18/10/2021 - 15:03

Mưu sinh mùa dịch 

Từ khi TP Cần Thơ nới lỏng giãn cách xã hội, bà con buôn gánh bán bưng, người chạy xe ôm... lại tiếp tục cuộc mưu sinh. Lo sợ dịch bệnh, buôn bán ế ẩm... những nhọc nhằn của bà con lại thêm chồng chất.

Các bà, các cô ngồi bán rau dưa, trái cây... ở vệ đường Nguyễn Văn Cừ, huyện Phong Điền. 

Chiều muộn, bà Nguyễn Thị Hương, 78 tuổi, ngụ ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Ðiền, ngồi bán mớ lá cách, rau muống đồng ở vệ đường Nguyễn Văn Cừ. Bà nói, mấy bữa rồi mới hái lại được bao nhiêu đó rau để bán, bán hết được chừng 20.000 đồng. Do dịch bệnh, hạn chế đi lại, nên bà không thể đi hái rau như lúc trước và bà cũng lo ngại dịch bệnh vì tuổi cao, sức khỏe lại yếu.

Ngồi bán cạnh bà Hương là bà Trần Mỹ Dung, 51 tuổi, ngụ ấp Mỹ Lộc, xã Mỹ Khánh. Nghe chuyện bà Hương, bà Dung cũng nói: “Bán lại được thì mừng, nhưng ngồi từ 1 giờ tới 6 giờ chiều mà kiếm được năm ba chục tiền lời thôi”. Bà Dung còn đỡ hơn bà Hương vì có thể trồng bầu, dưa leo để mang ra bán mỗi ngày.

Cũng làm nghề buôn bán rau, quả tự trồng hoặc mua đi bán lại, bà Ðinh Thị Huệ, 57 tuổi, ngụ khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, lý giải rằng: Dù Cần Thơ đã thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg nhưng bà con cũng hạn chế tiếp xúc trực tiếp vì sợ lây lan dịch bệnh nên khách mua hàng rất ít. Người bán nhiều hơn người mua nên bán ế. Ngồi cả buổi chiều có khi cả vốn lẫn lời chỉ được hơn 100.000 đồng. “Mấy tháng rồi ở nhà ăn ở không chứ không làm gì ra tiền, nay lại như vầy nên tôi lo lắm”, bà Huệ than.

Nhọc nhằn mưu sinh giữa mùa dịch còn có các bác tài xế xe ôm ở nội ô thành phố. “Ế quá!” kèm cái lắc đầu là câu trả lời mà chúng tôi nhận được khi hỏi về tình hình chạy xe ôm của họ. Ông Phạm Hoàng Diệu, 66 tuổi, tạm trú tại phường An Bình, quận Ninh Kiều, có hơn 20 năm chạy xe ôm, ngồi đợi khách ở đường Hòa Bình lúc cuối giờ chiều. Ông cho biết, cả ngày chỉ chạy được cuốc xe từ Ninh Kiều đi Ô Môn cho một khách quen, với giá 40.000 đồng, trừ tiền xăng thì ông chỉ bỏ túi được 20.000 đồng. Ông Diệu ở trọ, thất nghiệp mấy tháng liền, sống nhờ vào sự trợ cấp của địa phương, nhà hảo tâm nên tình trạng ế ẩm khiến ông rất lo.

Cùng đậu xe chờ khách với ông Diệu là ông Nguyễn Hiền, cũng phải ở trọ, và gia cảnh không khá hơn là mấy. Ông Diệu cho biết lúc chưa có dịch, mỗi ngày chạy được 300.000 đồng - 400.000 đồng, trừ chi phí, xăng, cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng, nay thì ông chỉ mong đủ 2 bữa cơm. Ông Hiền lý giải: “Nhu cầu đi lại của bà con mùa dịch này rất ít, bà con lại lo sợ lây lan dịch bệnh nên ít ai dám đi xe ôm”.

Mỗi người mỗi cảnh, mỗi nghề mỗi gặp khó, nhưng họ có điểm chung là vẫn từng ngày nỗ lực mưu sinh giữa nỗi lo tình hình dịch bệnh COVID-19. Ðồng tiền kiếm ra ngày càng eo hẹp trong khi mọi nhu cầu thiết yếu khác như: tiền nhà trọ, tiền điện, ăn uống... vẫn “đến hẹn lại lên” khiến người lao động tự do vốn đã bộn bề khó khăn nay càng thêm nhiều lo lắng. Dù vậy, bà con đều chia sẻ niềm vui khi được buôn bán, hành nghề trở lại. “Khó khăn thì dè sẻn, thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm lại. Ðược đi bán, có đồng vô đồng ra là mừng rồi”, bà Trần Mỹ Dung chia sẻ. Bà con vẫn lạc quan và tự lực cánh sinh từng ngày.

Ðược mưu sinh trở lại, bà con đều nhắc nhở nhau việc tuân thủ 5K, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trên sề rau của các cô các chị, hay trên xe của bác xe ôm lúc nào cũng thủ sẵn chai nước rửa tay khử khuẩn, bọc khẩu trang. Bà con cũng tự nhắc nhau phải kỹ lưỡng khi giao tiếp, giữ gìn sức khỏe. Chia sẻ với chúng tôi, bà con đều bày tỏ mong muốn là dịch COVID-19 sẽ sớm được đẩy lùi để mọi sinh hoạt trở về trạng thái bình thường mới, giúp người lao động có việc làm, có thu nhập để cuộc sống bớt lo toan.

Dịch COVID-19 mang đến nhiều tổn thương cho toàn xã hội và những bác xe ôm, những cô, dì “chợ chồm hổm” có lẽ thấu hiểu sâu sắc những tổn thương ấy với chính bản thân mình. Bằng nghị lực và sự lạc quan, họ vẫn từng ngày dìu nhau đi qua mùa dịch bằng những cuộc mưu sinh...

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết