22/05/2018 - 22:11

Mỹ đặt điều kiện với Iran 

Hôm 21-5, Mỹ đã yêu cầu Iran phải thực hiện một loạt thay đổi về quân sự và các chính sách trong khu vực nếu không sẽ đối mặt với “các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề nhất trong lịch sử”, bước đi cho thấy Washington tiếp tục gây sức ép lên Tehran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran gần đây.

“Chúng tôi sẽ gây sức ép tài chính chưa từng có đối với chính quyền Iran. Những lệnh cấm vận này sẽ đau đớn nếu Tehran không từ bỏ con đường vô ích và không thể chấp nhận được”- Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (ảnh) nhấn mạnh trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Thay vì đề xuất tái đàm phán về thỏa thuận mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa Iran với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) được ký dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Pompeo vạch ra 12 yêu sách cho Tehran để đạt được bất cứ “thỏa thuận mới nào”, mà qua đó đảm bảo Cộng hòa Hồi giáo “sẽ không bao giờ có được quyền chi phối khu vực Trung Đông một lần nữa”.

 Ảnh: Reuters

Theo đó, Washington yêu cầu Iran ngưng làm giàu uranium, không bao giờ theo đuổi việc tái chế plutonium, đóng cửa lò phản ứng hạt nhân nước nặng, cho phép các thanh sát viên hạt nhân tiếp cận mọi địa điểm trên khắp cả nước, chấm dứt sự hỗ trợ cho phiến quân Houthi ở Yemen cũng như phong trào Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Palestine, rút toàn bộ lực lượng khỏi Syria, ngừng đe dọa Israel, phóng thích tất cả công dân Mỹ đang bị giam giữ hoặc “mất tích” tại Iran... Nếu Iran thực hiện những thay đổi lớn trên, theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington sẵn sàng dỡ bỏ tất cả lệnh trừng phạt, khôi phục quan hệ ngoại giao và thương mại toàn diện với Tehran và hỗ trợ nước này tái hòa nhập hệ thống kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, có nhiều yêu cầu trong danh sách mà khả năng rất cao là Iran sẽ không xem xét. Chẳng hạn như đòi hỏi cho phép thanh sát viên tiếp cận “mọi địa điểm”, ám chỉ các căn cứ quân sự vốn bị cấm lui tới theo thỏa thuận JCPOA ngoại trừ những hoàn cảnh cụ thể. Ngoài ra, việc buộc Iran phải công bố nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân được cho là khơi lại vấn đề mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho rằng đã khép lại.

Phản ứng của Iran và EU

Không bất ngờ khi bài phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo vấp phải những phản đối từ người đồng cấp Iran Javad Zarif. Không chỉ lên án việc Mỹ dọa dẫm trừng phạt nặng nề nhất, cùng ngày Ngoại trưởng Zarif cho rằng những biện pháp mà ông Pompeo đưa ra cho thấy Washington là “tù nhân của những chính sách thất bại của họ” và sẽ hứng chịu hậu quả. Hôm qua, Ismail Kowsari, phó chỉ huy lực lượng Vệ binh Cách mạng Sarollah ở Thủ đô Tehran cảnh báo rằng người dân Iran sẽ “tấn công” ông Pompeo vì những đe dọa trừng phạt trên.

Với bài phát biểu cứng rắn, ông Pompeo sẽ đứng trước nhiệm vụ thuyết phục các đồng minh châu Âu tham gia “Kế hoạch B” về vấn đề Iran của Mỹ. Đây là sứ mệnh khó khăn bởi các quốc gia châu Âu tham gia ký kết JCPOA đang nỗ lực tìm giải pháp cứu lấy thỏa thuận này sau quyết định rút lui của Washington. Thực tế cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng phê phán bài phát biểu của ông Pompeo, đồng thời khẳng định Iran vẫn tuân thủ đầy đủ cam kết của JCPOA. Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini còn cảnh báo rằng “không có giải pháp thay thế” thỏa thuận hạt nhân Iran. Theo giới phân tích, chiến lược mới của Washington đối với Tehran được cho sẽ phụ thuộc vào việc giành lấy sự hỗ trợ của các đồng minh.

THANH BÌNH (Theo AFP, AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết