08/03/2020 - 17:51

Dịch COVID-19

Mỹ xác nhận một ca nhiễm từng tham gia hội nghị có Tổng thống Trump dự 

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ ngày 7-3 xác nhận một người từng tham gia hội nghị các chính khách cấp cao của Mỹ, trong đó có Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence, đã có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Ông Schlapp (phải) bắt tay Tổng thống Trump tại CPAC.

Hội nghị Hành động chính trị bảo thủ (CPAC) là một trong những cuộc gặp thường niên lớn nhất của các chính khách bảo thủ ở Mỹ, thu hút hàng nghìn người tham gia. Ngoài Tổng thống và Phó Tổng thống, sự kiện từ ngày 26-29/2 này còn có một số thành viên nội các và các quan chức cấp cao của Nhà Trắng.

Liên minh Bảo thủ Mỹ (ACU), đơn vị tổ chức CPAC, cho biết: “Một bệnh viện ở New Jersey đã xét nghiệm cho nhân vật trên, và CDC đã xác nhận kết quả dương tính”. Bệnh nhân đang được cách ly và chăm sóc y tế tại New Jersey.

Tuyên bố của ACU nêu rõ: “Nhân vật trên không có tương tác với Tổng thống hay Phó Tổng thống và không tham gia các sự kiện tại sảnh chính”.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn tờ The Washington Post, Chủ tịch ACU Matt Schlapp cho biết ông đã tương tác với người nhiễm bệnh trên tại sự kiện này và đã bắt tay Tổng thống Trump trên sân khấu vào cuối ngày hội nghị.  Phản ứng khi được hỏi liệu có phải virus đang đến gần Nhà Trắng hơn, ông Trump cho biết: “Tôi không hề lo ngại”. Ông cũng nói thêm rằng sẽ tiếp tục các hoạt động tranh cử của mình ngay cả khi virus lan rộng.

Tính tới chiều 8-3, nước Mỹ có tổng cộng 444 trường hợp nhiễm COVID-19 với 19 ca tử vong.

►WHO hối thúc thực hiện  các biện pháp nghiêm ngặt  để hạn chế sự lây lan

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 7-3 cho biết việc áp đặt các biện pháp kiềm chế và kiểm soát nghiêm ngặt có thể giúp giảm đáng kể tốc độ lây lan hoặc ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của dịch COVID-19.

Theo WHO, Trung Quốc và nhiều nước khác đang chứng minh cho cả thế giới về việc có thể hạn chế tốc độ lây lan và những ảnh hưởng do COVID-19 bằng việc thực hiện các biện pháp kiềm chế và kiểm soát nghiêm ngặt như huy động toàn xã hội tìm kiếm những người bị bệnh và đưa họ đi chữa trị, theo dõi các cuộc tiếp xúc, chuẩn bị các bệnh viện và các phòng khám chữa bệnh, đào tạo đội ngũ y tế để ứng phó trong trường hợp số bệnh nhân gia tăng. Việc kiềm chế và làm chậm tốc độ lây lan sẽ giúp có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho việc ứng phó với dịch bệnh hay tìm ra những phương pháp điều trị.

Để đối phó với COVID-19, WHO khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các nước, các đối tác và các chuyên gia y tế để phối hợp các hoạt động, đưa ra những khuyến nghị, phân phối các nguồn cung ứng, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin cho công chúng để họ có thể tự bảo vệ mình cũng như thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh khác.

►Thái Lan “cách ly” tiền giấy cũ

Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) đã đưa thêm 500 tỉ baht (15,91 tỉ USD) tiền mới vào lưu thông nhằm nâng cao tỷ lệ tiền giấy sạch không có SARS-CoV-2 tồn tại trên bề mặt. Ngoài ra, BoT cũng đang thu hồi và cách ly tiền giấy trong vòng 14 ngày trước khi đưa trở lại lưu thông.

Truyền thông sở tại dẫn lời Somboon Chitphentom, Trợ lý Thống đốc BoT phụ trách nhóm quản lý tiền giấy, cho biết những đồng tiền giấy mới này chưa bao giờ được lưu thông và đảm bảo vệ sinh.

Tại Thái Lan cho tới nay đã ghi nhận 50 ca nhiễm SARS-CoV-2. Ngoài 1 trường hợp tử vong, đã có 31 bệnh nhân khác được xuất viện. 

Tính đến chiều 8-3, trên toàn thế giới ghi nhận 106.464 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 3.600 trường hợp tử vong. Trung Quốc đại lục có số ca nhiễm là 80.696 và ca tử vong là 3.097. Kế đến là Hàn Quốc (7.313 và 50), Ý (5.883 và 233), Iran (5.823 và 145), Pháp (949 và 16) 

Bích Liên-Ngọc Quang

Chia sẻ bài viết