18/06/2020 - 06:16

Mỹ lo nguy cơ “chiến tranh kinh tế” từ Trung Quốc 

Lầu Năm Góc cảnh báo Trung Quốc có thể lợi dụng đại dịch COVID-19 tiến hành cuộc chiến kinh tế với Mỹ bằng cách đẩy mạnh hoạt động thâu tóm doanh nghiệp có tầm quan trọng chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng.

Trụ sở Lầu Năm Góc. Ảnh: Financial Times

Nói với CNN, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết cơ quan này hết sức cẩn trọng trước bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc dựa vào tình hình tài chính khó khăn của các nhà thầu quốc phòng trong dịch COVID-19 để mua lại cổ phần. Tình huống càng phức tạp khi các mối đe dọa an ninh quốc gia được mở rộng ra với nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế và thuốc men kể từ thời điểm đại dịch bùng phát.

Mỹ nới lỏng quy định hợp tác với Huawei về các tiêu chuẩn 5G
Mỹ đang nới lỏng quy định để các công ty nước này có thể hợp tác với Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc vốn được Washington đưa vào “danh sách đen”, nhằm thiết lập những tiêu chuẩn cho mạng lưới 5G.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross trong tuần này đã công bố quy định mới cho phép các công ty chia sẻ công nghệ với Huawei với mục đích phát triển các tiêu chuẩn cho dịch vụ mạng không dây thế hệ mới 5G. Theo ông Ross, thay đổi này cho phép các công ty Mỹ có thể hợp tác với Huawei như thời điểm trước khi tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc bị Washington liệt vào “danh sách đen”, nhưng chỉ dừng lại ở mức thiết lập các tiêu chuẩn cho mạng 5G, không phải với mục đích thương mại.

Theo quan chức cao cấp Hội đồng Đại Tây Dương Bill Greenwalt, quân đội Mỹ bị cấm sử dụng các trang thiết bị do Trung Quốc sản xuất từ năm 2006. Nhưng các quy định không bao gồm chuỗi cung ứng y tế. Do đó, không khó lý giải khi nhiều công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc thống trị thị trường thiết bị bảo hộ và dược phẩm cũng nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ y tế của Lầu Năm Góc.

Đặc biệt với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, ông Greenwalt xác định vật tư y tế đang trở thành nhu cầu an ninh quốc gia. Kể cả khi vấn đề an ninh nguồn cung được giải quyết thì cũng khó kiểm soát nếu nhà thầu chính giao lại cho bên thứ 3. Điển hình như hợp đồng trị giá 138 triệu USD gần đây giữa Lầu Năm Góc với công ty ApiJect Systems America nhằm tăng tốc độ đáp ứng sức khỏe cộng đồng một khi có vaccine ngừa COVID-19. Nhà thầu chính được phát hiện đã chuyển hợp đồng cho đối tác Ritedose Corporation. Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Mỹ trong các lĩnh vực liên quan ống tiêm, nhưng Ritedose lại thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Quốc Humanwell.

Qua vụ việc nói trên, ông Greenwalt cho rằng đã đến lúc người Mỹ suy xét tính qua trọng của chuỗi cung ứng y tế, đặc biệt trên phương diện chiến tranh sinh học. Trong đó, Washington cần có một địa chỉ đáng tin cậy hoặc lập liên minh với các đối tác thân cận như Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc hay những thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để củng cố ngành công nghiệp này, thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Còn trước mắt, Lầu Năm Góc cho biết họ đang cung cấp nhiều phương tiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ trong nước tự bảo vệ trước các khoản đầu tư bất lợi. Cơ quan này còn hợp tác với nhiều bộ phận khác trong chính phủ để rà soát, đảm bảo minh bạch nguồn vốn. Ngoài ra, Thứ trưởng Quốc phòng Ellen Lord cho biết Lầu năm Góc đang tiếp cận nhiều quốc gia khác, đặc biệt là châu Âu, để thảo luận về các rủi ro sáp nhập và mua lại khi nhiều công ty vỏ bọc bị phát hiện có chủ sở hữu là một trong những đối thủ của Mỹ.

Chuyên gia Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ), Chad P. Bown, cho rằng “bài học kinh nghiệm” từ xuất khẩu lúa mạch Úc bị Trung Quốc áp thuế sau khi Canberra kêu gọi điều tra nguồn gốc của đại dịch phản ánh cường quốc châu Á đang đẩy mạnh tất cả các “chiến thuật cưỡng chế”. Để tránh nguy cơ bị Trung Quốc ép buộc về kinh tế, thành viên cao cấp tại Trung tâm An ninh Mỹ mới Martijn Rasser cho rằng tiến trình này đòi hỏi hợp tác đa phương và phối hợp chặt chẽ giữa các nền dân chủ.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết