30/12/2018 - 08:07

Mùa đông ấm áp 

Truyện ngắn PHONG LINH

Kể từ khi cô con gái nuôi của bà Tào đi lấy chồng, chiều nào bà cũng đi hết con đường nối từ xóm dưới đến xóm trên, như để tìm thêm hơi ấm từ người qua kẻ lại. Người làng ai cũng ái ngại cho bà một thân một mình không ai bên cạnh. Mắt bà lòa, chân tay cũng yếu rồi, nhưng bà vẫn ngồi cả trưa ở quán nước đầu làng bán vài món kẹo bánh cho lũ trẻ đi học về.

Những người già trong làng thỉnh thoảng vẫn kể lại chuyện về bà. Lúc nhỏ gia đình bà nghèo lắm, vẫn thường theo cha mẹ làm đồng. Không hiểu sao mắt bà cứ dần mờ đi, nhưng chẳng ai nghĩ đến chuyện chạy chữa, bởi lo cái ăn còn chưa đủ. Cha mẹ bà sau đều mất sớm, bà lớn lên lẻ bóng, vì đôi mắt mù lòa, vẻ ngoài lại thô kệch. Bà cứ ở vậy cho đến mãi khi ngoài bốn mươi, rồi đem về một đứa trẻ sơ sinh, bảo là con.

Từ ấy bà nuôi dưỡng, chăm bẵm đứa bé chu đáo lắm. Có hơi con trẻ, bà hay nói hay cười. Bà đặt tên con là Duyên, để sau này lớn lên được duyên dáng và nhiều duyên may trong đời. Nhiều người phụ nữ cùng lứa với bà, đã gia thất đề huề, con cháu đầy nhà, cũng mừng cho bà được an ủi ở tuổi xế chiều sau đoạn đời nhiều bất hạnh và cô độc.

Nhưng Duyên lớn lên ngang ngạnh, bướng bỉnh, ăn diện, mặc sức cho bà vất vả. Bà Tào không nhận thấy điều đó, bà chỉ có con gái quý báu này, nên bà dành cho Duyên tất cả những gì bà có.

Rồi Duyên đi lấy chồng. Nói là lấy chồng, chứ thực ra Duyên làm lẽ cho một kẻ nhà giàu bởi không muốn sống nghèo khổ như bà. Lúc ấy Duyên mới mười chín tuổi, vừa tốt nghiệp cấp 3. Bà can đến thế nào cũng không được.

Duyên đi hẳn. Ngúng nguấy rời khỏi làng, ra khỏi ngôi nhà của bà Tào. Từ ngày Duyên đi, bà Tào có lúc đâm ngớ ngẩn. Những lúc không còn khách ở hàng nước ngoài cổng làng, bà đi vô đi ra, lẩm bẩm nói chuyện một mình, cứ gọi Duyên ơi, Duyên ơi…

***

Năm nay bão lạc mùa, vào đông rồi trời lại đột ngột trở bão. Bão vào ban đêm, mưa sập trời, sập đất, nhà nào cũng nôn nao không sao ngủ được. Điện trong làng chợt bị cắt mất. Mưa mỗi lúc một lớn, rồi sau đó, lẫn trong tiếng mưa là tiếng thanh niên trai tráng trong làng gọi nhau. Đó là những đoàn viên thanh niên của làng đi canh, đề phòng vỡ đê.

Trong tiếng mưa ấy, người trốn trong nhà hết, đêm tối đen như mực, không ai để ý thấy người con gái bụng mang dạ chửa ướt lướt thướt đang ngồi thu lu trong cái quán nước xập xệ của bà Tào. Bão giật ngày càng mạnh, cái quán nước được dựng bằng tre nứa ọp ẹp ấy có lẽ không đủ sức chống đỡ. Cô cũng sợ nó sập xuống, nhưng giữa đêm bão bùng này cô không thể nhích thêm bước nào để chạy vào cổng làng gõ cửa nhà người khác được. Cô đành nhắm mắt phó mặc mọi sự cho ông trời. Đã phiêu dạt đến tận đây, đã sống đến tận lúc này, đành trôi theo dòng nước thôi. Cô cứ miên man nghĩ rồi mệt quá thiếp đi giữa những đợt mưa trùng trùng.

Sáng sớm mưa đã ngớt, người người đều ngồi trong nhà nhìn trời mưa ngán ngẩm. Ai nghĩ đâu sang đông rồi vẫn mưa gió thế này. Bà Tào vẫn theo lệ thường đội mưa đi ra cái quán nhỏ của mình. Các bà hàng xóm can: Trời đất này bà ra đấy làm gì, mà có khi cái quán ấy cũng sập vì trận mưa đêm qua rồi. Nhưng bà vốn bướng bỉnh, vẫn mặc chiếc áo mưa, lững thững bước đi, trông rất nhẹ nhõm.

Cái quán nhỏ của bà không sập, chỉ nghiêng vẹo sang một bên. Bà thở dài, xem ra lại phải đợi trời tạnh nhờ lũ trẻ sửa thì mới bán hàng tiếp được. Bà đến gần, định xem còn đồ gì dẹp lại mang về nhà thì trông thấy cô gái đang thiêm thiếp ngủ.

Mắt bà mờ nên nhìn không rõ, nhưng bà biết đấy nhất định không phải là người trong làng. Bà kêu:

- Con cái nhà ai mà nằm đây ngủ, mưa bão thế này không sợ à?

Tiếng khàn khàn của bà khiến cô giật mình. Sau những ngày mệt mỏi, lại gặp trận mưa hôm qua, mặt cô tái mét, giọng run rẩy:

- Cháu ngủ nhờ ở đây. Mưa quá cháu chưa đi được bà ơi…

Cô chỉ nói được câu ấy rồi lại khóc. Cũng không hiểu sao lúc ấy cô cảm thấy không cần phải kìm nén. Còn bà Tào dẫu mắt đã lòa, vẫn nhận ra cô gái đang mang thai, bụng vượt mặt. Bà nghe thấy tiếng cô khóc lẫn trong tiếng mưa thổn thức. Tiếng cô khóc làm bà nhớ đến tiếng đứa trẻ con trong ngày đầu tiên bà mang Duyên về cái làng này từ bệnh viện, nơi người mẹ đã bỏ lại Duyên. Thấm thoát đã hai chục năm, tiếng khóc réo gọi của đứa trẻ suốt cả đêm ấy bà không sao quên được, bà đã chăm sóc Duyên tốt nhất bằng tất cả những gì bà có thể cố gắng.

Nhưng giờ đây, Duyên đã không tăm tích. Một năm gọi điện cho bà vài lần, gửi cho bà mấy triệu bạc để bà sống qua ngày, nhưng khi bà hỏi bao giờ về thăm bà, Duyên đều không trả lời, chỉ bảo rằng, cuộc sống của Duyên rất tốt, bà không bao giờ còn phải lo nữa.

Nhìn cô gái đang khóc trước mặt, bà chợt tỉnh hẳn. Bà lẳng lặng bảo cô: “Đang mưa lắm, cái chỗ này nó sập lúc nào không biết, cứ theo tôi về nhà đã”.

***

Một tuần sau, cũng vào một đêm trời mưa tầm tã. Bà Tào cùng vài người lớn tuổi hàng xóm của bà bồn chồn đi lại ở trạm xá của huyện. Hôm nay trở dạ, nhưng suốt cả ngày đau bụng cô gái vẫn chưa sinh. Bà sợ cô sức khỏe yếu quá nên khó sinh. Bác sĩ cũng thông báo từ giờ đến nửa đêm, nếu cô không thể sinh được, sẽ phải chuyển xuống bệnh viện trung tâm để mổ.

Mấy bà lão bồn chồn thấy rõ. Bà Tào đi đi lại lại, miệng lẩm bẩm gì đó không rõ. Một lúc sau từ trong phòng hộ sinh vang lên tiếng khóc lanh lảnh. Bác sĩ thông báo, dù người mẹ khá yếu vì kiệt sức, nhưng đứa trẻ rất khỏe mạnh.

Bà Tào cùng các bà lão thở phào. “Thôi cũng xem như là có phúc đức lắm rồi. Mẹ tròn con vuông. May có bà chăm lo chứ không lại vật vờ đường chợ, chẳng biết có sống được không”, một người nói. Bà Tào cảm ơn hàng xóm, rồi tất tả chạy theo bác sĩ về phòng nơi cô gái mới sinh xong.

Từ hôm gặp cô gái bụng mang dạ chửa ngủ quên trong lều của mình, biết được chuyện cô không còn nơi nào nương tựa, bố mẹ đã mất từ lâu, lại bị người yêu lừa sạch tiền bạc rồi bỏ rơi, bà giữ cô lại đây. Từ ngày Duyên đi xa, bà cũng chỉ lầm lũi một mình, nên có cô nhà thêm tiếng người, không còn hiu quạnh.

Bà vừa ngồi bên cạnh giường của cô, cô đã khóc ôm lấy tay bà: “Bà ơi để con ở đây với bà, nuôi con”. Bà nghe giọng nghẹn ngào của cô thì cũng muốn khóc theo: “Mới sinh xong không được khóc lóc. Cứ ở với bà già này. Cứ gọi là mẹ, để cháu gọi là bà”.

Cô gái lại khóc thút thít, vừa nghẹn ngào vừa gọi “Mẹ ơi, mẹ ơi”. Tiếng gọi nhỏ xua tan hết những giá lạnh mà Duyên để lại trong lòng bà…

Chia sẻ bài viết