06/05/2011 - 13:57

Mỹ và châu Âu "hết hợp rồi tan" vì bin Laden

Người Mỹ vui mừng tại khu vực tòa nhà WTC sụp đổ khi hay tin bin Laden đã chết. Ảnh: AP

Khi các thuộc hạ của trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden cướp máy bay và cho đâm thẳng vào tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York 10 năm trước làm hơn 3.000 người thiệt mạng, một “làn sóng” cảm thông với Mỹ đã dâng trào khắp châu Âu. Khi đó, báo Le Monde của Pháp chẳng chút do dự chạy dòng tít lớn “Hiện tất cả chúng ta là người Mỹ”.

Nhưng cảm giác ấy kéo dài không lâu. Một thập niên với các cuộc chiến chống khủng bố diễn ra sau đó đã làm căng thẳng quan hệ giữa các đồng minh một thời. Hẳn sẽ rất ít người Pháp có thể quên được việc người Mỹ dùng cụm từ “cheese-eating surrender monkeys” (tạm dịch: những chú khỉ đầu hàng ăn phó mát) để miệt thị họ, phổ biến nhất là khi Paris phản đối việc Washington tấn công Iraq năm 2003.

Và hiện nay, cái chết của bin Laden không “tấc sắt trong tay” dưới nòng súng của quân đội Mỹ cũng tạo ra làn sóng mới về những cảm xúc khác biệt giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Nhiều người Mỹ hân hoan đổ về Quảng trường Thời Đại ở New York hô to: “Nước Mỹ, nước Mỹ”, và loan truyền trên mạng Internet những câu đại loại như: “Chúng ta đã diệt được hắn” hay “Này bin Laden, hãy bảo với Hitler rằng chúng tôi xin chào”.

Cũng là mục tiêu tấn công của mạng lưới khủng bố Al Qaeda, nhưng dân châu Âu tỏ ra kiềm chế hơn trước sự kiện này. Thậm chí không ít người bắt đầu đặt vấn đề về tính pháp lý và đạo đức của chiến dịch tiêu diệt bin Laden, cũng như lo lắng về các cuộc tấn công trả thù.

Thái độ đó dĩ nhiên xúc phạm không ít người Mỹ. Khi cho đăng một mẫu tin về sự băn khoăn của châu Âu trước cái mà một cựu Thủ tướng Đức gọi là vi phạm luật pháp quốc tế, chủ biên báo Metro ở Mỹ Tony Metcalfe (người Anh) thừa nhận: “Chúng tôi biết sẽ gây ra phản ứng”. Viết trên blog của mình hôm 4-5, Metcalfe cho biết: “Việc phản đối Mỹ ăn mừng từ Pháp, Đức, Tây Ban Nha và nhiều vùng của Anh không có gì bất ngờ, nó phù hợp với cái nhìn của nhiều người Mỹ về châu Âu như những “chú khỉ đầu hàng”. Những phản hồi của độc giả Mỹ trên báo mạng Metro nhìn chung chỉ trích dân cựu lục địa là “những kẻ kiêu ngạo, vô tư lự và vô ơn”.

Cũng không thiếu những đánh giá ở châu Âu có thể gây tranh cãi trên truyền thông Mỹ. Nhắc lại các vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ và vụ đánh bom ngày 7-7-2005 ở Luân Đôn (làm 52 người chết và hàng trăm người bị thương), tờ The Sun bán chạy nhất nước xứ sương mù giật tít: “Bin Laden không có vũ khí – cũng giống như các nạn nhân của y trong vụ 11-9 và 7-7”.

N. MINH (Theo Reuters, Guardian)

Bất chấp một số người, kể cả trong nội các, cho rằng cần công bố những tấm hình về thi thể của Osama bin Laden để chứng thực thủ lĩnh Al Qaeda đã chết, Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định ngăn cản việc này. Ông cho rằng không thể để những tấm hình về một người bị bắn vào đầu trở thành động cơ gây thêm bạo lực, và ngay cả khi công bố những tấm hình đó, thì cũng không chắc mọi người đều tin. “Sự thật của vấn đề là người ta sẽ không thấy bin Laden đi lại trên trái đất này nữa”, ông Obama nói.


Chia sẻ bài viết