01/07/2017 - 11:04

Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, trừng phạt ngân hàng Trung Quốc

Trong một bước đi được cho sẽ làm Bắc Kinh nổi giận, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lần đầu tiên thông báo kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan và trừng phạt một số cá nhân cùng thực thể Trung Quốc dính líu đến chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.

Thúc đẩy quan hệ quân sự Mỹ-Đài

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert hôm 29-6 cho biết, chính quyền Trump đã thông báo cho Quốc hội Mỹ kế hoạch bán gói vũ khí trị giá 1,42 tỉ USD cho Đài Loan, bao gồm gói hỗ trợ kỹ thuật hệ thống radar cảnh báo sớm, tên lửa chống bức xạ vận tốc cao, ngư lôi và bộ phận tên lửa SM-2.

Tên lửa SM-2 Mỹ sắp bán cho Đài Loan.

"Chúng tôi tin rằng gói vũ khí này chứng tỏ sự hậu thuẫn của chúng ta cho khả năng của Đài Loan duy trì chính sách phòng vệ đủ mạnh. Chúng tôi xác nhận không có sự thay đổi trong chính sách một Trung Quốc" – bà Nauert xoa dịu. Đây là gói vũ khí đầu tiên mà chính quyền Mỹ bán cho Đài Loan kể từ sau thương vụ trị giá 1,83 tỉ USD thời Tổng thống Barack Obama hồi tháng 12-2015.

Thể hiện sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ đối với kế hoạch mới của Nhà Trắng, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ed Royce cho rằng các loại vũ khí phòng thủ mới vốn dựa trên nhu cầu của Đài Loan là sự hỗ trợ then chốt trong cam kết đảm bảo an ninh của Washington cho Đài Bắc.

Trước khi chính quyền Trump thông báo kế hoạch bán vũ khí, một ủy ban của Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật kêu gọi nối lại các hoạt động thăm viếng của tàu hải quân Mỹ tại Đài Loan.

Trừng phạt ngân hàng, công ty và cá nhân Trung Quốc

Cùng với kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan được Bộ Ngoại giao thông báo, Bộ Tài chính Mỹ hôm 29-6 cũng áp đặt lệnh trừng phạt 1 ngân hàng, 1 công ty và 2 cá nhân Trung Quốc liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Cụ thể, ngân hàng Đan Đông ở khu vực giáp biên giới với Triều Tiên bị cáo buộc "rửa tiền" hàng triệu USD cho Bình Nhưỡng. Công ty vận tải Dalian Global Unity thì bị cáo buộc giúp vận chuyển 700.000 tấn hàng hóa, bao gồm than và sắt thép, qua lại giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Hai cá nhân gồm Sun Wei bị nghi điều hành một công ty bình phong của Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên và Li Hong Ri giúp thiết lập nhiều công ty phục vụ cho ngân hàng Koryo.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin giải thích hành động trên không nhằm vào Chính phủ Trung Quốc, mà nhằm vào các thực thể và cá nhân đơn lẻ. Tuy nhiên, trừng phạt các thực thể và cá nhân Trung Quốc liên quan đến chương trình tên lửa và hạt nhân là điều chưa từng có của Mỹ.

Anthony Ruggiero, chuyên gia cấm vận và là cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, cho rằng chính những ngân hàng nhỏ như Đan Đông mới thật sự nằm ở trung tâm giao dịch thương mại ngầm giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Được biết 90% kim ngạch thương mại quốc tế của Triều Tiên được thực hiện với Trung Quốc. "Đây là thông điệp mạnh mẽ gởi tới giới lãnh đạo Trung Quốc rằng chính quyền Trump sẽ hành động chống lại việc né cấm vận của Triều Tiên tại Trung Quốc" – ông Ruggiero nhận định.

Phát biểu trong cuộc họp báo phản ứng những bước đi trên của Washington, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nói: "Tất cả hành động này, trừng phạt các công ty Trung Quốc và đặc biệt bán vũ khí cho Đài Loan, chắc chắn sẽ làm tổn hại sự tin cậy lẫn nhau giữa hai bên và đi ngược lại tinh thần của hội nghị thượng đỉnh Mar-a-Lago". Ông Khải đề cập tới kết quả cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở khu nghĩ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida hồi tháng 4.

Qua cuộc gặp này, Tổng thống Trump đã thay đổi cách tiếp cận Trung Quốc. Tuy nhiên, ông đang tỏ ra mất kiên nhẫn với Bắc Kinh về vấn đề Triều Tiên. Theo kế hoạch, hai ông Trump và Tập sẽ có cơ hội gặp lại nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại thành phố Hamburg của Đức vào tuần tới

KIẾN HÒA (Theo AFP, Reuters, AP)

Chia sẻ bài viết