08/04/2019 - 16:58

Trường Mầm non Trạng Tí

Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ  

Với tấm lòng “Vì đàn em thân yêu”, những năm học qua, hệ thống trường mầm non (MN)chất lượng cao Trạng Tí (Trường MN Trạng Tí) luôn chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ nhằm giúp các em phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần. Ngoài 2 cơ sở ở phường An Khánh, Hưng Lợi, cuối tháng 2-2019, trường đã đưa vào sử dụng cơ sở 3 ở Cồn Khương, phường Cái Khế, với nhiều trang thiết bị, sân chơi rộng rãi, thoáng mát, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ.

Hoạt động ngoài trời tại Trường Mầm non Trạng Tí (cơ sở ở Cồn Khương, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều). 

Vừa học vừa chơi

Cuối tuần, khuôn viên Trường MN Trạng Tí (cơ sở Cồn Khương, đường 21, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) sôi nổi các trò chơi vận động do khu vui chơi tiNiworld Vincom Cần Thơ tổ chức. Các trẻ hào hứng tham gia thử thách hái trái cây vượt chướng ngại vật, nặn đất sét, vẽ mặt cười trên bánh sandwich và cùng nhau nhảy những bài dân vũ khiến không khí thêm phần sôi động. Đây là sân chơi được trường tổ chức định kỳ hằng tháng, qua đó giúp trẻ vui chơi giải trí, phát triển thể chất thông qua những trò chơi vận động, đồng thời phát huy năng khiếu, khơi dậy trí tưởng tượng cho trẻ.

Theo quản lý Trường MN Trạng Tí, bên cạnh hoạt động vui chơi, trường còn đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, từ các phòng chức năng đến xây dựng khuôn viên sân trường rộng rãi nhằm tạo điều kiện cho trẻ vừa chơi vừa học. Điển hình như cơ sở 3 ở Cồn Khương vừa được trường đầu tư khang trang, với tổng diện tích 1.600m2 gồm 5 phòng học, 1 phòng âm nhạc- thể chất, 1 phòng y tế và sân chơi rộng 1.200m2. Sân trường được bố trí nhiều trò chơi, từ cầu trượt, xích đu, nhà banh đến những thảm cỏ xanh tươi, hoa kiểng vừa tạo không gian thoáng mát, vừa giúp trẻ nhận biết các loài thực vật trong thế giới tự nhiên.

Các hoạt động ngoại khóa được trường tổ chức đa dạng, phong phú, phù hợp với lứa tuổi của trẻ, qua đó góp phần giúp trẻ nhận biết cuộc sống xung quanh và hình thành kỹ năng sống. Tiêu biểu như các hoạt động tập làm bánh, cắt xé dán, tập đi siêu thị (tự lựa chọn và mua hàng); hát múa, kể chuyện, thiết kế bộ ảnh truyện tranh. Các em cũng thỏa thích đóng vai làm bác sĩ, nghệ sĩ thông qua chương trình Góc phân vai hoặc tham gia các hoạt động văn nghệ trong các dịp lễ, kỷ niệm, như: Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), Tết Trung thu, sinh nhật Bác (19-5)… Qua đó, góp phần hình thành nhân cách sống tốt đẹp cho trẻ.

Giúp trẻ phát triển toàn diện

Cô Tạ Như Ý Nguyện, cố vấn chuyên môn Trường MN Trạng Tí, chia sẻ: Trường gồm 2 khối nhà trẻ và mẫu giáo, đến nay toàn hệ thống có gần 300 trẻ. Riêng cơ sở 3 ở Cồn Khương vừa được đưa vào sử dụng có hơn chục em và tiếp tục nhận trẻ. Theo cô Nguyện, chương trình giáo dục cho trẻ đảm bảo phát triển hài hòa về các mặt thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm- xã hội và thẩm mỹ. Chế độ sinh hoạt của trường diễn ra từ 6 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút, từ thứ Hai đến thứ Bảy. Hoạt động trong ngày khá đa dạng, bắt đầu từ việc đón trẻ, thể dục sáng, hoạt động học, hoạt động ngoài trời, ăn uống, ngủ nghỉ, đến hoạt động vui chơi giải trí. 

Trường thực hiện chế độ sinh hoạt 1 ngày theo qui định khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quan tâm xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm. Các lớp mẫu giáo đều có xây dựng các góc cho trẻ hoạt động như: Góc phân vai (gia đình, cửa hàng, bác sĩ); Góc xây dựng; Góc học tập (Toán, làm quen chữ cái); Góc thư viện (sách truyện, kể chuyện, đóng kịch); Góc tạo hình, Góc khám phá (thiên nhiên, thí nghiệm). Vấn đề an toàn thực phẩm được nhà trường đặc biệt quan tâm bởi ảnh hưởng đến trực tiếp đến sức khỏe, sự phát triển thể chất của trẻ. Theo quản lý nhà trường, bếp ăn của các cơ sở đạt tiêu chuẩn bếp ăn một chiều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng bữa ăn cho trẻ. Ngoài các bữa ăn chính, trường còn bổ sung dưỡng chất cho trẻ bằng việc cho trẻ ăn thêm yaourt trước giờ vui chơi và uống nước ép trái cây vào lúc xế chiều.

Theo cô Nguyện, thông qua các hoạt động ngoại khóa, trường chú trọng giáo dục trẻ biết vận dụng sự khéo léo của đôi tay vào các hoạt động thường ngày, từ làm bánh, phụ giúp dọn dẹp đồ dùng trong lớp học hoặc có khả năng nhận biết một số thực phẩm có lợi cho sức khỏe; có thói quen và kỹ năng tự lập trong ăn uống, giữ gìn sức khỏe và sự an toàn cho bản thân. Các hoạt động giáo dục kỹ năng, như: hợp tác, quan tâm và giúp đỡ bạn bè, tự tin- tự lực giúp trẻ ngày càng hoàn thiện từ kiến thức đến kỹ năng sống.

Bài, ảnh: Q. THÁI

Chia sẻ bài viết