09/07/2024 - 23:10

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân ĐBSCL 

Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dân số già hóa, mô hình bệnh tật thay đổi trong khi hệ thống y tế chưa đáp ứng kịp là những thách thức lớn đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe của cộng đồng vùng ĐBSCL. Tại tọa đàm lần thứ 10 của Diễn đàn Phát triển bền vững ĐBSCL, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã thảo luận, đánh giá lại toàn cảnh thực tiễn, đề xuất các giải pháp thích ứng và nâng cao điều kiện chăm sóc sức khỏe người dân ĐBSCL trong tương lai. 

Cung chưa đủ cầu

Với sự quan tâm của Chính phủ và nỗ lực của các địa phương, hệ thống y tế ĐBSCL từng bước được đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trong vùng. Tuy nhiên, hệ thống y tế nói chung và nguồn nhân lực y tế nói riêng của ĐBSCL còn yếu và thiếu hụt rất lớn.

Ban Chỉ đạo diễn đàn và các chuyên gia tham dự tọa đàm.

Theo Niên giám thống kê y tế năm 2020, tỷ lệ tổng số nhân viên y tế cũng như số bác sĩ và điều dưỡng trên 1 vạn dân của ĐBSCL đều thấp hơn so với chỉ tiêu chung của quốc tế và quốc gia. Theo Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn năm 2023-2030 và định hướng đến năm 2050 của Bộ Y tế, mục tiêu đến năm 2030, có 19 bác sĩ/1 vạn dân và 33 điều dưỡng/1 vạn dân; đến năm 2050, con số này là 35 bác sĩ và 90 điều dưỡng. Như vậy, ước tính giai đoạn 2021-2030, ĐBSCL thiếu hụt hơn 29.000 bác sĩ và gần 19.000 điều dưỡng; giai đoạn 2030-2050, toàn vùng thiếu hụt hơn 77.000 bác sĩ và gần 58.000 điều dưỡng.

ĐBSCL có 11 trường đại học đào tạo các ngành khoa học sức khỏe. Trong đó, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ là chiếc nôi lớn, qua 45 năm hình thành và phát triển, đã cung cấp hơn 40.000 nhân lực y tế cho vùng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhân lực y tế của vùng còn thiếu hụt quá lớn. 

Theo TS.BS Phạm Kiều Anh Thơ, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, công tác đào tạo nhân lực y tế cho vùng còn một số hạn chế. Thứ nhất, khi các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, dẫn đến tình trạng dịch chuyển nhân lực từ nơi thu nhập thấp sang nơi thu nhập cao, khiến các cơ sở y tế công mất cân đối và thiếu hụt nhân lực. Khó khăn khác là việc xác định khung trình độ giáo dục quốc gia cho các khối ngành chuyên sâu, đặc thù. Ngoài ra, chưa có văn bản cụ thể quy đổi tương đương giữa nhóm ngành thạc sĩ, chuyên khoa I và nhóm ngành tiến sĩ hay chuyên khoa CKII. Thách thức khác là việc bãi bỏ đào tạo định hướng chuyên khoa gây khó khăn đối với những nhóm ngành hiếm, khó tuyển. Việc giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh liên thông cũng hạn chế nhu cầu nâng cao trình độ. Các nhóm ngành đặc thù chưa có chính sách riêng cho việc tuyển sinh.

Vấn đề thiếu hụt nhân lực cũng như điều kiện y tế chưa đáp ứng nhu cầu cộng đồng không phải là câu chuyện riêng của ĐBSCL. Chuyên gia của một trường đại học ở Singapore cho biết Singapore là quốc gia siêu già, có tuổi thọ dân số cao nhất thế giới. Dự kiến đến năm 2030, 1/4 dân số Singapore từ 65 tuổi trở lên. Ngoài ra, mỗi năm nước này có thêm khoảng 1% dân số bị béo phì, kéo theo nhiều biến chứng. Hiện khoảng 10% dân số Singapore bị bệnh đái tháo đường. Vì vậy, nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng ngày càng tăng. Mỗi năm, “đảo quốc sư tử” đều xây dựng thêm 1 bệnh viện (BV) song vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu cộng đồng. Chi tiêu cho y tế bình quân khoảng 4,5% GDP.

Đồng hành và sáng tạo trong y tế cộng đồng

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực vùng ĐBSCL, Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành nhiều chính sách. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 201/QĐ-TTg ngày 27-2-2024, phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có một số nội dung đặc biệt đối với vùng ĐBSCL. Cụ thể như xây dựng các BV đa khoa, chuyên khoa cấp tỉnh đảm nhận chức năng vùng ở một số địa phương và TP Cần Thơ; xây dựng BV lão khoa tại vùng ĐBSCL và tập trung phát triển các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… 

Trong chiến lược đào tạo để gia tăng nguồn nhân lực y khoa, TS Phạm Kiều Anh Thơ cho biết, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ bám sát các nhóm mục tiêu: đảm bảo tiêu chuẩn đầu vào và đầu ra chất lượng cao; đa dạng hóa loại hình đào tạo, chương trình đào tạo và dịch vụ; nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học, công nghệ số trong vận hành hoạt động của trường; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập... Trường thúc đẩy chiến lược đối ngoại, hợp tác với các viện, trường trong và ngoài nước. 

Tại tọa đàm, các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay để có thể tham chiếu và áp dụng linh hoạt tại ĐBSCL. Theo PGS.TS.BS Phạm Lê An, Trung tâm Bác sĩ Gia đình, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cần lấy chăm sóc sức khỏe cộng đồng là nền tảng để phát triển bền vững ĐBSCL. Theo đó, thực hiện phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, vận dụng hiệu quả mô hình bác sĩ gia đình, ứng dụng nền tảng công nghệ số y tế, phát huy vai trò của hệ thống y tế cơ sở.

“Bác sĩ gia đình với tôn chỉ là chăm sóc, quản lý các vấn đề sức khỏe thường gặp cho cá nhân và gia đình theo vòng đời và theo cá nhân. Ngoài việc chẩn đoán cho toa điều trị như các bác sĩ thì họ còn chăm sóc cả người khỏe. Đó là điểm khác biệt rất lớn, họ được huấn luyện và có hệ thống bệnh án, hệ thống tiếp cận riêng để có thể giải quyết được vấn đề sức khỏe của người dân và của gia đình” - PGS.TS.BS Phạm Lê An cho biết. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây nhiều nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng, chiến lược nổi bật là thích ứng - giảm nhẹ để có giải pháp tổng thể từ chính quyền đến các ngành, các cấp, đơn vị thực thi.

GS.TS Hà Thanh Toàn, Ban Chỉ đạo Diễn đàn Phát triển Bền vững ĐBSCL cho biết, qua tọa đàm, với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục và y khoa, đã cho thấy toàn cảnh về nền tảng chăm sóc sức khỏe ĐBSCL cũng như những giải pháp cần tham khảo để thúc đẩy triển khai trong tương lai. Hệ thống y tế vì mục tiêu sức khỏe toàn dân cần tạo dựng được lòng tin giữa Chính phủ và cộng đồng. Sau hội thảo, Ban Chỉ đạo sẽ tổng hợp thông tin, gửi đến các đơn vị quản lý nhà nước, cơ quan tổ chức để tiếp tục cải thiện các vấn đề về nguồn lực chăm sóc sức khỏe người dân ĐBSCL.

Cần chú trọng vấn đề dinh dưỡng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Bà Jessica Bogard, Chuyên gia dinh dưỡng của Úc, có hơn 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giá trị dinh dưỡng của thực phẩm thủy sản đối với sức khỏe. Kết quả các nghiên cứu cho thấy, thực phẩm thủy sản là nguồn cung cấp dồi dào prôtêin và đa dạng vi chất, có tính khả dụng sinh học cao, cơ thể dễ dàng hấp thụ. Một vấn đề khác là sở thích của người trẻ đối với thức ăn nhanh cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe, cần tìm cách kiểm soát. Bên cạnh đó, phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong việc lựa chọn và giảm nguy cơ thất thoát, lãng phí nguyên liệu chế biến thực phẩm. Vì vậy, các chính phủ cần có chính sách hỗ trợ phụ nữ trong quản lý thực phẩm hiệu quả. 

Giáo sư Ang Hak Seng, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Singapore, chia sẻ tại tọa đàm về kinh nghiệm đồng hành và sáng tạo trong lĩnh vực y tế cộng đồng. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của Chính phủ tác động đến các bữa ăn quyết định chất lượng sức khỏe người dân. Để thay đổi thói quen thích ăn uống ở các trung tâm thương mại của người dân Singapore, Chính phủ và các ngành chức năng đã can thiệp, hướng dẫn các chủ cửa hàng chế biến những loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Thậm chí, họ phối hợp với đội ngũ đầu bếp danh tiếng hỗ trợ các cửa hàng công thức chế biến món ăn phù hợp thị hiếu, khẩu vị của khách hàng, đồng thời, thiết kế các menu món ăn có giá cả phải chăng. Với mô hình này, đến nay, các khu ẩm thực đường phố lành mạnh (Healthy Hawker Centre) đã trở thành địa điểm ẩm thực yêu thích, cung cấp hơn 100 triệu bữa ăn lành mạnh cho người dân Singapore.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết