03/03/2024 - 11:44

Mùa nắng nóng, đề phòng chó, mèo cắn 

Gần đây, tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Bình Thuận đã ghi nhận ca tử vong do chó dại cắn. Thời tiết nắng nóng, chó dại dễ bị kích động, cắn người. Người dân cần nâng cao cảnh giác với bệnh dại.

Số người tiêm ngừa tăng

Sáng 1-3-2024, ở khu vực tiêm ngừa của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, tại điểm tiêm số 1 đường Ngô Đức Kế, chỉ riêng 2 hàng ghế chờ thì có 5-6 người bị chó cắn, mèo quào, đến tiêm phòng.

Nhân viên CDC tiêm phòng bệnh dại cho người dân.

Anh Hùng Tiến ở khu vực 1, phường Ba Láng, quận Cái Răng kể: “Hai con chó nhà nuôi cắn nhau, tôi can, thì nó cắn luôn vô bắp chân tôi chảy máu. Chó nuôi đều được tiêm phòng đầy đủ, nhưng khi bị nó cắn, tôi đi tiêm phòng bệnh cho chắc”. Chị Nguyễn Thị Thoa ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, đang chờ tiêm, cho biết: “Tôi có người quen bị chó cắn, sau đó phát bệnh dại rồi mất, nên tôi sợ chó lắm. Vừa rồi về nhà người thân chơi, không may bị cắn vào chân chảy máu. Vết cắn sâu, nên tôi phải tiêm huyết thanh. Trước đó, cháu trong nhà cũng bị con chó này cắn, nhưng chủ nuôi không nỡ cho chó đi”.  

Thông tin từ CDC Cần Thơ, năm 2023, theo báo cáo tổng hợp của các đơn vị tiêm vaccine phòng bệnh dại tại thành phố, ghi nhận 17.415 người bị chó, mèo cắn đến tiêm phòng, tăng 5.890 người so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 1-2024, ghi nhận 1.632 người bị chó, mèo cắn đã đến tiêm vaccine phòng bệnh, tăng 250 người so với cùng kỳ năm 2023. Cũng từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn TP Cần Thơ không ghi nhận có ca tử vong do bệnh dại.

Những quan niệm sai lầm cần tránh

BS CKI Huỳnh Thanh Triều, phụ trách Phòng khám Đa khoa - Chuyên khoa, CDC Cần Thơ, khuyến cáo: Khi bị chó, mèo cắn, quào có những rủi ro như có thể gây nhiễm trùng vết thương, có thể gây ra những tổn thương cơ và thần kinh, có thể gây ra bệnh uốn ván, bệnh dại do chó, mèo mắc bệnh dại. Khi mắc bệnh dại, khả năng tử vong rất cao. Chính vì vậy, khi bị chó, mèo cắn, cần xử trí vết thương đúng cách, rửa vết thương với xà phòng dưới vòi nước chảy trong vòng 10-15 phút, rồi sát trùng bằng cồn 70 độ, i-ốt... Sau đó, đưa người bị cắn đến ngay cơ sở y tế khám, tiêm ngừa dự phòng bệnh dại. Tùy độ sâu của vết thương, vị trí cắn mà bác sĩ có chỉ định tiêm phòng. Tiêm càng sớm càng tốt. Ngoài ra, cần theo dõi chó, mèo, nếu động vật phát bệnh chết, cần thông báo cho bác sĩ. Với những người nuôi chó hoặc làm nghề chăm sóc, điều trị bệnh cho chó, mèo... nguy cơ bị cắn, quào thì có thể tiêm phòng chủ động.

Hiện còn một số quan điểm sai như chó nhỏ, nhà nuôi, chó đã được tiêm phòng thì người bị cắn, quào, không cần tiêm phòng. Theo BS Huỳnh Thanh Triều, khi bị chó cắn, mèo quào, cần đến cơ sở y tế để bác sĩ đánh giá nguy cơ, tuyệt đối không điều trị dân gian, lấy nọc... Thông thường vết cắn nông, tiêm phác đồ 4 mũi. Nếu vết cắn sâu, hoặc vị trí từ đầu, mặt, cổ thì chỉ định tiêm huyết thanh và 5 mũi vaccine phòng bệnh dại. Tại TP Cần Thơ và một số tỉnh lân cận, khi có chỉ định tiêm huyết thanh, đều hướng dẫn người dân đến CDC tiêm.

Thời gian tới, CDC Cần Thơ tham mưu Sở Y tế phê duyệt kế hoạch triển khai phòng, chống bệnh dại năm 2024 trên địa bàn thành phố. Đồng thời, CDC Cần Thơ phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ thực hiện kế hoạch tuyên truyền, tập huấn phòng, chống bệnh dại và tăng cường quản lý đàn chó, mèo nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh trên địa bàn. Để phòng bệnh dại cho cộng đồng, chó, mèo nuôi bắt buộc phải tiêm phòng dại đúng lịch, đủ liều, có sổ theo dõi; cần quản lý (rọ mõm khi đi ra ngoài); xích, không thả rông.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết