26/04/2015 - 07:19

VĂN PHÒNG KHU ỦY TÂY NAM BỘ:

Mưu trí, dũng cảm, kiên cường

LÊ PHƯỚC THỌ (Sáu Hậu)
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương,
Nguyên Ủy viên Khu ủy Tây Nam bộ

Năm nay là năm toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trọng thể chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, đất nước độc lập, thống nhất hai miền Nam Bắc (30/4/1975- 30/4/2015). Sự kiện này được đánh dấu bằng cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giành toàn thắng mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (một ngày bằng 20 năm).

Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng đã tạo ra bước ngoặt lịch sử của dân tộc ta, mở ra kỷ nguyên mới: độc lập - thống nhất, cả nước cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thể hiện sâu sắc sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; mang tầm vóc quốc tế to lớn và mang tính thời đại sâu sắc. Thắng lợi đó bắt nguồn từ nhiều yếu tố, mà yếu tố quan trọng nhất là lòng yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Không phân biệt nam hay nữ, già hay trẻ, trai hay gái, giàu hay nghèo, tôn giáo - dân tộc, ở nông thôn hay thành thị, người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài... đều tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ bằng trực tiếp hoặc gián tiếp với nhiều hình thức khác nhau, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long vốn có truyền thống đấu tranh cách mạng, là vùng căn cứ cách mạng vững chắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; là căn cứ của Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ... Đặc biệt, là nơi mà đồng chí Cố Tổng Bí thư Trung ương Đảng Lê Duẩn – Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta – từng ở hoạt động. Đó là khi ký kết Hiệp định Gơ-ne-vơ năm 1954 giải thể Trung ương Cục miền Nam, thành lập Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy và ở lại hoạt động ở chiến trường miền Nam.

Đồng bằng sông Cửu Long còn là vùng đông người nhiều của, nhất là lương thực và thực phẩm. Vì vậy, Mỹ - Ngụy Sài Gòn coi đây là vùng trọng điểm bình định để chiếm đất, giành dân. Chúng xây dựng bộ máy phản động từ Trung ương đến cơ sở và xây dựng hệ thống đồn bót dày đặc để khống chế, kềm kẹp nhân dân ta, để vơ vét người và của phục vụ cho cuộc chiến tranh phi nghĩa... Do đó, nơi đây từng diễn ra nhiều cuộc chiến đấu rất ác liệt giữa ta và địch. Địch bình định lấn chiếm, ta đánh trả để giữ đất, giữ dân, vì mất đất, mất dân là mất tất cả. Địch mở nhiều chiến dịch tố cộng, diệt cộng và bình định cấp tốc, mở chiến dịch đánh phá vùng căn cứ cách mạng ở U Minh mà chúng gọi là "Nhổ cỏ U Minh"... Vì vậy, Cách mạng miền Nam nói chung, Tây Nam Bộ nói riêng, có lúc "hiểm nghèo", nhất là từ năm 1956 đến Đồng Khởi 1959 - 1960 và giai đoạn "Bình định cấp tốc" 1969 – 1972, đã gây ra cho ta thiệt hại về người và của rất nặng nề.

Mặc dù địch đánh phá rất ác liệt, nhưng trong hoàn cảnh, giai đoạn nào, tổ chức đảng ở Khu IX, đặc biệt là cơ quan lãnh đạo cao nhất Nam Bộ, như: Xứ ủy, Liên Tỉnh ủy, Khu ủy... vẫn đứng vững trên địa bàn để lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến giành thắng lợi. Để đảm bảo cho Khu ủy hoạt động ổn định và phát triển, các cơ quan, đơn vị là bộ phận tham mưu của Khu ủy, như: Văn phòng Khu ủy, Tuyên huấn, Tổ chức, Cơ yếu, Điện đài mã thám, Đội bảo vệ phòng thủ, Ban Căn cứ, Giao liên công khai... và các đơn vị có liên quan khác đã phải hết sức nỗ lực, mưu trí, dũng cảm kiên cường trong suốt quá trình công tác.

Ôn lại giai đoạn lịch sử đã qua, nhất là trong những năm tháng chiến tranh gay go, ác liệt của thời kỳ địch bình định cấp tốc các vùng nông thôn đồng bằng và chiến dịch càn quét ở U Minh, chúng ta càng tự hào về những thành tích và đóng góp to lớn của Văn phòng Khu ủy. Ở giai đoạn này, địch đóng đồn bót dày đặc ở vùng nông thôn. Các căn cứ của Khu ủy và các địa phương gần như bị xóa sạch; chiến trường bị chia cắt, sự quan hệ giữa trên -dưới hết sức khó khăn; nơi ăn, ở, làm việc ở Khu ủy và Văn phòng của Khu ủy không ổn định… Nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cán bộ Văn phòng Khu ủy và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Khu ủy, các đồng chí vừa tham mưu cho Khu ủy để lãnh đạo, chỉ đạo đánh địch, vừa đảm bảo chỗ ăn, ở, làm việc và hội nghị của Khu ủy; đảm bảo hậu cần, đảm bảo thông tin liên lạc bằng cơ yếu điện đài. Đặc biệt, giao liên công khai đưa đón cán bộ về Trung ương Cục và đi các tỉnh được an toàn… Các đồng chí đã không ngại khó khăn gian khổ, mưu trí, dũng cảm hy sinh để bảo vệ cơ quan đầu não của Đảng.

Bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ Văn phòng Khu ủy, sự tin tưởng, dựa vào dân, xây dựng "căn cứ lòng dân" vững chắc cũng là yếu tố giúp Khu ủy tồn tại trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cam go, quyết liệt ở chiến trường đồng bằng trống trải. Ta đã xây dựng hậu phương tại chỗ, không chỉ xây dựng căn cứ ở vùng giải phóng mà còn bao gồm các "căn cứ lõm" vào vùng địch kiểm soát; xây dựng ấp, xã chiến đấu rộng khắp vùng căn cứ mà nổi bật nhất là phong trào du kích chiến tranh… Vùng căn cứ của Khu ủy có rất nhiều gia đình nuôi chứa cán bộ và làm hầm bí mật, tham gia phòng gian bảo mật, thực hiện 3 không "không nghe, không thấy, không biết", "làm mù mắt điếc tai địch"… Tấm lòng và nghĩa cử tốt đẹp đó sẽ mãi mãi ghi khắc trong những cán bộ Văn phòng Khu ủy và các thế hệ cách mạng Việt Nam.

Chúng ta vô cùng thương tiếc và sẽ mãi mãi không quên các đồng chí Khu ủy, các đảng viên, cán bộ trong các cơ quan, đơn vị Khu ủy đã hy sinh và từ trần; luôn ghi nhớ công lao và thành tích của các đồng chí trong cuộc chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chúng ta cũng khắc cốt tri ân tấm lòng và nghĩa cử tốt đẹp của nhân dân nơi đây đã hết lòng yêu thương, bảo vệ, đùm bọc, giúp cho Khu ủy duy trì hoạt động ổn định, lãnh đạo lực lượng cách mạng vùng Tây Nam bộ vượt qua những giai đoạn khó khăn, cam go nhất để cùng cả nước đi đến ngày thắng lợi cuối cùng.

Chia sẻ bài viết