TRÍ VĂN
Trong khi Mỹ và đồng minh đổ lượng tiền lớn để trang bị vũ khí cho Ukraine thì nhiều quốc gia trước đây có mức chi tiêu quốc phòng thấp như Nhật Bản và Ðức đang xem xét gia tăng ngân sách quốc phòng, tăng cường mua sắm trang thiết bị và vũ khí, từ đó giúp các nhà sản xuất vũ khí Mỹ và Trung Quốc mở rộng thị trường.
.png)
Lô vũ khí được Mỹ đưa sang Ukraine. Ảnh: CNBC
Lâu nay, vũ khí Nga được cho là “rẻ hơn và dễ bảo trì hơn” so với các loại vũ khí của phương Tây. Ðây là lý do vì sao Nga chiếm 19% thị phần vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2017-2021, chỉ đứng sau Mỹ, quốc gia chiếm 39% tổng lượng vũ khí xuất khẩu. Nga bán khoảng 90% vũ khí chỉ cho 10 nước, trong đó có Ấn Ðộ, Ai Cập và Trung Quốc. Thế nhưng, ngành công nghiệp quốc phòng xứ bạch dương hiện đang chịu nhiều ảnh hưởng từ “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Mỹ ước tính, Nga cho đến nay đã tổn hại gần 1.000 xe tăng, ít nhất 50 máy bay trực thăng, 36 máy bay ném bom và 350 khẩu pháo.
Không những vậy, các loại vũ khí tấn công của Nga cũng mang lại kết quả đáng thất vọng. Theo tờ Asia Times, tỷ lệ hỏng hóc tên lửa của Mát-xcơ-va, gồm không phóng được, trục trặc trong quá trình bắn hoặc bắn trượt mục tiêu, có thể lên tới 50-60% do lỗi thiết kế hoặc phụ tùng lạc hậu, kém chất lượng. Chính những vấn đề này cùng với việc quân đội Nga chậm tiến độ trong việc đạt được bất kỳ mục tiêu nào mà Tổng thống Vladimir Putin đưa ra làm dấy lên những nghi ngờ trong các khách hàng nhập khẩu vũ khí truyền thống của nước này.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc được cho hưởng lợi nhiều nhất. Trong những năm gần đây, nước này chiếm 4,6% thị phần vũ khí toàn cầu, đứng thứ 4 sau Mỹ, Nga, Pháp với 11%. Ðồng thời, Trung Quốc cũng là quốc gia có 7 trong số 20 công ty quốc phòng đứng đầu thế giới về doanh thu bán vũ khí. Hiện các nhà sản xuất vũ khí của Trung Quốc đang cung cấp phần lớn vũ khí cho thị trường nội địa nhưng cũng có khả năng xuất khẩu nhiều trang thiết bị quốc phòng ra nước ngoài.
Asia Times cho biết, hiện chỉ có 3 trong số 40 nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới là Pakistan, Bangladesh và Myanmar mua lượng lớn vũ khí từ Trung Quốc. Song, điều này có thể thay đổi nếu Bắc Kinh tận dụng điểm yếu của Nga để tự khẳng định mình là đối tác an ninh quốc gia, kinh tế và chính trị đáng tin cậy, có thể lấp đầy những thị trường ngách mà các nhà sản xuất vũ khí của Nga thống trị. Thế nhưng, một trong những thách thức lớn nhất đối với Bắc Kinh là họ phải chứng minh được vũ khí của họ hoạt động tốt trong các tình huống chiến đấu trực tiếp.
Không riêng Trung Quốc, Mỹ cũng được cho đang hưởng lợi. Các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ đang thống trị ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu và cuộc chiến tại Ukraine dường như không làm thay đổi thực tế này. Hiện 5 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới đều thuộc về Mỹ, gồm Lockheed Martin, Raytheon, Boeing, Northrop Grumman và General Dynamics. Ðáng chú ý, một nửa trong số 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới có trụ sở tại Mỹ, 20 ở châu Âu và chỉ có 2 công ty tại Nga dù quốc gia này là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 2 thế giới.
Giới phân tích cho rằng việc Mỹ quyết định tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ khiến các nhà sản xuất vũ khí xứ cờ hoa bận rộn trong thời gian tới. Chẳng hạn, việc Mỹ cung cấp khoảng 1/3 kho tên lửa chống tăng Javenlin cho Ukraine sẽ khiến liên doanh Raytheon - Lockheed Martin mất từ 3-4 năm để sản xuất các tên lửa thay thế. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, giá cổ phiếu của Lockheed Martin tăng hơn 12%. Cổ phiếu của Northrop Grumman cũng tăng 20% trong khi thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm khoảng 4%.
Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí cũng tìm cách “tự cung tự cấp”. Ấn Ðộ, quốc gia trong những năm gần đây nhập khẩu gần một nửa lượng vũ khí từ Nga, đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của riêng mình. Hồi tháng 4 vừa qua, Ấn Ðộ tuyên bố sẽ tăng cường sản xuất máy bay trực thăng, động cơ xe tăng, tên lửa và hệ thống cảnh báo sớm trên không để bù đắp cho sự sụt giảm lượng vũ khí nhập khẩu từ Nga. Hồi tháng 5, New Delhi đã hủy hợp đồng mua trực thăng trị giá 520 triệu USD của Mát-xcơ-va vì lo ngại vấn đề chất lượng.
Về phần mình, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều thị trường mới nổi khác cũng nỗ lực phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trong 2 thập niên qua để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí. Và cuộc chiến Nga - Ukraine dường như đang góp phần đẩy nhanh quá trình này.