21/06/2020 - 06:24

Mỹ-Trung xung đột, EU khó xử 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 19-6 cáo buộc Trung Quốc tiến hành các chiến dịch bóp méo thông tin để chia rẽ Mỹ và châu Âu.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo (phải) và người đồng cấp EU Borrell.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến Thượng đỉnh Dân chủ Copenhagen 2020, Mike Pompeo cho rằng Bắc Kinh đang ra sức khuếch trương ảnh hưởng trên khắp thế giới thông qua các sáng kiến kinh tế và chiến dịch bóp méo thông tin nhằm buộc châu Âu phải chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, mà theo ông thực ra là chọn giữa tự do và bạo ngược. Vì vậy, Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo cựu lục địa đang từ bỏ dân chủ nếu kết thân với Trung Quốc. Nhân dịp này, ông cũng nhắc lại lời kêu gọi châu Âu không hợp tác với Tập đoàn viễn thông Huawei, đồng thời cáo buộc Trung Quốc “trắng trợn tấn công chủ quyền” qua việc đầu tư vào các cảng ở Hy Lạp và Tây Ban Nha. Cuối cùng, ông kết luận: “Mọi khoản đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc nên được xem xét với sự nghi ngờ”.

Những chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào Bắc Kinh được Mike Pompeo đưa ra 2 ngày sau cuộc gặp giữa ông với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì nhằm tháo gỡ căng thẳng trong quan hệ song phương, trong đó có vấn đề thương mại, đại dịch COVID-19, Biển Đông, Đài Loan, Hong Kong... Theo lời Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương David Stilwell thì Bắc Kinh không thẳng thắn trong đối thoại, và kết quả cuộc gặp sẽ được đo lường bằng việc “các hành vi hung hăng có giảm xuống hay không” trong vài tuần tới.

Trong khi đó, những cảnh báo đối với châu Âu được ông Pompeo đưa ra 5 ngày sau khi Cao ủy phụ trách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell tuyên bố khối này không đứng về bên nào trong cuộc xung đột Mỹ-Trung, đồng thời bác bỏ khả năng bắt tay với Washington thành lập một liên minh xuyên Đại Tây Dương để chống Bắc Kinh. Ông cũng cho biết sẽ không tiếp tục xem Trung Quốc là “đối thủ mang tính hệ thống” như xác định của lãnh đạo EU nhiệm kỳ trước. Josep Borrell thừa nhận áp lực chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng lớn, nhưng châu Âu sẽ đi con đường riêng của mình, đó là hợp tác với cả Mỹ lẫn Trung Quốc trong những lĩnh vực cùng quan tâm.

Mỹ lâu nay được xem là nhà bảo trợ an ninh, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của EU. Còn Trung Quốc đã vươn lên trở thành bạn hàng lớn thứ hai của EU và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của khối này. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư lớn tại EU, đổ vào đây hơn 180 tỉ USD trong 2 thập niên qua. Rõ ràng, đối với EU, cả Mỹ và Trung Quốc đều quan trọng.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa EU xem Trung Quốc ngang hàng với đồng minh lâu năm là Mỹ. Bằng chứng là chỉ vài ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU (ngày 22-6), Brussels đã công bố các đề xuất nhằm ngăn chặn nhà đầu tư nước ngoài được chính phủ “chống lưng” để thâu tóm những tài sản quan trọng ở châu Âu. Động thái này thực chất nhắm vào các doanh nghiệp Trung Quốc, và là điều mà Mỹ đã làm cũng như khuyến khích các đồng minh cùng làm.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết