15/06/2020 - 06:22

Mỹ tìm cách đưa tên lửa lên đất liền châu Á 

Mỹ đang có kế hoạch triển khai lượng lớn tên lửa với đầu đạn phi hạt nhân tới châu Á nhằm răn đe Trung Quốc. Song, nhiều đồng minh của Washington đã lên tiếng phản đối.

Công khai phản đối, âm thầm ủng hộ?

Mỹ phóng thử tên lửa hành trình mới trên đảo San Nicolas hồi năm ngoái. Ảnh: AFP

Thống đốc Okinawa (tỉnh cực Nam của Nhật Bản) Denny Tamaki tuyên bố vùng lãnh thổ này kiên quyết phản đối kế hoạch trên dù quyết định về việc có cho phép tên lửa Mỹ triển khai tại đây hay không là thuộc về chính quyền trung ương. "Nếu có một kế hoạch như vậy, tôi dễ dàng tưởng tượng ra rằng cư dân Okinawa sẽ phản đối quyết liệt" - ông Tamaki nêu quan điểm. Được biết, hơn một nửa trong số 50.000 quân nhân Mỹ đồn trú tại Nhật Bản đang ở Okinawa.

Các nước châu Á khác cũng đã phát đi tín hiệu cho thấy họ không đồng tình với kế hoạch của Washington. Cụ thể, Úc và Philippines công khai bác bỏ dự định này khi chính quyền Tổng thống Donald Trump lần đầu đề cập hồi năm ngoái. Hàn Quốc cũng chưa xem xét địa điểm cho Mỹ triển khai tên lửa. Điều đáng nói là Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Úc đều có hiệp ước quốc phòng với Mỹ.

Song, giới hoạch định tại Lầu Năm Góc dường như không chấp nhận từ bỏ kế hoạch của mình sau khi chính quyền Trump hồi năm ngoái tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vốn ngăn cản Mỹ triển khai tên lửa tầm trung trên đất liền châu Á. Giới chức  Mỹ nói rằng vẫn còn nhiều đồng minh âm thầm ủng hộ kế hoạch của Mỹ, thậm chí cho phép Washington đặt tên lửa ngay trên lãnh thổ của họ. Các nước này không muốn công khai ủng hộ vì có thể bị Trung Quốc phản ứng. Theo các quan chức cấp cao Mỹ, việc Washington đưa hàng trăm tên lửa có đầu đạn phi hạt nhân tới châu Á sẽ nhanh chóng làm thay đổi cán cân quyền lực ở Tây Thái Bình Dương, giữa lúc xuất hiện lo ngại rằng Trung Quốc mở rộng kho tên lửa và khí tài quân sự khác đe dọa các căn cứ của Mỹ tại khu vực và giúp Bắc Kinh uy hiếp các đồng minh của Mỹ ở châu Á.

Sự thay đổi ưu tiên của Mỹ

Kế hoạch đưa tên lửa tới châu Á được xem là trọng tâm trong chiến lược xây dựng sức mạnh quân sự của Mỹ tại khu vực, dự kiến "ngốn" hàng chục tỉ USD ngân sách quốc phòng xứ cờ hoa trong thập kỷ tới. Bước đi này là sự thay đổi lớn trong kế hoạch ưu tiên chi tiêu từ Trung Đông sang châu Á của Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, kế hoạch đó cũng cho thấy mối quan hệ phức tạp giữa Mỹ và các đồng minh châu Á khi nhiều nước trong khu vực cảm thấy bị Trung Quốc đe dọa nhưng lại miễn cưỡng ủng hộ các biện pháp quân sự mới của Washington vốn có thể kích động Bắc Kinh.

Để chuẩn bị cho kế hoạch trên, Lầu Năm Góc hồi năm ngoái đã cho phóng thử một số tên lửa tầm ngắn và tầm trung mới, gồm những tên lửa có tầm bắn lên tới 3.400 dặm, trong đó có tên lửa đạn đạo được cho đặt trên đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, cũng như nhiều tên lửa di động. Số tên lửa mới đầu tiên của Mỹ có thể được triển khai trong vòng 2 năm, dù chưa có quyết định nào về địa điểm được đưa ra. Mỹ đang có các loại tên lửa tương tự được lắp đặt trên tàu chiến và máy bay hoạt động ở châu Á, chứ chưa có hệ thống nào trên đất liền.

Thật ra, việc Mỹ muốn đưa tên lửa đến châu Á không phải là một chiến lược mới. Hồi những năm 1950 và 1960, Washington đã đưa tên lửa đến khắp các căn cứ quân sự của nước này tại khu vực, gồm ở Okinawa, nơi hàng trăm đầu đạn hạt nhân được cất giấu bí mật trong nhiều thập kỷ dù Hiến pháp Nhật Bản cấm sự hiện diện của vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình. Những tên lửa này dần dần được đưa ra khỏi biên chế trong những năm 1960 và 1970 do Mỹ cắt giảm ngân sách và thay đổi chiến lược phòng thủ tại khu vực. Ngày nay, kế hoạch bố trí tên lửa trên đất liền của Mỹ tại châu Á đang trở nên quan trọng vì nó được kỳ vọng có thể phá vỡ chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập của Trung Quốc trong cái gọi là "chuỗi đảo thứ nhất" của Bắc Kinh.

TRÍ VĂN (Theo LA Times)

Chia sẻ bài viết