 |
Tổng thống Obama phát biểu tại Nhà Trắng hôm 31-8. Ảnh: Reuters |
Hôm 31-8, vẫn giữ quan điểm tấn công Syrie, song Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ tìm kiếm sự chấp thuận từ quốc hội thông qua một cuộc bỏ phiếu, động thái được ví như “canh bạc mạo hiểm” của ông chủ Nhà Trắng.
Quốc hội định đoạt
Hôm 31-8, trong khi khẳng định với tư cách tổng thống, ông có quyền tiến hành cuộc tấn công có “giới hạn về thời gian và quy mô” nhằm vào Syrie mà không cần sự ủy quyền của quốc hội, ông Obama thừa nhận vẫn cần sự ủng hộ rộng rãi và sẽ “tìm kiếm sự cho phép sử dụng vũ lực từ các nghị sĩ”. Tuyên bố này ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của Chủ tịch Hạ viện John Boehner và nhiều dân biểu Cộng hòa.
Quyết định bất ngờ trên được ông Obama đưa ra sau khi trao đổi với Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough cũng như các cố vấn. Tuyên bố của ông phần nào đã loại bỏ tính khẩn cấp của cái gọi là một cuộc tấn công Syrie sắp diễn ra. Điều này đồng nghĩa với việc các tàu chiến chứa đầy tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ đang trực chiến ngoài khơi Địa Trung Hải sẽ phải nằm chờ lệnh cho đến hôm 9-9, khi Quốc hội Mỹ trở lại làm việc sau kỳ nghỉ. Tổng thống Obama cho biết các nghị sĩ đã đồng ý tranh luận về vấn đề Syrie cũng như sẽ tiến hành bỏ phiếu trong kỳ họp tới.
Tuy nhiên, với việc để cho quốc hội quyết định có thực hiện hành động quân sự chống Syrie hay không, một số quan chức tại Washington cho rằng ông Obama đã mạo hiểm khi đặt ra tiền lệ mà nhiều khả năng sẽ giới hạn quyền lực của những chủ nhân Nhà Trắng trong tương lai, trong đó có quyết định độc lập về các hoạt động quân sự. Theo hãng tin Anh Reuters, không có sự đảm bảo nào về việc Quốc hội Mỹ sẽ “bật đèn xanh” cho tổng thống tấn công Syrie, cũng như chính ông Obama đã không nói rõ liệu sẽ ra lệnh không kích Syrie hay không nếu quốc hội “lắc đầu”. Các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa thì cho rằng nếu cuộc bỏ phiếu diễn ra vào lúc này, Hạ viện vốn do phe Cộng hòa chiếm đa số sẽ không ủng hộ hành động quân sự chống Syrie. Thậm chí khi được phỏng vấn, hàng chục nghị sĩ đều cho rằng tình hình hiện nay “dễ thay đổi”, thậm chí ở Thượng viện, nơi phe Dân chủ chiếm đa số.
Quyết định của ông Obama đặt ra khả năng ông có thể là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên trong thời hiện đại thất bại trong cuộc bỏ phiếu tại quốc hội về việc sử dụng vũ lực, tương tự như trường hợp của Thủ Tướng Anh David Cameron vừa bị hạ viện nước này “trói chân” hôm 29-8.
Thách thức từ Mát-xcơ-va
Trong một tuyên bố hôm 31-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin- đồng minh thân cận của chính quyền Bashar al-Assad ở Syrie, đã lên tiếng thách thức Washington trình các bằng chứng về vũ khí hóa học để biện minh cho việc can thiệp quân sự vào Syrie lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Ông Putin cũng bác bỏ những tuyên bố mới đây của tình báo Mỹ cho rằng chính quyền Tổng thống Assad đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công khiến hàng ngàn người thiệt mạng ở ngoại ô Thủ đô Damas hôm 21-8. Theo ông chủ Điện Kremlin, quân đội Syrie “không có lý nào” phải sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến mà họ đang giành ưu thế.
Trong diễn biến liên quan, Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) cho biết quá trình phân tích về các mẫu vật do đoàn thanh sát viên của LHQ vừa thu thập tại hiện trường vụ tấn công khí độc ở Syrie có thể mất đến “hơn 3 tuần lễ”. Còn phát ngôn viên LHQ Martin Nesirky thì bác bỏ những ý kiến cho rằng việc các thanh sát viên rút khỏi Syrie ngày 31-8 là nhằm tạo điều kiện cho cuộc tấn công của Mỹ. Ông chỉ trích những ý kiến như vậy là một sự xúc phạm đối với hơn 1.000 nhân viên LHQ đang ở Syrie tham gia hoạt động viện trợ nhân đạo. Theo ông Nesirky, các thanh sát viên LHQ đã lấy các mẫu phẩm từ thực địa và sẽ chuyển đến hai phòng thí nghiệm ở châu Âu xét nghiệm. Ông khẳng định LHQ sẽ có những đánh giá “công bằng và đáng tin cậy” về vấn đề sử dụng vũ khí hóa học ở Syrie dựa trên kết quả xét nghiệm.
THANH BÌNH (Tổng hợp)