15/04/2020 - 07:17

Nấm rơm dễ trồng, lợi nhuận cao 

Trong những năm qua, nghề trồng nấm rơm phát triển mạnh tại những vùng nông thôn, góp phần tận dụng nguồn phế phẩm rơm rạ. Ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, nông dân rất phấn khởi vì nấm rơm được mùa, được giá. Nông dân Trương Thanh Đông, ngụ tại ấp Thạnh Phú, xã Trung Thạnh, người có kinh nghiệm 15 năm trồng nấm rơm, cho rằng đây là mô hình dễ trồng, mang lại nguồn thu nhập khá.

 Anh Trương Thanh Đông phân loại nấm rơm để kịp giao thương lái.

Tiếp chuyện với chúng tôi, trong lúc gia đình đang tất bật thu hoạch nấm, anh Đông chia sẻ: "Nhà tôi có 2 công đất trồng nấm rơm, nhờ đó mà ăn nên làm ra. Một vụ trồng nấm, tính từ lúc ủ rơm đến lúc thu hoạch tàn, chỉ khoảng 1 tháng 20 ngày. Nấm rơm có thể trồng được quanh năm, bình quân mỗi năm tôi trồng 15 vụ nấm".

Theo anh Đông, kinh nghiệm trồng nấm của anh chủ yếu được tích lũy qua thực tế các vụ trồng. Chia sẻ bí quyết để nấm đạt năng suất cao, anh khẳng định nguồn nguyên liệu rơm rạ chiếm 70% tỷ lệ trúng hay thất. Do đó, anh chỉ chọn mua rơm ở những nơi trồng lúa có uy tín, ít sử dụng phân thuốc. Nấm rơm phù hợp với những nơi trồng ít chịu ảnh hưởng của gió mạnh. Vì thế, ruộng nấm rơm nhà anh Đông được che bạt cẩn thận, giúp nấm sinh trưởng tốt. Anh bộc bạch: "Nấm rơm tuy dễ trồng nhưng cũng rất khó, bởi trồng nấm rơm phụ thuộc vào nhiều yếu tố; trong đó quan trọng nhất là thời tiết. Trong những ngày nắng, phải tưới nước 2-3 lần; trời mưa phải chịu khó xẻ rãnh thoát nước. Ngoài ra, phải chọn meo giống tốt, đạt chất lượng". Đặc biệt, kể từ khi bắt đầu ra nấm, anh Đông không sử dụng bất cứ loại thuốc nào cho đến ngày thu hoạch.

Hiện nay, giá nấm rơm do thương lái thu mua, dao động khoảng 50.000 đồng/ký; có thời điểm đạt đến 70.000-80.000 đồng/ký. Trên 2 công đất, sau khi trừ chi phí, anh Đông thu lời khoảng 15 triệu đồng/vụ, giúp kinh tế ngày càng khấm khá. Không chỉ bán nấm tươi, sau mỗi vụ nấm, anh Đông còn có thêm nguồn thu nhập khác nhờ bán rơm rạ. Anh Đông cho biết, với nguồn rơm sau khi thu hoạch nấm xong, anh có thể bán lại cho lực lượng đi thu mua rơm mục để bán cho các hộ có nhu cầu để trồng hoa kiểng. Sau mỗi vụ trồng nấm rơm, anh bán được 17-18 tấn rơm, với giá 1,5 triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng nấm rơm, ban đầu, chỉ có vài hộ dân xã Trung Thạnh trồng thí điểm, đến nay trên khắp địa bàn có nhiều hộ theo nghề trồng nấm. Theo nhận định của nhiều nông dân, so với việc trồng lúa và các cây hoa màu khác, nấm rơm đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Với lợi thế là loại giống dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng, mô hình trồng nấm rơm đã giúp nông dân nơi đây tự tin làm giàu trên mảnh đất của mình.

Bài, ảnh: Hồng Vân

Chia sẻ bài viết