26/06/2020 - 10:30

Mỹ củng cố quan hệ với Ba Lan 

Hôm 24-6, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Mỹ kể từ khi Washington đóng cửa vì đại dịch COVID-19.

Tổng thống Trump (phải) và người đồng cấp Ba Lan tại cuộc họp báo chung.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Tổng thống nước chủ nhà Donald Trump ca ngợi mối quan hệ hữu hảo và đáng tin cậy với Ba Lan trong gần 250 năm qua. Ngoài thảo luận nỗ lực chung chống COVID-19, đàm phán thỏa thuận mua khí đốt của Mỹ, sự hỗ trợ của Washington đối với chương trình hạt nhân dân sự của Ba Lan, ông Trump cho biết cuộc gặp còn tái khẳng định liên minh quan trọng giữa hai nước thông qua thúc đẩy hợp tác quốc phòng và nhấn mạnh đây là “thông điệp mạnh mẽ” dành cho Nga.

Trước đó, Tổng thống Mỹ nhiều lần chỉ trích các nước châu Âu mua khí đốt của Nga. Chủ trì họp báo tại Vườn Hồng, ông Trump tiếp tục nhắc lại việc Ðức đang chi trả hàng tỉ USD cho các hợp đồng năng lượng với Nga nhưng lại dựa vào sự bảo vệ của Washington để tránh nguy cơ gây hấn từ Mát-xcơ-va. Hồi đầu tháng 6, thông tin Lầu Năm Góc chuẩn bị giảm mạnh số binh sĩ đồn trú tại Ðức cũng được cho xuất phát một phần từ chuyện Berlin duy trì hợp tác với xứ bạch dương trong dự án đường ống dẫn khí Nord Stream, bất chấp phản đối của Mỹ và một số nước Ðông Âu. Hôm 24-6, Tổng thống Trump xác nhận Mỹ sẽ giảm lực lượng tại Ðức từ 52.000 xuống còn 25.000 quân (thật ra, nếu không kể lực lượng luân phiên, Mỹ chỉ có 34.500 lính thường trực ở Ðức). Ông cũng cho biết sẽ đưa số binh sĩ này sang Ba Lan. Truyền thông Ba Lan gần đây loan tin, Mỹ có khả năng sẽ triển khai 2.000 binh sĩ đến nước này, nhiều hơn 1.000 quân so với thỏa thuận được thống nhất hồi tháng 6 năm ngoái.

Hiện chưa rõ chính quyền Trump có thật sự thiết lập căn cứ thường trực ở Ba Lan như mong muốn của quốc gia Ðông Âu hay không. Nhưng theo cam kết của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) với Nga từ năm 1997, khối này sẽ không bố trí lực lượng chiến đấu dài hạn trên lãnh thổ các nước thành viên từng thuộc Liên Xô cũ.

Mục đích chính trị

Ngoài tìm kiếm hỗ trợ quân sự từ Mỹ, các nhà phê bình cho rằng Tổng thống Duda thăm Nhà Trắng còn vì muốn nâng cao vị thế tại quê nhà, tăng cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trong vài ngày nữa. Các cuộc thăm dò cho thấy ông Duda hiện có tỷ lệ ủng hộ 40% và nếu không gì thay đổi, nhà lãnh đạo dân túy rất có thể phải bước vào vòng 2 khi không giành đủ 50% số phiếu trước đối thủ trong ngày 28-6. Sau cuộc gặp với ông Duda, Tổng thống Trump cũng không che giấu sự ủng hộ khi ca ngợi nhà lãnh đạo này đang làm tốt vai trò của mình với sự quý trọng của người dân Ba Lan. “Tôi không nghĩ ông ấy cần sự giúp đỡ của mình” - ông Trump nói thêm.

Theo chuyên gia Molly Montgomery thuộc Viện Brookings, không một tổng thống Mỹ nào nên gặp lãnh đạo nước ngoài ngay thời điểm họ đang tranh cử, dù đó là đồng minh hay đối thủ. Bà Montgomery cho rằng cuộc gặp Trump- Duda không chỉ làm suy yếu tiến trình dân chủ ở Ba Lan mà còn vi phạm quy tắc chính trị và phá hủy những giá trị lâu đời của nước Mỹ. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine K. Albright, người từng giúp mở rộng NATO sang Ðông Âu trong những năm 1990, cũng chỉ trích chuyến thăm này. Theo bà Albright, đảng cầm quyền Ba Lan đang rời xa các giá trị của liên minh và Mỹ nên đấu tranh vì điều này thay vì “tặng” Tổng thống Duda món quà chính trị ngay trước thềm bầu cử.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, NYT)

Chia sẻ bài viết