Khi những đồng ruộng bậc thang Tây Bắc chỉ còn trơ gốc rạ thì Hà Giang đang vào mùa đẹp nhất. Màu vàng bát ngát uốn lượn vắt vẻo lưng chừng trời. Tiếp sau đó là hoa tam giác mạch khoe sắc. Vùng đất cao nguyên đá dù khắc nghiệt nhưng vẫn mang vẻ đẹp lãng mạn và hùng vĩ mỗi độ cuối thu – đầu đông. Người ta gọi đó là mùa của Hà Giang.
Tháng Chín, người ta nhắc đến ruộng bậc thang mâm xôi Mù Căng Chải, nếp thơm Tú Lệ, đèo Khau Phạ (Yên Bái) hay Tả Van, Mường Hum, Bản Khoang, A Mú Sung (Lào Cai). Sang tháng Mười, dòng người và xe lại đổ về cao nguyên đá. Hà Giang tháng này, lúa đang mùa đẹp nhất.
Hoa tam giác mạch chỉ nở một mùa và người ta gọi đó là màu của Hà Giang cùng với mùa lúa chín.
Cũng là ruộng bậc thang nhưng chín muộn so với nhưng nơi khác, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quản Bạ… vẫn có người hâm mộ riêng. Đặc biệt, Hoàng Su Phì luôn tạo cảm xúc choáng ngợp cho du khách khi tới đây vào mùa lúa chín. Nằm dưới chân dãy Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, địa hình vùng này vô cùng hiểm trở bởi độ dốc lớn và bình độ cao. Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì cũng vì thế mà cao vút, mang nhiều dáng dấp theo đồi núi khắc nghiệt đó. Đứng ở đây mới thấy công lao khó nhọc của người bản địa bao đời nay. Ở một góc độ nào đó, những đôi tay cầm cuốc của họ là những đôi tay tài hoa. Họ đã “vẽ” nên một bức tranh toàn mỹ giữa núi rừng mênh mông. Nếu chỉ có những ngọn núi cao chập chùng ẩn hiện trong mây, người ta chỉ thấy sự hùng vĩ của thiên nhiên. Nhưng xen vào đó là những bậc thang trồng lúa để khi nó chín vàng óng ả, thì nét hùng vĩ ấy lại vô cùng lãng mạn. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của thiên nhiên, con người tồn tại và ghi dấu sự chinh phục.
Ở Hoàng Su Phì có đến sáu khu vực trồng lúa đẹp hùng vĩ của người Dao, người La Chí, người Nùng trải dài gần 800 ha, gồm: Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên. Cứ mỗi mùa vàng vào tháng 10 dương lịch hằng năm, người ta đổ về Hoàng Su Phì như trẩy hội. Đường sá không phải dễ dàng nhưng vẫn khó ngăn những bước chân. Thăm lúa Hoàng Su Phì phải đi xe máy để có thể dừng đỗ bất cứ đâu. Thậm chí có thể quăng xe ở gốc cây nào đó rồi vác ba lô cuốc bộ vài giờ qua những ngọn đồi đầy những bậc thang vàng óng. Hoặc đơn giản là ngồi ngẩn ngơ trước những dải lụa vàng vắt vẻo trên núi trong cái lành lạnh của núi rừng. Cho dù trở lại đây nhiều lần nhưng du khách khó kềm được cảm xúc trước khung cảnh nơi này. Để rồi, cứ mỗi mùa lúa lại nhớ da diết Hoàng Su Phì và lại sắp xếp ráo riết để đến đó như một chuyến trở về. Thế nên có người bảo, nếu chưa từng đến Hoàng Su Phì thì khuyên nên không đến. Bởi đến rồi sẽ “nghiện” trở lại!
Hoàng Su Phì chỉ mới là chạm vào cửa ngõ của cao nguyên đá nhưng đã chiếm phần lớn thời gian vả cảm xúc của du khách. Ngay sau mùa vàng là mùa tím hồng tinh khôi của hoa tam giác mạch. Người Mông bản địa trồng hoa để làm hương liệu và chế biến trong bữa ăn, lễ lạc truyền thống. Trồng hoa sau lúa cũng là một cách cải tạo đất tự nhiên, tăng dinh dưỡng cho đất để lúa vụ sau tốt hơn. Giữa miền đá, những sắc hoa như nhún nhảy cười đùa trong nắng. Hoa mênh mông trên đồi, trên những thửa ruộng vừa mới xong mùa vàng. Hoa tô màu trên nền đá xám. Đâu đâu cũng tràn đầy sắc hoa như thể mùa xuân đang trẩy hội trên miền đá. Tam giác mạch vừa ra hoa có màu trắng tinh khôi. Sau đó chuyển sang hồng phơn phớt rồi hồng đậm trước khi sang màu tím sẫm và tàn. Bởi thế, trên mỗi ruộng hoa luôn đủ các sắc màu tươi mắt. Người ta nói, người Mông bản địa bắt đá phải trổ hoa là vậy!
Điểm tận cùng của Hà Giang là cột cờ Lũng Cú và là nơi địa đầu Tổ quốc. Cột cờ đặt trên đỉnh Long Sơn cao khoảng 1.700 mét, có từ thời nhà Lý. Ngày nay, cột cờ được xây dựng chắc chắn hơn, mô phỏng từ cột cờ Hà Nội, cao hơn 33 mét. Đặc biệt, lá cờ treo trên cột cờ Lũng Cú là lá cờ rộng đến 54m2 tượng trưng cho các dân tộc anh em. Người Lô Lô bản địa hiện vẫn sử dụng trống đồng như mẫu trống từ thời Đông Sơn vào các dịp lễ truyền thống. Tiếng trống vang vọng có thể nghe được từ rất xa. Bởi thế, khi xây dựng cột cờ Lũng Cú ngày nay, người ta đã thiết kế hoa văn trống đồng Đông Sơn ở phần đế cột. Đây là vị trí thiêng liêng vì người xưa cho rằng ngọn núi này là nơi ở của Rồng thiêng, nên Long Sơn còn được gọi là Long Cư.
Hành trình từ Hoàng Su Phì tới Lũng Cú đi qua nhiều điểm đáng chú ý, như: Cổng Trời và Núi Đôi Quản Bạ, bản Sủng Là với những bờ rào đá nổi tiếng qua bộ phim “Nhà của Pao”, nhà Vua Mèo, phố cổ và chợ phiên Đồng Văn, Mã Pí Lèng- một trong tứ đại đỉnh đèo… với mọi cung bậc cảm xúc để du khách khám phá!
Bài, ảnh: MIÊN HẠ