Mới đây tại Cần Thơ, Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức lớp tập huấn Múa dân gian toàn quốc năm 2017. Trao đổi về thực trạng múa dân gian ở ĐBSCL cũng như cả nước hiện nay, Nhà giáo Nhân dân Phạm Minh Phương, giảng viên lớp tập huấn, nhận định:
- So với nhiều vùng miền khác trong cả nước thì chuyên ngành múa chuyên nghiệp nói chung, múa dân gian nói riêng ở khu vực ĐBSCL có vẻ khá mờ nhạt. Nhiều địa phương không có nghệ sĩ hội viên cấp trung ương. Các Trường Văn hóa, nghệ thuật thì gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh chuyên ngành múa.
Cũng từ thực trạng này mà chúng tôi chọn TP Cần Thơ tổ chức lớp tập huấn, để các nghệ sĩ đồng bằng được cập nhật thông tin, kỹ thuật, hiểu biết về các loại hình múa dân gian trong sự phát triển chung. Mục đích của chúng tôi là để chính các thầy cô giáo dạy múa nói lên tiếng nói rằng họ cần gì, gặp khó khăn gì trong quá trình truyền thụ nghệ thuật múa dân gian ở trường mình, địa phương mình… Từ đó, giảng viên và học viên đi đến một số thống nhất như thuật ngữ, quy chuẩn động tác… trong trình diễn và giảng dạy múa. Phải khẳng định rằng, múa dân gian đang rất cần trợ lực để có thể gìn giữ và phát huy.
Múa bóng rỗi- một loại hình múa dân gian đặc sắc và lâu đời ở ĐBSCL. Ảnh: DUY KHÔI
* Bà đánh giá như thế nào về khả năng ứng dụng múa dân gian giảng dạy và làm chất liệu trong những tác phẩm múa chuyên nghiệp hiện nay?
- Mỗi trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hay địa phương đều mang đến những màu sắc, chất liệu riêng. Tuy khu vực ĐBSCL không quá rộng và số dân tộc sống ở đây không quá nhiều nhưng cũng định hình những nét văn hóa độc đáo riêng biệt, trong đó có múa dân gian. Điển hình như nhiều học viên lớp học chọn giới thiệu múa dân gian Khmer. Giảng viên và học viên cùng trao đổi về những điệu múa Khmer truyền thống để làm chất liệu học tập và xây dựng tiết mục, tạo nên những tác phẩm có kết cấu, chuyển tải bản sắc, thông điệp rõ ràng.
Cũng như mọi vùng miền khác trong cả nước, múa dân gian ĐBSCL là vốn quý, khả năng ứng dụng rất cao, làm nên bản sắc riêng, không pha lẫn.
* Làm gì để múa dân gian sống trong đời sống văn hóa, nghệ thuật hiện nay, thưa bà?
- Theo tôi, đó là phải biết lồng ghép, sử dụng hợp lý, hài hòa, không khiên cưỡng và cải tiến sao cho phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ mới. Điều hết sức chú ý là khai thác ngôn ngữ múa dân gian, biên đạo phải gắn với không gian văn hóa của dân tộc ấy như trang phục, lễ hội, âm nhạc, phong tục… Có trường hợp biên đạo khéo léo đưa vài ba động tác múa dân gian nhưng sử dụng tốt đạo cụ, thiết kế sân khấu vẫn rất thành công; nhưng cũng có trường hợp dùng rất nhiều động tác cũng không ra được bản sắc của dân tộc muốn thể hiện.
Tuy vậy, việc chọn lựa ngôn ngữ múa của dân tộc ra sao, ứng dụng vào tác phẩm múa như thế nào để trở thành một tác phẩm nghệ thuật giá trị còn ở sự sáng tạo và tư duy của người biên đạo.
* Xin cảm ơn bà!
HUỲNH HOA (thực hiện)