14/05/2018 - 22:28

Mỹ khánh thành sứ quán mới tại Jerusalem 

Theo Nhật báo Phố Wall, việc Washington chính thức dời đại sứ quán tại Israel đến thánh địa Jerusalem một mặt hiện thực hóa cam kết tranh cử của Tổng thống Donald Trump, nhưng mặt khác cũng tạo ra thách thức mới đối với tiến trình hòa bình Trung Đông.

Lễ khánh thành đại sứ quán mới của Mỹ diễn ra vào lúc 16 giờ ngày 14-5 (giờ địa phương) với sự tham dự của khoảng 800 khách mời. Sự kiện này trùng dịp kỷ niệm 70 năm ngày Nhà nước Do Thái được thành lập. Tổng thống Trump không có mặt tại buổi lễ nhưng có bài phát biểu qua video. Phái đoàn Mỹ tham dự gồm 11 thành viên, dẫn đầu là Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Tháp tùng đoàn có hai cố vấn cấp cao Nhà Trắng, cũng là con gái và con rể ông Trump, cô Ivanka và chồng Jared Kushner.

Binh sĩ Israel bảo vệ đại sứ quán mới của Mỹ ở Jerusalem. Ảnh: BBC

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, buổi lễ này Washington không mời quan chức các quốc gia khác do coi đây là sự kiện song phương. Trong khi đó, Israel mời 86 quốc gia có phái đoàn ngoại giao tại nước này nhưng chỉ có một số ít tới dự, trong đó có phái đoàn Guatemala và Paraguay, những nước sẽ mở đại sứ quán ở Jerusalem vào cuối tháng 5. Hầu hết các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) không tham dự buổi lễ.

Theo giới quan sát, EU trước đó từng nhiều lần lên tiếng phản đối quyết định của ông Trump dời đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem và thái độ cứng rắn hiện nay cho thấy rạn nứt giữa Washington và Brussels trong vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. “EU sẽ tôn trọng sự đồng thuận quốc tế về Jerusalem... bao gồm địa điểm đặt các cơ quan đại diện ngoại giao của họ cho đến khi hiện trạng cuối cùng của Jerusalem được giải quyết” – phái đoàn EU tại Israel chia sẻ trên Twitter.

Căng thẳng leo thang

Tuy kiểm soát Jerusalem từ sau cuộc chiến tranh 1967 nhưng chủ quyền của Israel đối với thánh địa này đến nay không được quốc tế công nhận. Trong khi Nhà nước Do Thái tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn của Israel thì Palestine coi Đông Jerusalem là thủ đô cho nhà nước của họ trong tương lai. Tinh thần hiệp ước hòa bình Israel-Palestine ký kết năm1993 cũng khẳng định hiện trạng Jerusalem phải giải quyết thông qua đàm phán hòa bình sau này. Nhưng tiến trình hòa bình đã bị đóng băng sau khi các cuộc thương lượng đổ vỡ năm 2014. Tháng 12-2017, Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và cho dời sứ quán Mỹ đến đây.

Chuyên gia phân tích đồng thời là cựu cố vấn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Diana Buttu nói rằng Mỹ đang “phạm sai lầm” khi cổ vũ thế lực cực đoan ở Israel và khiến tình hình tồi tệ hơn. Theo bà Buttu, quyết định của ông Trump phát đi thông điệp rằng chúng ta có thể đoạt lãnh thổ bằng vũ lực và đây là điều “rất nguy hiểm” tại Trung Đông.

Đúng như quan ngại của các nhà phân tích, tình hình bạo lực tại Dải Gaza đã bùng phát ngày 14-5, làm ít nhất 45 người Palestine thiệt mạng và hơn 500 người khác bị thương. Các vụ đụng độ giữa người Palestine và lực lượng an ninh Israel tại Dải Gaza diễn ra trong bối cảnh hàng nghìn người Palestine đã tuần hành đến phía Đông Dải Gaza để tham gia cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm phản đối lễ khai trương Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem.

Trước đó, ít nhất 45 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 8.500 người khác bị thương trong các vụ đụng độ với quân đội Israel kể từ khi làn sóng biểu tình nổ ra từ cuối tháng 3. Các nhà phân tích quan ngại bất ổn sẽ tiếp tục leo thang ở khu vực Bờ Tây và Dải Gaza sau sự kiện gây tranh cãi ngày 14-5. Các cuộc biểu tình dự kiến dâng cao vào hôm nay 15-5, được người Palestine gọi là “Ngày bi thảm” (Nakba) với 750.000 người Palestine buộc phải rời bỏ nhà cửa hoặc bị trục xuất khi Israel tuyên bố thành lập nhà nước vào năm 1948.

Trước lễ khánh thành đại sứ quán Mỹ, thủ lĩnh mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda Ayman al-Zawahiri cũng kêu gọi tiến hành thánh chiến chống lại Washington, mô tả động thái của Mỹ là bằng chứng cho thấy đàm phán và “nhân nhượng” là sự thất bại của Palestine.

 MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết