02/07/2019 - 08:02

Việt Nam và EU ký kết EVFTA và EVIPA

Nắm vững, hiểu rõ để tận dụng tốt cơ hội 

Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Ðầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu được chính thức ký kết vào chiều 30-6. Phát biểu tại Lễ ký kết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định rằng sự kiện này sẽ mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn; đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp của Việt Nam và EU.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA). Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN

► Mở ra nhiều triển vọng

Sáng hôm qua, 1-7, dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngày 30-6, ông đã  từ Osaka bay về Hà Nội để chứng kiến và phát biểu tại Lễ ký kết hiệp định quan trọng giữa Việt Nam và EU - EVFTA và IPA. “Có thể nói, đến Nhật Bản lần này, các bạn là những nhà mở hàng đầu tiên khi 2 hiệp định này vừa ký ngày hôm qua (30 tháng 6- PV)”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA được thực hiện thì xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 so với không có Hiệp định. Về phương diện tăng trưởng kinh tế, EVFTA giữa Việt Nam - EU góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% cho giai đoạn 2019-2023, 4,57-5,3% cho giai đoạn 2024-2028 và 4,7-7,2% cho giai đoạn 2029-2033.

Trước đó, ngày 25-6, trong thông cáo của mình, EU nhận định EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do “tham vọng nhất từ trước tới nay” mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển, trong đó sẽ xóa gần 99% thuế quan giữa EU và Việt Nam. Bà Cecilia Malmstrom- Cao ủy Thương mại của Liên minh châu Âu- cũng khẳng định sự sôi nổi và đầy hứa hẹn của thị trường Việt Nam với hơn 95 triệu khách hàng tiềm năng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng đây là bước tiến mới cho việc gắn kết của châu Âu với khu vực Đông Nam Á. Sau Singapore, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á thứ hai mà EU ký kết thỏa thuận.

Nói về EVIPA vừa được ký kết, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nhận định, đây là Hiệp định bảo hộ đầu tư được xây dựng chi tiết và cân bằng hơn các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương mà Việt Nam đã ký với các quốc gia thành viên EU. Trên cơ sở những điểm tiến bộ đó, EVIPA giúp Việt Nam đạt được cân bằng giữa việc thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, hỗ trợ phát triển bền vững. Nhà đầu tư từ EU cũng sẽ cảm thấy an toàn hơn khi đầu tư vào Việt Nam.

Gạo xuất khẩu của doanh nghiệp TP Cần Thơ được đóng vào container tại Cảng Tân Cảng Cái Cui. Ảnh: Minh Huyền

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định, IPA thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam do mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối. Đồng thời, IPA giúp hỗ trợ sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước  thông qua tác động lan tỏa. EU là khu vực có trình độ công nghệ phát triển cao, FDI gia tăng từ EU có thể đem theo thiết bị công nghệ cao. Dự kiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng không chỉ từ các nước thành viên EU tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam và thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường các nước ASEAN khác mà còn từ các nhà đầu tư các nước khác tìm kiếm cơ hội thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường EU.

► Từ khóa “Lòng tin”

Thị trường châu Âu đòi hỏi cao về chất lượng, các hàng rào kỹ thuật khắt khe, cũng như việc thực thi các điều kiện về tiêu chuẩn, về pháp luật rất cao…- Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã nói như thế tại cuộc họp báo sau Lễ ký kết Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Chính vì vậy, Bộ trưởng Môi trường kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp Romania, Đại diện Hội đồng EU Stefan-Radu Oprea, đã nhấn mạnh đến “Lòng tin” khi chia sẻ về EVFTA. Ông nói: “Hiệp định EVFTA tạo ra cầu nối, những quy định đều mang tính công bằng, minh bạch. “Lòng tin” chính là từ khóa. Các hiệp định sẽ không thể thực thi được nếu không có sự tin tưởng lẫn nhau, kể cả những người tiêu dùng, người lao động… vì chúng ta có những tiêu chuẩn rất cao trong Hiệp định này”.

Theo nhận định của các chuyên gia, ngoài việc được hưởng thụ những lợi ích mà EVFTA mang lại, doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt với những hàng rào kỹ thuật, các tiêu chuẩn thực thi khắt khe cũng như phải đối mặt với những hoạt động tranh chấp về thương mại, đầu tư… Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng, phải đủ năng lực, đủ hiểu biết thì mới tranh thủ được những cơ hội mà EVFTA mang lại. Các doanh nghiệp phải nắm bắt được những quy định và những yêu cầu trong Hiệp định- những quy định phải thực hiện, những yêu cầu có thể tranh thủ. Nếu không nắm chắc được, sẽ không vận dụng được để vừa tranh thủ, vừa bảo vệ mặt hàng của mình.

Chính vì vậy, truyền thông nội dung Hiệp định là vấn đề được quan tâm trước nhất. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận rằng, thời gian vừa qua, thông tin về các Hiệp định thương mại tự do chưa lan tỏa kịp thời đến cộng đồng doanh nghiệp. Để khắc phục tình trạng này, ông Trần Tuấn Anh cho biết,  Bộ Công thương đã có chương trình phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp, người dân để cung cấp thông tin đến nhân dân kịp thời nhất. “Để khai thác được tối đa lợi ích mà Hiệp định này mang lại, các doanh nghiệp của chúng ta, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất… Cần lưu ý là để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

*

*      *

“Hiệp định tạo ra điều kiện thuận lợi hơn, tốt hơn cho các doanh nghiệp, đảm bảo rằng các trở ngại trước đây sẽ được gỡ bỏ, tạo ra môi trường thuận lợi hơn. Nhưng quyết định cuối cùng vẫn là của chính các doanh nghiệp, đưa ra quyết định có đầu tư hay không cũng là các doanh nghiệp”- bà Cacilia Malmstrom, Cao ủy Thương mại của Liên minh châu Âu, nói. Trong bài phát biểu của mình tại Lễ ký kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc ký các Hiệp định EVFTA, EVIPA mới là bước khởi đầu, hai bên cần nỗ lực hợp tác để quá trình triển khai hợp tác thành công. Việc chuẩn bị từ phía Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh, nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, khả năng hấp thụ công nghệ... đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy các cơ hội mà EVFTA và EVIPA mang lại. Theo các chuyên gia, về phía Nhà nước, việc định hình khung pháp lý và chính sách làm sao cho tương ứng với Hiệp định này là rất quan trọng. Tiếp theo là tạo ra được cơ chế xây dựng năng lực cho doanh nghiệp của mình có thể bắt kịp với những yêu cầu của Hiệp định. 

P.V (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết