09/07/2012 - 20:54

Nam Sudan chật vật sau một năm độc lập

 Một người dân Nam Sudan vẽ cờ lên mặt trong ngày độc lập. Ảnh: Guardian.

Những nhân viên vệ sinh hối hả dọn dẹp đường phố. Các lá cờ với 3 màu đỏ, xanh, đen được treo lên khắp các con đường. “Chúng ta đang cùng nhau đi trên mảnh đất của tự do”- một biểu ngữ chào mừng ngày độc lập - với hình ảnh Tổng thống Salva Kiir bước bên cạnh Phó Tổng thống Riek Machar – đã đề như thế. Những cảnh tượng ấy cho thấy không khí mừng độc lập của Nam Sudan.

Nam Sudan đã tách ra khỏi Sudan vào ngày 9-7-2011, sau cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 thập kỷ cướp đi sinh mạng của khoảng 2 triệu người. Với 98% người dân bỏ phiếu thuận trong một cuộc trưng cầu dân ý, ông Salva Kiir thuộc Phong trào Giải phóng Dân tộc Sudan đã lên nắm quyền đất nước. Tuy nhiên, một năm kể từ thời khắc huy hoàng ấy, đất nước non trẻ này bắt đầu ngập chìm trong hàng loạt vấn đề như bạo lực leo thang, khủng hoảng kinh tế, tham nhũng và thiếu thốn cơ sở hạ tầng.

Theo hãng tin Anh Reuters, chính quyền Nam Sudan đang vất vả trong việc xây dựng nhà cửa, trường học, bệnh viện, đường sá... Quốc gia này hiện chỉ có khoảng 1/4 dân số trưởng thành biết đọc biết viết và tuổi thọ bình quân chưa đến 50. Người dân đang khổ sở vì giá cả ngày càng leo thang trong khi thiếu công ăn việc làm. “Chúng tôi đang chật vật với những vấn đề căn bản nhất trong cuộc sống”- một người dân cho biết.

Tình hình kinh tế trở nên tồi tệ khi Juba hồi đầu năm quyết định đóng cửa ngành sản xuất dầu hỏa sau những tranh chấp với Khartoum. Khi tách khỏi Sudan, Nam Sudan đã giành được 3/4 ngành công nghiệp sản xuất dầu hỏa vốn có thể mang về hàng tỉ USD để giúp phát triển đất nước. Theo đó, dầu hỏa sẽ được khai thác tại Nam Sudan nhưng sẽ được vận chuyển thông qua những đường ống và cảng biển tại Sudan. Việc Nam Sudan đóng cửa ngành sản xuất dầu vì những bất đồng trong việc phân chia lợi nhuận với Sudan đã khiến quốc gia này mất đi 98% doanh thu từ nước ngoài. Hậu quả là lạm phát đã tăng đến con số 80%, người dân phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, đồng thời bị đánh thuế thu nhập cao. “Thật khó khăn cho một người có thu nhập trung bình sinh sống tại Thủ đô Juba”- một người dân chia sẻ.

Bên cạnh đó, bạo lực vẫn đang tiếp tục leo thang tại Nam Sudan như hệ quả của chiến tranh và tình trạng vũ khí lan tràn trong dân chúng. Vài tháng trước, lực lượng quân đội đã không thể ngăn được cuộc chiến đẫm máu giữa một vài nhóm dân tộc thiểu số quá khích, khiến 800 người thiệt mạng, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Song song đó, mối quan hệ giữa Nam Sudan và Sudan vẫn chưa được cải thiện mà ngày càng trở nên căng thẳng. Các cuộc tranh chấp vẫn diễn ra thường xuyên tại khu vực biên giới giữa hai nước. Nam Sudan tố cáo Sudan liên tục triển khai những cuộc tấn công bằng bom mìn tại lãnh thổ của Nam Sudan, đồng thời hỗ trợ cho các lực lượng nổi dậy. Báo The Guardian của Anh cho biết hồi tháng 4, Nam Sudan đã tiến vào chiếm đóng khu vực giàu dầu mỏ Heglig – một trong những nguồn thu lớn nhất của Sudan, làm phát sinh một cuộc chiến nghiêm trọng. Hành động này của Nam Sudan đã bị Liên minh châu Phi lên án là “sự chiếm đóng bất hợp pháp” và khiến quốc gia này mất đi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. LHQ cảnh cáo sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với cả Sudan và Nam Sudan nếu hai bên không giải quyết được các vấn đề về biên giới, dầu hỏa cũng như những tranh chấp khác trước tháng 8 này.

TRIẾT VĂN (Theo Reuters, Guardian, Xinhua)

Chia sẻ bài viết