BV cũng rất chú trọng truyền thông, nâng cao hiểu biết cộng đồng về hiếm muộn và các dịch vụ hỗ trợ sinh sản tại Cần Thơ để người dân lựa chọn.

Bác sĩ CKI Dư Huỳnh Hồng Ngọc chia sẻ niềm hạnh phúc với các cặp vợ chồng hiếm muộn tìm được trái ngọt.

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Phan Vinh cho biết BV Phụ sản TP Cần Thơ phấn đấu trở thành Trung tâm IVF của vùng ÐBSCL. Theo đó, trong chiến lược phát triển, BV tập trung nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật cao. Ðến nay, BV đã làm được hầu hết các kỹ thuật cao trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Ngoài ra, IVF của BV cũng đã làm được nhiều kỹ thuật hỗ trợ nâng tỷ lệ thành công của TTTON như kỹ thuật nuôi cấy phôi ngày 5, hỗ trợ phôi thoát màng bằng laser…

“Nếu trước đây, tỷ lệ thành công chỉ dao động từ 20%-30% thì nay nâng tỷ lệ thành công gần 70%. Không dừng lại, Khoa Hỗ trợ sinh sản hướng tới làm chủ những xét nghiệm di truyền tiền làm tổ, trưởng thành trứng non trong ống nghiệm, mang thai hộ. Bên cạnh tiến bộ kỹ thuật, BV chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước. Trong chương trình hợp tác với Tổ chức trao đổi giáo dục y khoa Hoa Kỳ MEET, BV cử người sang nước bạn học tập và mời chuyên gia đến BV cầm tay chỉ việc. Khoa Hỗ trợ sinh sản áp dụng Bộ Tiêu chí VN-ARQA đánh giá chất lượng cho đơn vị hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam”- Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Phan Vinh nói.

IVF Phương Châu cũng đang xây dựng quy trình quản lý chất lượng theo bộ tiêu chuẩn RTAC, do Hiệp hội sinh sản Úc xây dựng, được áp dụng rộng rãi ở các đơn vị hỗ trợ sinh sản các nước trên thế giới. Dự kiến cuối năm nay hoặc trễ là đầu năm 2021, BV sẽ được công nhận. Ở quy mô tổng thể, BV đang xây dựng chuẩn quản lý chất lượng theo Bộ tiêu chuẩn quốc tế JCI. Khi đạt được những chuẩn đó, bạn bè thế giới đến Tây Ðô làm việc, du lịch sẽ lựa chọn BV Quốc tế Phương Châu đầu tiên vì đơn vị đủ tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn để khám chữa bệnh cũng như tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ sinh sản.

Tiền đề cho sự đạt chuẩn này của BV Quốc tế Phương Châu chính là quá trình hợp tác quốc tế được chú trọng thời gian qua. Hiện tại, sự cam kết hợp tác giữa Phương Châu và IVF Japan - Tập đoàn Y tế Kishokai Nhật Bản đã qua chặng đường một năm, với quyết tâm từ cả hai phía trong ứng dụng kỹ thuật cao chuyên sâu cũng như chất lượng dịch vụ hiệu quả nhất cho khách hàng vùng ÐBSCL. Ðịnh kỳ hàng tuần, các chuyên gia Nhật và Phương Châu tổ chức các buổi trao đổi trực tuyến về chuyên môn. Ðịnh kỳ 2 tháng, phía Nhật cử chuyên gia đến Phương Châu hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật; Phương Châu cũng cử người nhiều lần sang Nhật trực tiếp học tập tại các trung tâm có uy tín về hỗ trợ sinh sản.

Bác sĩ Hồng Ngọc chia sẻ, IVF Phương Châu không chỉ cung cấp dịch vụ cho khách hàng, mà còn mong muốn chia sẻ kinh nghiệm cho mạng lưới y tế cơ sở trong vùng. BV Quốc tế Phương Châu đã được Bộ Y tế cấp mã đào tạo về kỹ thuật bơm tinh trùng. Sắp tới, BV sẽ tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, giúp các bác sĩ có nhu cầu ở các tỉnh, thành trong vùng nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị trong lĩnh vực hiếm muộn.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết